24/07/2013 06:09 GMT+7

Lớp học của tình thương

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Lớp học miễn phí dành cho con em công nhân khó khăn do một phó bí thư chi bộ khu phố 28 tuổi đảm nhận và duy trì suốt tám năm nay.

erQgMmqs.jpgPhóng to
Mỗi tuần bốn buổi tối, anh Nguyễn Văn Bình đến lớp dạy chữ cho học trò nghèo - Ảnh: TRUNG CƯỜNG

Những tiếng ê a giòn vang, những đứa trẻ ngước lên bục giảng đọc từng chữ cái. Không khí đêm hè như thêm rộn rã.

Đó là khung cảnh của lớp học trong khuôn viên miếu Bà ấp Thượng, khu phố Châu Thới, P.Bình An (thị xã Dĩ An, Bình Dương). Lớp học đặc biệt này được chia thành 10 lớp với các trình độ khác nhau từ lớp 1-5.

Hành trình gieo con chữ

Bình kể năm 2005, do trên địa bàn có mỏ khai thác đá nên nhiều gia đình kéo nhau về đây làm việc, trong đó có không ít em nhỏ thất học. Thấy vậy, Đoàn thanh niên và Hội liên hiệp phụ nữ khu phố mở lớp học tình thương để dạy chữ cho các em. Tuy nhiên quy mô lớp học còn nhỏ, chưa vào nề nếp. Khi ấy là đoàn viên khu phố, Bình cũng tham gia dạy chữ cho các em. Đến năm 2007, Bình đứng ra tiếp nhận lớp học và phác thảo một kế hoạch đưa lớp học vào quy củ.

Nguyễn Văn Bình tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường cao đẳng Việt Nam - Singapore. Năm 2007-2009 Bình là nhân viên trạm thu phí đường bộ ở huyện Long Thành, Đồng Nai. Năm 2009 Bình mở công ty về công nghệ thông tin và điện dân dụng. Bình được kết nạp Đảng năm 2007 và năm 2012 là phó bí thư chi bộ khu phố.

Bắt tay vào làm mới thấy khó bộn bề. Khi đó lớp học chỉ có 15 học sinh, bàn ghế, sách vở... thiếu thốn và không có nguồn kinh phí hỗ trợ. Lúc đầu Bình tính đi vận động các gia đình trong khu phố nhưng lại nghĩ đoàn viên phải làm bằng sức của mình. Nghĩ là làm, Bình bỏ tiền túi dành dụm mấy năm qua để tổ chức một chương trình văn nghệ do các học sinh biểu diễn, qua đó vận động bà con hảo tâm. “Sau chương trình văn nghệ, số tiền quyên góp gần bằng... chi phí tổ chức” - Bình cười nhớ lại. Tuy nhiên, qua đó người dân hiểu hơn về lớp học nên thường xuyên ủng hộ và thu hút được tám bạn trẻ tâm huyết đến phụ giảng với Bình.

Bình đến từng phòng trọ vận động các gia đình cho con em đến lớp. Lớp học dần đông lên, đến năm 2010 là trên 50 em. Đa số các em không biết chữ, số còn lại học dở dang. Bình phân lớp học ra thành nhiều nhóm theo trình độ, những em mới vào được kèm cặp riêng cho đến khi nắm bắt được chương trình học mới đưa vào nhóm. Mỗi tuần bốn buổi, Bình cùng các bạn phụ giảng thay nhau dìu dắt từng em, từng nhóm học. “Các em ham học lắm, mỗi lần đến lớp rất háo hức. Các phụ huynh cũng yên tâm vì các em được dạy dỗ về kiến thức cũng như đạo đức” - Bình nói.

Nối kết tình người

Ròng rã tám năm đem chữ đến cho học trò nghèo có biết bao câu chuyện vui buồn để lại nơi Bình. “Tuy đa số phụ huynh đồng ý nhưng cũng có gia đình không hài lòng cho con đi học”, Bình chùng giọng kể. Có em ba mẹ không cho đi học mà bắt phải đi bán vé số, do ham học nên buổi chiều em trốn ba mẹ học hai giờ, rồi mới đi bán... Ba mẹ phát hiện đến lớp bắt em về đánh đòn không cho đi học. Bình đến khuyên nhủ thì bị gia đình em lớn tiếng, sau đó em phải nghỉ học để đi bán vé số. Có thời điểm lớp lên đến 90 em, trình độ các em không đồng đều nên Bình và các phụ giảng chạy tới chạy lui lo từng em toát mồ hôi. Bình cũng liên hệ Phòng GD-ĐT thị xã Dĩ An để cấp học bạ hoàn thành phổ cập tiểu học cho các em học hết lớp 5. Nhưng do gia đình các em thay đổi chỗ ở thường xuyên, các em tới 16-17 tuổi phải đi làm nên chưa em nào học hết lớp 5. Đó cũng là trăn trở của những người đứng trên bục giảng như Bình.

Nhìn lại tám năm qua Bình nói: “Lớp học duy trì được là do tình thương”. Học trò thương thầy cô nên ban ngày phụ giúp gia đình, ban đêm đến lớp. Còn thầy cô - nhiều bạn là sinh viên từ Q.Tân Bình (TP.HCM), TP Biên Hòa (Đồng Nai) - cũng đều đặn đến lớp vì thương học trò. Rồi những em học trò đã đi làm quay lại tặng sách vở cho lớp.

Không nói nhiều về mình nhưng qua lời kể của nhiều người thì khoảng thời gian 2007-2009, Bình làm việc ở huyện Long Thành (Đồng Nai), buổi chiều Bình chạy xe 18km về cho kịp giờ dạy, có hôm không kịp ăn nhịn đói lên lớp. “Nhìn những khuôn mặt ngây thơ, háo hức của các em mình quên cả đói” - Bình cười xòa. Bình kể có nhiều hôm kẹt việc nhưng vẫn đến lớp muộn để gần gũi các em và khỏi nhớ lớp...

Không chỉ dạy chữ, Bình còn giúp các em trong khả năng của mình. Bình kể mấy năm trước có hai chị em lạc mất gia đình vào xin học. Cảm thương tình cảnh của hai em, Bình cố khơi gợi để hai em nhớ về nơi từng sống. Sau khi khoanh vùng được địa điểm, Bình cùng bạn bè đi xe máy chở hai em xuống TP Cần Thơ tìm nhà. Suốt cả ngày trời tìm kiếm, Bình mới hỏi thăm được gia đình của hai em. “Khi hai em về đến nhà, ông nội mù lòa chống gậy ra khóc rưng rức vì tìm được hai cháu lưu lạc nhiều năm trời”, Bình kể. Nhiều gia đình sinh con nhưng không có giấy khai sinh, Bình cũng hướng dẫn, giúp đỡ để làm giấy khai sinh cho các em. Trong lớp học của Bình có em Lê Thanh Sơn bị bệnh tự kỷ, khi đến lớp hay nói lảm nhảm và đánh bạn, đánh thầy cô. Nhưng sau một thời gian được các thầy cô quan tâm, kèm cặp Sơn học đã có tiếp thu và ngoan ngoãn.

Chị Thạch Thị Xuân, có con đang học tại lớp tình thương của Bình, nói: “Vợ chồng tôi xa quê lên đây kiếm sống, làm đầu tắt mặt tối nhưng không thể cho con đi học. Nhờ có lớp học này mà cháu biết được chữ nghĩa, về nhà lễ phép... Hi vọng sau này cháu có tương lai hơn ba mẹ”...

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên