19/10/2013 04:10 GMT+7

Kiến tạo môi trường sáng tạo sinh viên

QUỐC LINH
QUỐC LINH

TT - Hôm nay 19-10, Hội Sinh viên TP.HCM tiến hành hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ để đánh giá nửa chặng đường đã qua và chuẩn bị cho Đại hội Hội Sinh viên VN lần IX sắp tới.

Thi cổ động, tuyên truyền Đại hội Hội Sinh viên VN lần thứ IXCó kỹ năng để hội nhập tốt

I5G3udqa.jpgPhóng to
Sinh viên hướng dẫn học sinh làm quen với nghiên cứu, trồng và chăm sóc rau mầm trong chiến dịch Mùa hè xanh 2013 - Ảnh: Q.L.

Cùng với nhiều sân chơi mới, hoạt động của hội sinh viên các cấp nửa nhiệm kỳ qua tại TP.HCM đã có thêm các hoạt động khơi gợi tiềm năng sáng tạo.

Dấu ấn sáng tạo

Không thể không nhắc đến các cuộc thi, sân chơi và các đội, nhóm, câu lạc bộ học thuật với quy mô lớn nhỏ khác nhau do chính sinh viên hình thành và nuôi dưỡng. Ví dụ ở ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hầu như 10 khoa của trường đều có các cuộc thi, sân chơi khoa học có thể kể như: vườn ươm Mendel (sinh học), chấn động Pangae (địa chất), Bigbang (vật lý)… Những sân chơi này đã trở thành điểm hẹn của không chỉ sinh viên trường mà còn của sinh viên các trường khác.

Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Khoa học tự nhiên Trần Vũ cho biết mỗi năm đều có hai cuộc thi cấp trường: Ý tưởng sáng tạo sinh viên S-idea, sinh viên nghiên cứu khoa học và ngày hội sáng tạo (hai năm/lần), kích thích đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong sinh viên. “Chúng tôi có câu lạc bộ “Ong nghiên cứu”, sau nhiều năm hoạt động đã mở rộng đến một số trường THPT của TP, giúp các bạn học sinh làm quen, khám phá thế giới khoa học bắt đầu từ những sáng tạo nho nhỏ mang tính ứng dụng trong đời sống” - anh Vũ cho biết thêm.

Trong khi đó bằng sự kết nối của hội sinh viên, nhiều giảng viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã cùng chia sẻ với sinh viên qua diễn đàn trao đổi ý tưởng, hướng dẫn phương pháp khoa học, hình thành ngân hàng ý tưởng sáng tạo trong sinh viên. “Những sân chơi này bước đầu có hiệu quả rõ rệt khi nhiều ý tưởng của sinh viên đã được các thầy cô tư vấn, hướng dẫn để hình thành hướng nghiên cứu, phát triển thành đề tài tham gia nghiên cứu khoa học sinh viên, giải thưởng Eureka hằng năm” - bạn Nguyễn Lê Kim Ngân, chủ tịch Hội Sinh viên trường, cho biết.

Tương tự, phần nhiều trong số các robot do sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chế tạo ra đời từ các cuộc thi do hội sinh viên phối hợp các phòng thí nghiệm của trường tổ chức. Trong đó, hệ thống cảnh báo kẹt nắp cống được xem là điển hình cho hoạt động sáng tạo của sinh viên trường mới đây. Hay mỗi năm ĐH Bách khoa TP.HCM có đến cả chục sân chơi sáng tạo từ khoa học đến hoạt động phong trào. Với cái tên khá ngộ nghĩnh “Đô thị béo phì”, cuộc thi này đã phát triển nhiều ý tưởng sáng tạo, hướng nghiên cứu tạo ra sản phẩm tiện ích phục vụ cho sự phát triển của đô thị với tiêu chí thân thiện môi trường.

Tuy vậy, như nhận định của nhiều trường, tiềm năng sáng tạo của sinh viên rất lớn mà ở chừng mực nào đó, các sân chơi của hội mới chỉ đáp ứng được một phần. Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM Võ Trung An chia sẻ: “Kết nối với giảng viên, nắm bắt nhu cầu thực tế để các nghiên cứu, sáng tạo của sinh viên thiết thực, đáp ứng nhu cầu thực tế, tránh lãng phí là điều chúng tôi đang hướng đến”.

Còn nợ nhiều đề án lớn

Ngoài đề án “Nâng cao kỹ năng thực hành xã hội cho sinh viên” đang chạy tốt với nhiều lớp, khóa huấn luyện kỹ năng cho sinh viên và công trình sinh viên TP chung tay tôn tạo khu di tích - căn cứ Thành đoàn tại Núi Dinh (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã hoàn thành, vẫn còn những đề án, công trình dù nửa nhiệm kỳ đã qua song vẫn chưa thể triển khai.

Phó chủ tịch thường trực Hội Sinh viên TP.HCM Nguyễn Thanh Đoàn cho biết việc vận động 500 sinh viên tốt nghiệp về công tác tại các huyện ngoại thành còn “kẹt” cơ chế hỗ trợ, chính sách tuyển dụng… nên chưa thể thực hiện, ngoài các trường ngành sư phạm đã triển khai bước đầu. “Đề án đã có, cũng xin ý kiến các ban ngành liên quan nhưng vẫn còn vướng khá nhiều nên sắp tới Hội Sinh viên TP sẽ đóng vai trò đơn vị kết nối, nắm bắt nhu cầu nhân lực của các huyện và giới thiệu đề án đến sâu rộng sinh viên để bạn nào thấy phù hợp, có nguyện vọng sẽ đăng ký tham gia” - anh Đoàn cho biết.

Còn công trình Nhà văn hóa Sinh viên khu vực Thủ Đức đã xong đồ án thiết kế, được UBND TP.HCM chấp thuận ghi vốn đầu tư khoảng 400 tỉ đồng, đang tiến hành các bước tiếp theo của công trình song vẫn chưa thể khởi công vì… thiếu tiền. Theo Chủ tịch Hội Sinh viên TP.HCM Nguyễn Mạnh Cường, tỉnh Bình Dương cũng đã duyệt dự án do công trình nằm trên phần đất thuộc địa bàn Bình Dương. “Hội Sinh viên TP vẫn đang nỗ lực nhiều cách để có thể khởi công, còn việc hoàn thành công trình đến cuối nhiệm kỳ là khó khả thi” - anh Cường nói.

302 đại biểu dự hội nghị

302 đại biểu chính thức được triệu tập sẽ dự hội nghị đại biểu Hội Sinh viên TP.HCM trong hai phiên làm việc. Ngoài việc nhìn lại kết quả nửa nhiệm kỳ qua, các đại biểu sẽ cùng cho ý kiến về hai cuộc vận động “Sinh viên 5 tốt”, “Sinh viên xây dựng môi trường giáo dục tích cực, thân thiện, lành mạnh” cũng như các chương trình: rèn luyện đạo đức, tác phong; học tập, sáng tạo; tư vấn, hỗ trợ sinh viên; sinh viên tình nguyện và xây dựng Hội vững mạnh.

QUỐC LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên