05/10/2013 04:34 GMT+7

Nghèo khó không ngăn họ ước mơ

NGUYỄN VĂN TẠO(Tân Uyên, Bình Dương, tân sinh viên khoa kỹ thuật xây dựngTrường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM)
NGUYỄN VĂN TẠO(Tân Uyên, Bình Dương, tân sinh viên khoa kỹ thuật xây dựngTrường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM)

TT - “Giấc mơ trở thành bác sĩ của tôi giờ như hòn than tàn lụi, nhưng cũng sẵn sàng bùng lên nếu có ngọn gió tiếp sức” - tân sinh viên Phan Đức Tài (Bình Phước, khoa y ĐH Quốc gia TP.HCM) đã viết như thế trong thư gửi về Tuổi Trẻ.

jcjyNgwj.jpg
Từ trái qua: Nguyễn Văn Tạo, Nguyễn Thị Thương - Ảnh: M.Đức

Cũng như Tài, nhiều tân sinh viên trong tận cùng nỗi khổ vẫn nung nấu những khát khao cháy bỏng được vẫy vùng trên bầu trời tri thức. Vâng, nghèo khó nhưng “xét về nỗ lực, hi vọng và ước mơ, tôi tin mình không thua kém ai” như lời tân sinh viên Bùi Thị Lệ - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) - bộc bạnh.

Tuổi Trẻ xin trích đăng những dòng thư của những bạn trẻ mà nghèo khó vây bủa tuổi thơ cũng không giam hãm nổi sự bay bổng của họ.

Thiết kế những công trình vĩ đại

Từ nhỏ, tôi luôn nuôi ước mơ trở thành một kỹ sư xây dựng nổi tiếng như Gustave Eiffel - “ngài kỹ sư vĩ đại”. Fukuzawa Yukichi đã viết: “Ông trời không sinh ra người đứng trên người, ông trời không sinh ra người đứng dưới người. Tất cả đều do sự học mà ra”. Do đó, tôi đã đặt ra mục tiêu là phải kiên trì thực hiện ước mơ của mình.

Tôi sẽ học thêm những ngôn ngữ khác như tiếng Anh. Điều này nghe có vẻ không liên quan nhưng tôi muốn không chỉ tìm hiểu nền kiến trúc của Việt Nam mà còn có thể đọc được tài liệu để hiểu một cách chi tiết kiến trúc của nước ngoài. Sau khi học xong, tôi sẽ làm việc ở một công ty xây dựng ở Bình Dương. Thành phố mới đang được xây dựng nên tôi có thể ứng dụng những điều mình học. Khi đã có kinh nghiệm và nền tảng vững chắc, tôi sẽ thiết kế những công trình vĩ đại và đặc sắc như ông Gustave Eiffel.

Sứ mạng thiêng liêng

Khi tôi đăng ký ngành cử nhân hộ sinh, nhiều người cho rằng tôi thật dại dột khi chọn ngành thấp kém như vậy, ra trường chỉ biết đi đỡ đẻ cho người khác. Nhưng tôi vẫn tự hào vì mình đã kiên định chọn nghề này. Những người phụ nữ khi sinh con có sứ mạng thiêng liêng vì họ mang trong mình một sinh mạng, một thế hệ mới của đất nước. Họ cần được chăm sóc, nâng niu nhiều hơn. Hơn bao giờ hết, tôi muốn nhìn thấy nụ cười của những bà mẹ khi ôm đứa con khỏe mạnh cất tiếng khóc vừa mới chào đời.

jhbpTd08.jpg
Từ trái qua: Trần Hữu Toàn, Phạm Hồng Yến - Ảnh: M.Đức

Vực dậy làng quê nghèo khó

"Tôi sẽ nỗ lực để giành được suất học bổng du học và ước mong trở thành một nhà sản xuất truyện tranh thiếu nhi"

Hoàng Thị Thu Nguyệt (Đồng Nai, ngành công nghệ in Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM)

"Tôi khát khao trở thành một biên - phiên dịch sách Anh - Việt, Việt - Anh để bạn bè năm châu có thể biết thêm giá trị văn hóa tinh thần của người dân đất Việt. Và cũng để người Việt mình tiếp xúc gần hơn với tri thức nhân loại"

Nguyễn Thị Bích Ngọc (Bình Phước, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM)

"Tôi muốn trở thành giảng viên xuất sắc của Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM để góp phần làm giàu tri thức cho thế hệ sau"

Đỗ Kiều Tố (Bình Phước, Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM)

Cũng vì sợ đói nghèo mà tôi luôn ấp ủ trong mình một ước mơ. Ước mơ này đã theo tôi khi tôi còn là một cậu bé, đó là trở thành một thầy giáo trên chính mảnh đất mà mình được sinh ra. Bởi vì tôi thương lắm những đứa trẻ phải nghỉ học sớm vì nhà nghèo. Tôi không muốn có những trường hợp như anh thứ ba của tôi - đứa trẻ sớm mất tuổi thơ khi theo ba mẹ kiếm sống. Tôi muốn vực dậy làng quê nghèo khó, nơi người ta phải đánh đổi quá nhiều công sức cũng chỉ đủ hai bữa cơm.

Rất nhiều em nhỏ không được học hành

Quê hương tôi có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Do thiếu hiểu biết và kinh tế gia đình khó khăn, lại đông con nên rất nhiều em nhỏ không được học hành đến nơi đến chốn. Vẫn còn nhiều ánh mắt thơ dại, những đôi chân non nớt nhưng phải đi làm phụ giúp gia đình. Cuộc sống đói nghèo vẫn đeo bám rất nhiều người. Tôi ước rằng mình có thể làm gì đó để thay đổi những số phận ấy, giúp những đứa trẻ có một tuổi thơ êm đềm hơn. Tôi mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để thay đổi, làm cho cuộc sống của mỗi người hạnh phúc hơn.

Tung bay trên bầu trời tri thức

Lúc tôi học lớp 5, có đoàn khách du lịch nước ngoài đi ngang nhà. Lúc đó tiếng Anh chỉ mới học được vài mẫu đơn giản. Học được bao nhiêu vận dụng bấy nhiêu. Mấy đứa chúng tôi chào bằng tiếng Anh: “Hello, What’s your name?”. Họ nhìn mấy đứa trẻ chúng tôi cười. Từ đó, cuộc sống khó khăn không hạ gục được ham muốn học tiếng Anh của tôi. Đó là vì sao tôi chọn ngành tiếng Anh để theo đuổi ở trường ĐH. Tôi muốn cất cánh tung bay trên bầu trời xanh tri thức, ấp ủ những hoài bão, những ước mơ...

Giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh

Tôi từng trải qua những bữa đói bữa no, nỗi lo không có tiền đóng học phí, nỗi xót xa khi nhìn mẹ tảo tần, âu lo cho miếng cơm manh áo. Do đó, tôi đã chọn ngành công tác xã hội với mong muốn sẽ giúp được những mảnh đời bất hạnh vượt qua khó khăn để họ được sống trong hạnh phúc, tiếng cười và niềm vui.

Muốn có một bệnh viện riêng

Tôi muốn trở thành một bác sĩ giỏi, muốn nghiên cứu tìm ra cách chữa bệnh ung thư và nhiều bệnh khác nữa. Tôi muốn có một bệnh viện riêng, nơi mà những người nghèo khó như gia đình tôi lúc này có thể được khám bệnh, được chăm sóc và điều trị tận tình mà không phải lo lắng quá nhiều về điều kiện khác.

Trên 8,7 tỉ đồng cho tân sinh viên

19g tối nay 5-10, tại hội trường Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn ra lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 205 tân sinh viên học giỏi, vượt khó của bảy tỉnh, thành Đông Nam bộ (gồm TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu) vừa trúng tuyển CĐ - ĐH năm 2013.

Tổng kinh phí học bổng là 1,025 tỉ đồng (5 triệu đồng/suất) từ nguồn ủng hộ của Giải golf gây quỹ “Tiếp sức đến trường” (do Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Đài Truyền hình VN, báo Tuổi Trẻ tổ chức), Ủy ban Tương trợ người VN tại Đức, Quỹ khuyến học Vinacam, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Saigon Co-op, Công ty du lịch Vietravel, Công ty Duy Lợi và bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Đây cũng là đợt trao cuối cùng học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên 2013. Suốt chương trình đã trao trên 1.752 suất học bổng, mỗi suất 5 triệu đồng, tổng cộng trên 8,7 tỉ đồng.

Đồng hành cùng chương trình lần này, Công ty TNHH Asama Yuh Jiun Int’l VN tặng 30 xe đạp, Nokia VN và FPT Shop tặng 20 điện thoại di động Nokia Asha 501 cho tân sinh viên.

------------------

Suất học bổng giờ chót

Hai ngày trước lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho tân sinh viên khu vực Đông Nam bộ, ban tổ chức nhận được điện thoại. “Tôi là Nguyễn Quang Nhị, sinh viên khiếm thị. Hai năm trước tôi nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”. Tôi xin giới thiệu một bạn tân sinh viên khuyết tật còn khó khăn hơn cả tôi” - đầu dây bên kia nói.

theKOf3L.jpg
Niềm vui của tân sinh viên Nguyễn Thanh Tỵ (trái) khi nghe tin được nhận học bổng vào phút chót - Ảnh: Hà Bình

Dù danh sách đã “khóa sổ”, chúng tôi vẫn tức tốc liên hệ với sinh viên Nguyễn Thanh Tỵ (Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP.HCM) - người được Nhị giới thiệu. Gặp Tỵ tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 4-10, tân sinh viên ngồi xe lăn với nụ cười tươi, kể: “Tôi và Nhị quen nhau cách đây hai tuần. Mấy chị nấu ăn ở nhà A2 giới thiệu để hai đứa giúp nhau trong học tập, cuộc sống”.

Tỵ bảo nhà bạn ở thôn 8, xã Eabar, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk. Cha của bạn, ông Nguyễn Tâm (66 tuổi) trước đây “chạy thồ” (xe ôm) nhưng giờ tuổi cao sức yếu chỉ ở nhà. Còn mẹ Tỵ, bà Nguyễn Thị Thơm (59 tuổi) ngày ngày trồng ít rau trong vườn mang ra chợ bán. Tất cả việc ăn học của Tỵ đều do anh chị góp vào nuôi em.

------------------

Nhường phần của mình cho bạn nghèo khác

Lâm Văn Vũ - nhân vật trong bài “Sắp gục ngã trước ngưỡng cửa ĐH” (Tuổi Trẻ ngày 28-8) - cho biết tối nay (5-10) sẽ đi xe buýt đến dự lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM. Vũ sẽ nhờ ban tổ chức giữ lại phần học bổng của mình để trao cho những sinh viên nghèo khác.

aU8xrnPY.jpg
Nhờ sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, giờ Lâm Văn Vũ đã trở thành sinh viên - Ảnh: Q.PHƯƠNG

“Ngày được Tuổi Trẻ thông báo mình được nhận học bổng, tôi mừng lắm! Lúc đó trong đầu tôi luôn suy nghĩ mình có nên nhận phần học bổng này không bởi tôi đã được nhiều mạnh thường quân là bạn đọc của Tuổi Trẻ giúp đỡ rồi. Với những sinh viên nghèo như tôi thì có bao nhiêu tiền cũng không đủ. Thế nhưng rồi tôi lại nghĩ đến bạn bè tôi, nhiều người cũng nghèo khó như tôi, cũng đang đi học và họ cũng đang cần sự giúp đỡ. Tôi may mắn hơn họ là tôi được Tuổi Trẻ phát hiện và được mọi người giúp đỡ. Suy nghĩ mãi rồi tôi quyết định: mình sẽ gửi lại phần học bổng của mình để Tuổi Trẻ trao cho các bạn khác.

Tôi biết còn nhiều bạn sinh viên nghèo như mình lắm. Lúc vào TP.HCM, đi phụ quán cà phê, tôi chỉ muốn có đủ số tiền gần 4 triệu đồng để nhập học. Tôi chỉ muốn có vậy thôi. Nhưng khi Tuổi Trẻ đăng bài viết về hoàn cảnh của tôi thì có nhiều bạn đọc ủng hộ. Tôi bất ngờ, ngạc nhiên trước tấm lòng của mọi người. Họ không chỉ giúp tôi tiền mà còn động viên tinh thần. Chưa bao giờ trong đời tôi có một số tiền lớn như vậy, gần 40 triệu đồng. Sau khi làm thủ tục nhập học, với số tiền còn lại, tôi gửi về quê cho mẹ một ít và cho một bạn cùng quê đang học Trường CĐ Y tế ở Quảng Ngãi mượn một ít để bạn đó trang trải việc học. Hiện tôi vẫn còn giữ một ít tiền và tôi sẵn sàng chia sẻ tiếp cho các bạn sinh viên nếu gặp khó khăn. Tôi rất biết ơn Tuổi Trẻ và các mạnh thường quân đã giúp tôi vượt qua khó khăn. Tôi sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng mọi người”.

NGUYỄN VĂN TẠO(Tân Uyên, Bình Dương, tân sinh viên khoa kỹ thuật xây dựngTrường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên