07/08/2014 04:19 GMT+7

"Má Mừng" săn học bổng

VIỆT HOÀNG
VIỆT HOÀNG

TT - Ngoài 30 tuổi, hơn mười năm về trường giảng dạy là chừng ấy năm cô Mừng nổi tiếng ở Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM với biệt danh “má Mừng săn học bổng”!

Vừa đi công tác Bà Rịa về, cô Nguyễn Thị Thúy Mừng - giáo viên hóa Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến - liền vội vã đến nhà Ngân - cô học trò mồ côi cha đang cần cô giúp đỡ.

2jSJlG5F.jpgPhóng to
Nguyễn Tấn Phát và cô Mừng vui vẻ trò chuyện - Ảnh: Thanh Tùng

Ngoài 30 tuổi, hơn mười năm về trường giảng dạy là chừng ấy năm cô Mừng nổi tiếng ở xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM với biệt danh “má Mừng săn học bổng”!

12 năm xin học bổng cho học trò

“Các bạn trong lớp gọi cô là má Mừng, còn em vẫn sẽ gọi là cô Mừng nhưng em đã xem cô như người mẹ thứ hai của mình, một người mẹ “trăm con” và em chỉ là một đứa con nhỏ trong gia đình ấy!” - Nguyễn Tấn Phát, tân sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, chia sẻ trong lưu bút học trò gửi cô chủ nhiệm sau ba năm được cô dìu dắt. Trong ba năm học ở Trường THPT Nguyễn Hữu Tiến, Phát đã hai lần được cô Mừng nắm tay đưa trở lại trường bằng những học bổng kịp thời, để cậu học trò có hoàn cảnh đặc biệt này không phải nghỉ học.

Cha mẹ Phát ly dị từ khi Phát mới bước vào THCS. Đồng lương ít ỏi của công nhân chỉ hơn 2 triệu đồng/tháng khiến mẹ Phát đuối sức vì hai con trai đang đi học. Lên THPT, khó khăn trong gia đình khiến Phát chỉ muốn nghỉ học.

Cô Mừng đến tận nhà Phát mới hiểu được sau vẻ lì lợm, quậy phá của cậu học trò là câu chuyện đáng lưu tâm. Khi đó Phát đang ở với ba trong chòi lá xác xơ. Ba Phát với thu nhập bấp bênh bằng nghề chạy xe ba gác chuyển sang làm “đạo tỳ” cho các đám tang. Phát thui thủi trong chòi lá lạnh lẽo, bữa no bữa đói đến trường.

“Tôi nhận ra cậu học trò nghịch ngầm nhưng khá thông minh này thật ra rất ham học và có ý chí. Từ chỗ nằm trong “top” 10 học sinh yếu toán, Phát đã đạt học sinh giỏi toán cấp TP. Cuối năm lớp 10, tôi vận động giúp Phát xin học bổng “Học sinh nghèo hiếu học” của xã. Năm lớp 12, tôi gửi câu chuyện giàu ý chí, ham học của Phát xin học bổng “Ngăn dòng bỏ học” của báo Tuổi Trẻ. Nhờ những học bổng ấy mà Phát vượt qua khó khăn trong suốt thời gian phổ thông để tập trung học và thi đậu ĐH” - cô Mừng xúc động kể.

Phát dẫn chúng tôi đến nhà bốn chị em cô bạn cùng lớp Nguyễn Thị Thu Ngân tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. Ba Ngân đã mất vì tai nạn xe. Nhà Ngân chỉ còn bốn chị em tự nuôi nhau và thay phiên chăm sóc mẹ Ngân bị tâm thần. Trước đây, chị gái Ngân cũng là học trò của “má Mừng”. Tìm hiểu hoàn cảnh của Nguyễn Thị Thu Vân - chị gái Ngân, cô Mừng đã xin cho Thu Vân học bổng “Ngăn dòng bỏ học” từ báo Tuổi Trẻ.

Ngày ba Ngân mất, cô đứng ra vận động nhà trường, lối xóm lo cho đám tang ba Ngân. “Hôm đó là ngày bão vào TP.HCM, trường cho học trò nghỉ học. Nhưng cô trò mình lại lo cho mẹ con Ngân đang ở trong chòi lá giữa cánh đồng. Thế là cả lớp kéo đến giúp Ngân thu dọn sách vở, đồ dùng về nhà nội ở Thới Tam Thôn. Cô trò làm vừa xong thì bão tới, cái chòi lá bị nước ngập lên nửa nhà. Điều mình cảm thấy ấm áp trong kỷ niệm ấy là sự đùm bọc lẫn nhau của học trò mình. Mong sau này thành đạt, các con vẫn luôn sống như thế” - cô Mừng bồi hồi nhớ lại. Chị gái Ngân nhờ có học bổng đã đi học trung cấp, nay đang làm thủ thư ở một trường học, phụ giúp mẹ nuôi các em.

“Ráng thêm một, hai suất cho học trò nhé!”

Năm nay Ngân cũng đậu vào cao đẳng sư phạm, cô Mừng lại đang chạy đôn chạy đáo tìm học bổng giúp Ngân. Cô nhắn nhủ với học trò nhỏ của mình: “Ráng đi em, tuy giờ phải chăm mẹ nữa nhưng đừng nghỉ học, cố kiếm cái nghề ổn định như chị gái, sau này còn lo cho các em”. Mẹ của Ngân bị bệnh thần kinh nhưng lại rất nhớ cô Mừng, khi cô đến nhà bà níu tay như lâu lắm mới gặp lại. Ngân xúc động nói: “Cô Mừng luôn có mặt sau mỗi biến cố của gia đình em. Nên má dù lúc tỉnh lúc mê nhưng vẫn rất quý cô”.

Tuy gọi là dân thành phố nhưng ở xã nghèo Đông Thạnh này, học trò của cô Mừng đa số có hoàn cảnh khó khăn. Cô Mừng điểm lại những câu chuyện học trò mà cô đang tìm học bổng: “Năm nay trường có nhiều em đậu ĐH, nhưng đường đến trường e là còn nhiều trở ngại. Như cậu học trò Nguyễn Minh Mẫn, ba làm thợ hồ nhưng lại hay uống rượu, ba mẹ lục đục hoài nên mấy chị em khổ vừa phần kinh tế vừa tinh thần. Lúc em học cấp III, mình xin được học bổng 4 triệu đồng, mình cho thêm một ít để em đủ chi phí học hết cấp III. Còn một em nữa mới đậu ĐH luật, nhà chỉ có hai mẹ con, em đang phụ giúp mẹ buôn bán. Có em đậu ĐH sư phạm nhưng ba mẹ đau ốm không đủ tiền cho đi học, mấy chị em phải tự nuôi nhau, giờ lên ĐH cũng cần lắm những suất học bổng ban đầu”.

Mùa hè này Phát đi làm phụ hồ cho một công trình xây trường học, chờ giấy báo của Trường ĐH Bách khoa. Cũng như Phát, Ngân đang khấp khởi đợi ngày nhập học cao đẳng sư phạm. Những học trò cũ cứ có dịp lại quấn quýt bên cô Mừng, khi không bao lâu nữa cuộc sống bận rộn việc học, phấn đấu cho tương lai sẽ cuốn các em đi, và sẽ không có nhiều dịp về thăm cô Mừng như bây giờ nữa. Nhưng chúng tôi tin rằng hành trang vào đời của các em sẽ luôn mang theo hình ảnh những việc làm đẹp trong ký ức mà “má Mừng” đã làm để đưa các em vượt qua biết bao biến cố đầu đời.

VIỆT HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên