29/03/2014 02:11 GMT+7

Ăn trên lưng người làm bốc xếp

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Bốc xếp là nghề nặng nhọc nhưng đồng lương ba cọc ba đồng. Người làm bốc xếp là người nghèo, cùng đường về công việc mới đi bán sức, bán mồ hôi. Cùng đinh, cùng đường đến thế nhưng vẫn có những kẻ đang tâm bóc lột, lừa đảo họ.

Giới thiệu việc làm móc túi người nghèoTiếp sức các lao động bị lừa giới thiệu việc làm

ojF0hin9.jpgPhóng to
Ông Long (thứ ba từ trái sang), người được cho là tổ trưởng tổ bốc xếp - đang tuyển lao động tại quán nước trước Khu công nghiệp Sóng Thần - Ảnh: Quang Phương

PV Tuổi Trẻ cũng đi làm khuân vác để thấu hiểu cảnh khổ của họ.

Đóng tiền và... đóng thêm tiền

“Tuyển lao động bốc xếp, lương từ 250.000-500.000 đồng/ngày, trả theo ngày”. Đó là những thông báo nhan nhản được dán ở nhiều nơi.

Lần theo thông báo tuyển lao động bốc xếp của Công ty TNHH Nghĩa Bảo, chúng tôi liên lạc với người tên Bảo. Đầu bên kia, Bảo dặn: “Chuẩn bị 350.000 đồng, mang theo chứng minh nhân dân, đến ngã tư Gò Dưa (Thủ Đức, TP.HCM)”.

Bảo ra đón và đưa chúng tôi về một căn nhà ở P.Tam Bình, Q.Thủ Đức. Tại đây, Bảo yêu cầu đưa chứng minh nhân dân và đóng tiền. Khi đã nhận tiền, Bảo rút tờ giấy “Hợp đồng nhận việc” và tư vấn nhanh: “Bốc xếp hàng tạp hóa từ 7-17kg, lương 230.000-300.000 đồng/ngày, được bao ăn ở; xếp hàng 20-50kg, lương 350.000-450.000 đồng/ngày, bao ở. Lương trả theo ngày. Chọn loại nào?”. Tôi chọn bốc xếp hàng loại nhẹ ký. Bảo yêu cầu: “Đóng thêm 70.000 đồng nữa để làm thẻ ra vào cổng”. Tôi phàn nàn, Bảo giải thích “350.000 đồng kia là tiền mua đồng phục, tiền đóng bảo hiểm. Làm hai tuần rồi công ty trả lại”.

Ngay sau đó tôi được đưa xuống cổng Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương) gặp người tên Long, tổ trưởng tổ bốc xếp.

Thấy tôi, Long chỉ tay yêu cầu vào quán nước trước cổng Khu công nghiệp Sóng Thần. Long lại yêu cầu tôi đưa chứng minh nhân dân để kiểm tra, nộp hai tấm hình để làm thẻ ra vào cổng và phải đóng thêm 100.000 đồng. “Tiền này là tiền quản lý, điều hành công việc”, Long giải thích. Hỏi Long về chuyện tiền công, Long nói: “Vào làm đi, cuối ngày sẽ trả lương cho!”.

Cùng ngồi với tôi lúc này còn có ba thanh niên khác cũng được Long hẹn để đưa đi làm công nhân bốc xếp. Long cũng yêu cầu họ đóng 100.000 đồng/người. Một thanh niên tên Nguyễn Văn Bảo nói hết tiền, Long nổi cáu: “Không có thì về lấy, sáng mai lên đây nộp!”.

Nói một đằng, làm một nẻo

Ngay đầu giờ chiều hôm đó, Long cho một thanh niên tên Hoàng đưa nhóm chúng tôi vào ga Sóng Thần để làm việc.

Vào trong ga, Hoàng chỉ vào nhóm bốc xếp đang oằn lưng cõng những bao tải hàng to đùng, thở hổn hển, mồ hôi nhễ nhại từ xe vào nhà kho, bảo: “Đó, vô đó mà làm đi!”.

Thấy tôi, Hùng - một công nhân đang làm - ái ngại: “Làm nổi không? Nặng lắm đó! Anh em tụi này làm lâu nên quen, mới vào chịu không nổi đâu”. Hùng cho biết công việc ngày được ngày mất. Có ngày không có hàng, anh em công nhân mỗi người chỉ được vài chục ngàn. Thấy công việc không như tư vấn, chúng tôi gọi điện cho Bảo để phản đối, Bảo dịu giọng: “Gọi điện cho ông Long để thu xếp việc khác”.

Sau đó nhóm chúng tôi được Long đưa xuống tổng kho Kerry cách ga Sóng Thần khoảng 4km. Đến nơi, Long giao chúng tôi cho một thanh niên tên Mai. Công việc của chúng tôi đợt này là bốc xếp các thùng mì gói lên xe tải. Về tiền công, Mai cho biết ở đây hai tuần nhận lương một lần, tiền tăng ca 20.000 đồng/giờ, “được nhận ngay sau khi làm xong, mỗi ngày thu nhập cũng được 100.000 đồng”.

Thấy tiền công không cao như tư vấn, chúng tôi tiếp tục gọi điện cật vấn Long thì ông này to tiếng: “Em mới vô, em làm được cái gì cho công ty đâu mà đòi hỏi nhiều? 340.000 đồng/ngày là cộng cả tiền tăng ca nhé! Đó là mốc cuối cùng của công ty”. Không chấp nhận làm việc không như thỏa thuận ban đầu, chúng tôi bỏ về. Long hẹn sẽ sắp xếp công việc khác phù hợp hơn vào hôm sau.

Lừa gạt và trở mặt

Hôm sau, Long hẹn tại cổng Khu công nghiệp Sóng Thần để sắp xếp công việc khác. Rút kinh nghiệm hôm trước, chúng tôi hỏi Long có trả lương theo ngày không, Long nói như đinh đóng cột: “Cứ đi làm đi, chiều hết giờ ra đây tui trả tiền cho. Tui tự bỏ tiền túi ra trả trước cho mấy người”.

Khoảng 8 giờ, chúng tôi nhập vào nhóm cùng với bốn thanh niên khác đến một công ty hóa mỹ phẩm ở Khu công nghiệp Sóng Thần để bốc hàng. Hàng chúng tôi bốc là các thùng hóa chất chừng 10kg, bốc xếp lên xe container. Anh Thương, một công nhân bốc xếp, cho biết hàng loại này tính theo từng container. Mỗi container được trả công 350.000 đồng. Nếu sáu người thì bốc nguyên cả buổi mới xong. “Hôm nay anh em mình bốc chỗ này chỉ hai container, xong là nghỉ”.

Gần 9g, cái nóng của Sài Gòn bắt đầu. Nhóm chúng tôi chui vào thùng container để xếp hàng. Sau chừng hai giờ hì hục trong thùng sắt với không gian chật chội và không khí ngột ngạt vì mùi hóa chất, ai cũng mồ hôi nhễ nhại, thở hổn hển vì mệt và choáng. Một bạn trẻ tên Hoàng An (19 tuổi), quê Lâm Đồng, chịu không nổi, bỏ cuộc.

Hoàng An cho biết bạn làm nghề hớt tóc nhưng lên mạng thấy tuyển lao động bốc xếp, tiền công hằng ngày cao quá nên xin đi làm. “Em tính đi làm vài tháng dành dụm tiền mua chiếc xe máy. Giờ không được gì mà còn bị mất 520.000 đồng”, An rơm rớm nước mắt.

Trưa hôm đó, An gọi điện cho ông Long hỏi tiền công vì đã tham gia bốc được một container. Ngay lập tức, ông Long chửi thề: “Mày làm không nổi thì kệ mày chứ mày hỏi gì tao!”.

Chiều cùng ngày, hết giờ làm, tôi đến cổng Khu công nghiệp Sóng Thần gọi điện cho Long để nhận tiền công như thỏa thuận lúc sáng. Long trở mặt, thoái thác: “Giờ công ty chưa bấm lương nên chưa trả được. Em phải hỏi ai chỉ đạo em làm thì người đó bấm lương cho em. Mà bây giờ cũng chưa hết giờ tăng ca, em làm tới 10 giờ đêm mới hết!”. Cãi cọ một hồi, Long phán thẳng: “Em đâu phải cha anh mà em hỏi? Anh đâu có trách nhiệm với em nữa!”. Nói rồi Long cúp máy luôn.

Tôi nghĩ phận nghèo, ít học mới đi làm bốc xếp. Vậy mà họ đang tâm lừa lọc.

Không có mức 500.000 đồng/ngày

Những người từng là nạn nhân đều nhìn nhận: việc rao tuyển công nhân bốc xếp với thu nhập lên đến 500.000 đồng/ngày là trò lừa đảo. Đến ngay cả những người bốc xếp chuyên nghiệp cũng không có mức thu nhập này. Công việc nặng nhọc, thu nhập thấp và bấp bênh khiến những người mới gia nhập phải bỏ việc ngang. Cò việc làm ăn các khoản tiền đã đóng như phí giới thiệu, các loại tiền đồng phục, thẻ ra vào...

Tùy theo loại hàng, mỗi tấn được trả công 10.000-15.000 đồng, trả lương một tháng hai lần. Theo các công nhân bốc xếp, thu nhập bình quân mỗi tháng chỉ khoảng 3,5 triệu đồng.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên