03/10/2012 21:16 GMT+7

Thú vị clip dạy thoát hiểm của chuyên gia tâm lý

TRUNG UYÊN
TRUNG UYÊN

TTO - Hai clip dạy thoát hiểm khi bị "yêu râu xanh" quấy rối nơi vắng vẻ hay bị cướp xe - với sự hướng dẫn của thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - đang tạo nhiều cảm xúc cho cư dân mạng.

Làm gì khi thuyền nhỏ bị chìm?Những bí kíp "vàng" khi đối diện hiểm nguyMột lần hồn vía lên mây...

eU8vD8SV.jpgPhóng to
Nếu bị một nhóm "yêu râu xanh" chặn đường nơi vắng vẻ, bạn cần có những kỹ năng thoát hiểm để tự cứu mình - Ảnh: chụp tư clip "Đối phó yêu râu xanh"

Diễn xuất sinh động của các bạn trẻ, yếu tố hài hước được đan cài và nhất là những chiêu thoát hiểm "lợi hại" được thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu giới thiệu một cách trẻ trung, hấp dẫn... là những yếu tố thu hút bạn trẻ theo dõi và bình luận.

Hai clip có chủ đề chung là "Tháo gỡ chuyện khó đỡ".

Clip "Đối phó yêu râu xanh" dài chưa đến 7 phút, với tình huống cô gái đi dạo một mình ở nơi vắng vẻ thì bị một tên "yêu râu xanh" tấn công bất ngờ. Những phản ứng quen thuộc như kêu cứu, bỏ chạy đều ít khi mang lại hiệu quả.

Lời khuyên cho bạn gái là "hãy tỏ vẻ hòa thuận với hắn", từ từ cởi nút áo hắn, kéo áo hắn khỏi vai, tháo dây nịt, kéo quần dài của hắn xuống đầu gối. Sau đó, bạn gái hãy co chân, lên gối thật mạnh vào "chỗ hiểm" của hắn rồi bỏ chạy nhanh hết sức có thể. Khi ấy, chiếc áo sẽ khóa tay hắn, chiếc quần sẽ khóa chân hắn và nhất là đang bị đau nên hắn sẽ khó đuổi kịp bạn gái.

Clip "Đối phó yêu râu xanh" - Nguồn: YouTube
3Nb0ncqx.jpgPhóng to

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (bìa trái) thể hiện vài thế võ để bạn gái có thể thoát hiểm khi bị "yêu râu xanh' quấy rối - Ảnh: chụp từ clip "Đối phó với yêu râu xanh"

Với tình huống bạn gái bị một nhóm "yêu râu xanh" chặn đường thì có thể thoát hiểm bằng cách... giả điên. Và nếu "lận lưng" vài thế võ thì đây chính là lúc bạn... thực hành.

Clip "Đối phó cướp xe" dài gần 4 phút, với tình huống kẻ cướp giả vờ xin đi nhờ xe một đoạn ngắn rồi đến đoạn vắng, bất ngờ gí dao vào hông cô gái, bảo dừng xe.

Clip "Đối phó cướp xe" - Nguồn: YouTube

Bí quyết thoát hiểm là hãy tận dụng những phút sơ hở của cướp để lật ngược thế cờ: bóp thắng, nghiêng xe về một bên. Khi tên cướp chống một chân xuống đất theo phản xạ tự nhiên, khi chân hắn vừa tiếp đất thì hãy rồ ga để hắn bật ngửa. Cách thứ hai có thể thử là hãy chạy xe với vận tốc lớn vì... cướp cũng sợ chết.

Tại YouTube, một số thành viên bày tỏ lời cảm ơn với clip, cho rằng rất cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Thành viên Hung Anh Nguyen viết: "Clip của anh rất hay và rất có ích cho phái đẹp". Một thành viên khác viết: "Hay quá thầy ạ. Thầy nên làm nhiều clip như vậy để tụi con gái như em có thêm kinh nghiệm để đối phó".

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu hiện là giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM, anh quen thuộc với nhiều học sinh, sinh viên qua các chuyên đề kỹ năng sống hay các phần tư vấn trên các phương tiện truyền thông.

0MYbqZli.jpgPhóng to
Khi bị cướp gí dao vào hông với ý định cướp tiền, cướp xe, bạn sẽ làm gì để giữ của, giữ thân? - Ảnh: chụp từ clip "Đối phó cướp xe"

Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện nhanh với thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu về hai clip này:

* "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" có phải là dự án dài hơi về kỹ năng sống cho bạn trẻ?

- "Tháo gỡ chuyện khó đỡ" là một dự định dài hơi để tôi có thể chuyển tải những bài giảng của tôi về các ngóc ngách trong đời sống của tuổi trẻ. Mà để chuyển tải hết, có lẽ sẽ hơi lâu. Các clip sẽ lần lượt chuyển tải những nội dung mà các bạn trẻ thường hay “khó đỡ” nhất, từ chuyện tự vệ, gút mắc trong việc học hành cho đến những chủ đề "nóng" của tình yêu.

lOE8JFQf.jpgPhóng to
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - giảng viên ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Sau hai tập "Đối phó yêu râu xanh" "Đối phó cướp xe" sẽ là các chủ đề gì?

- Tập 3 dự kiến “ra lò” vào thứ bảy ngày 13-10, nói về “5 lợi ích của tình yêu tuổi học trò” dưới góc độ tâm lý. Nhiều bạn trẻ khóc lóc vì bố mẹ xem tình yêu tuổi học trò như “tội phạm”. Đoạn clip sẽ cung cấp cái nhìn công bằng về tình yêu ở lứa tuổi ô mai cho phụ huynh, vừa “bênh vực” cho những đôi áo trắng yêu nhau trong sáng.

Tiếp theo sẽ là các clip dạy 10 tư thế võ thoát hiểm", 5 cách từ chối “chuyện ấy”, Đối phó xin đểu, Nam châm cùng dấu…

Số lượng tập tùy thuộc vào độ dài của sức khỏe, quỹ thời gian và cả tài chính, còn nội dung thì vô hạn lắm, không bao giờ làm hết. Tuy nhiên, tôi sẽ cố gắng hết sức để cứ hai tuần hoàn thành một clip, ra mắt vào tối thứ bảy tuần giữa và cuối tháng. Ngoài YouTube, các bạn có thể xem clip tại http://facebook.com/thaogochuyenkhodo.

* Tham gia diễn xuất, dẫn dắt câu chuyện trong clip, anh gặp những thử thách gì? Anh có lo ngại những bình luận liên quan đến những suy nghĩ truyền thống về hình ảnh giảng viên đại học?

- Tôi là “diễn viên” nghiệp dư 100%, thế nên đôi khi hóa thân thành nhiều dạng nhân vật để dẫn dắt cho clip sinh động là một thử thách, nhưng là thử thách thú vị! Cái khó nhất là làm sao để trong vòng ít phút mà chuyển tải hết ý tứ, dụng ý vào lời nói và cảnh quay. Coi vậy chứ khó lắm!

Mà băn khoăn về “hình ảnh giảng viên đại học” thật hay! Tôi chỉ muốn là một người anh đi trước, gần gũi và cùng đi với các em. Tôi thích một người thầy giáo phá cách để gần hơn với học trò, trái tim vẫn nóng nhưng đầu vẫn tỉnh táo. Mà tôi dường như không chỉ là thầy giáo, bởi học trò sẽ không bao giờ hoàn toàn mở cửa trái tim với mình nếu tôi chỉ là người đứng trên bục giảng.

Tôi thấy ngày nay các clip mang tính giải trí thì nhiều nhưng clip có nội dung giáo dục thì còn ít. Thế nên, thông qua những clip bài giảng này, tôi muốn chuyển tải thông điệp rằng clip giáo dục không phải lúc nào cũng phải “khô” mà vẫn có nhiều cách để vừa bổ ích mà vẫn “dễ nhai” như thường. Tôi cũng muốn cổ súy các nhóm làm clip trên mạng hiện nay đi theo hướng không chỉ hài hài mà còn phải hay hay nữa.

TRUNG UYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên