31/03/2014 05:20 GMT+7

Bỏ Sài Gòn, về Quảng Nam mở lò điêu khắc

HUỲNH VĂN MỸ
HUỲNH VĂN MỸ

TT - Đang “bén rễ” khá tốt ở Sài Gòn, Nguyễn Văn Huy bỗng rời chốn đô hội về tỉnh lẻ Quảng Nam mở xưởng điêu khắc.

VN vào chung kết cuộc thi sáng tác điêu khắc Melusina Điêu khắc chờ đợi những đỉnh caoĐiêu khắc: không tìm ra không gian sống

QnwF37lN.jpgPhóng to
Huy tạc tượng chân dung nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: H.V.M.

Xưởng của Huy nằm khuất sau trụ sở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh ở thành phố Tam Kỳ, lúc nào cũng ngổn ngang đất sét, thạch cao cùng những tác phẩm đang làm dở.

Tay lấm lem đất sét, Huy vừa làm phần việc của mình, vừa hướng dẫn các tay điêu khắc đàn em. “Khách đang giục làm hàng cho kịp” - Huy nói.

Đặt hàng nhiều tới mức Huy phải cắt chuyến đi Hà Nội để nhận giải A của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật VN, với tác phẩm Thằng bé. Trước đó, Huy cũng đoạt huy chương đồng với tác phẩm Đôi mắt trong chương trình “10 năm điêu khắc toàn quốc”.

Huy tâm sự công việc của người điêu khắc thường rất nặng nhọc, dù các tác phẩm được làm bằng chất liệu gì, đồng hay đá, tôn hay inox...

Bởi vậy phái nữ ít người theo học ngành này. Ngay cả số lượng nam sinh viên ở trường điêu khắc cũng rất ít, một lớp thường chỉ 7-8 sinh viên. Các xưởng điêu khắc chuyên nghiệp thường nằm ở các thành phố lớn, là nơi thu hút các nhà điêu khắc trẻ đến làm việc.

Hì hục làm việc tối ngày, niềm vui với Huy là từ ngày đến đây hành nghề - tháng 7-2012 - cái xưởng vốn nằm nơi vắng lặng của anh đã được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Có cả khách hàng từ TP.HCM ra đặt hàng.

“Về tỉnh mở xưởng điêu khắc mình không quá đặt nặng chuyện thu nhập mà cái chính là để giới thiệu được với nhiều người ở đây về điêu khắc chuyên nghiệp, cái đang thiếu và tạo nên một phần sự thua thiệt trong đời sống văn hóa ở các tỉnh”, Huy bày tỏ.

Những đơn hàng nối nhau đến cho Huy cơ hội phát huy năng lực, vừa xác định sự “có lý” của Huy khi chọn về tỉnh làm điêu khắc.

Nhiều tác phẩm khách hàng đặt làm buộc nhà điêu khắc phải nghiên cứu các tư liệu, các di tích lịch sử, văn hóa của địa phương.

Hiện Huy và các đồng sự đang làm hai phù điêu lớn, mỗi bức rộng đến 3,5m2, về cảnh diễn tuồng hát bội, về nữ thần Shiva cho Bảo tàng Tổng hợp Quảng Nam.

“Để làm những phù điêu này mình phải tìm đọc sách về tuồng Quảng Nam, phải đến các tháp Chăm trong vùng để nghiên cứu tượng thần Shiva. Khó nhọc, công phu nhưng hấp dẫn. Từ công việc mình học thêm được nhiều điều lắm...” - Huy nói.

Điêu khắc là sáng tạo. Và người sáng tạo thì không ngừng mơ ước.

HUỲNH VĂN MỸ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên