13/07/2012 10:46 GMT+7

"Cơ hội, thành tích" mất dần ý nghĩa tốt đẹp?

CHÍ TÂM
CHÍ TÂM

TTO - “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn tạo nên thành tựu” - đề thi văn đã khiến nhiều người phải giật mình nhìn lại và rồi không thể không tự đặt những câu hỏi tự vấn.

Nhân đề văn thi đại học bàn về kẻ cơ hội và người chân chính:

Tại sao phải nhận diện kẻ cơ hội?Cơ hội hay chân chính? Thành tích hay thành tựu? Tại sao kẻ cơ hội luôn nôn nóng?

8h4cD1Wr.jpgPhóng to
Tranh minh họa
Chúng ta đang sống thế nào? Liệu chúng ta có đang sống tử tế chăng?

Thật ra xét một cách khách quan, bản thân các khái niệm của từ “cơ hội”, “thành tích” không mang hàm nghĩa xấu. Cơ hội còn là một khái niệm tốt dành cho những ai có ý chí phấn đấu vươn lên, biết quyết đoán nắm bắt, biết chủ động tìm kiếm để từ đó có thể đạt được những mục tiêu lớn của cuộc đời mình.

Thành tích cũng vậy. Nguyên nghĩa của từ thành tích cũng rất đáng nể, đó là một tiến trình đánh giá những đóng góp của một người/ nhóm người cho một công trình/ công việc cho cá nhân hoặc tập thể mà họ tham gia. Không thể phủ nhận trong sự thành công của mỗi con người có thể không có sự có mặt của cơ hội. Cũng như không thể nói tự hào khi cuộc đời mỗi con người điểm lại không có một chút thành tích nào.

* Theo tôi, "kẻ cơ hội" trong đời sống xã hội hiện nay xuất hiện nhiều ở mọi ngành, mọi lĩnh vực.

Tất cả đều có một đặc điểm chung là: tham chức, tham quyền, lời nói không có lòng tự trọng, mưu mô, xảo trá, thể hiện trong cách sống hằng ngày, một phần người, chín phần còn lại là con, bằng mọi cách để đạt mục đích có lợi cho riêng mình, không cần suy nghĩ tới việc làm của mình làm hại người khác và trong suy nghĩ của những kẻ cơ hội luôn có sự nhỏ nhen đố kỵ, ích kỷ hẹp hòi.

Nhưng tại sao đến bây giờ hai chữ cơ hội lại đi với đại từ phiếm chỉ “kẻ” kèm theo trước đó. Và nghiễm nhiên trở thành “kẻ cơ hội” thì cũng đồng nghĩa với sự đánh mất thiện cảm của người dùng.

Ngày nay, nói đến “kẻ cơ hội” người ta thường cho đó là sự hèn mọn, đáng khinh bỉ, chỉ biết tư lợi vun vén cho bản thân mình. Nên chữ cơ hội mất đi ý nghĩa tích cực ban đầu của nó là vậy.

Tương tự thế, thành tích đã bị lạm dụng đến mức trở thành “bệnh”... vì hiện tượng chạy theo thành tích. Cơ quan nào cũng báo cáo thành tích, đơn vị kinh doanh nào cũng báo cáo thành tích, cá nhân nào cũng viết cho mình bản báo cáo thành tích… Có thể nói thành tích đầy rẫy trong đời sống hành chính. Đến mức con số tốt nghiệp trên 96,7% của ngành giáo dục năm nay khiến nhiều người trong nghề thấy ngượng khi đọc đến, mà lẽ ra đó có thể cũng là thành tích có sức đóng góp của mình.

Ở khía cạnh khác, hai chữ thành tựu được hiểu đơn giản đó kết quả hoàn thành từ một quá trình hoạt động tốt đẹp. Như vậy bản thân khái niệm thành tựu cũng được kế thừa từ hai chữ thành tích. Nếu không có thành tích làm sao có thể thành tựu? Vậy nhưng ở đề bài trên, trong cách hiểu của thời nay, thành tích trở nên xấu xa, đối kháng với thành tựu.

Cơ hội không có lỗi, cơ hội là một cơ may. Nhưng kẻ cơ hội đã luôn giành lấy những gì tốt đẹp cho lợi ích cá nhân mình nên cơ hội trở nên xấu xí, kéo theo thành tích cũng trở thành “bệnh” mà thiên hạ thời nay muốn cắt bỏ.

Vậy tại sao xã hội không nghiêm túc nhìn lại cách sống hiện nay để đừng đổ lỗi cho “cơ hội”, “thành tích” và chỉ chăm chăm ngợi ca “chân chính” và “thành tựu”?

Phải chăng chúng ta đang mặc nhiên chấp nhận một xã hội mà ở đó đầy rẫy những kẻ cơ hội đang tạo ra vô số thành tích để rồi quay lưng lại với những thành tích đó, đi tìm một lối sống khác mà chúng ta cho rằng như thế mới là chân chính?

Nên với đề văn năm nay, hi vọng thí sinh sẽ được nói lên tiếng nói của chính bản thân các em. Tin rằng các em biết đâu là cơ hội, biết thế nào là thành tích, biết như thế nào là chân chính và biết cái gì là thành tựu.

* Tận dụng cơ hội?

Trong xã hội hiện nay những người thành đạt đều biết tận dụng cơ hội để phát triển công danh, sự nghiệp. Có ai chưa từng tận dụng cơ hội để thành công và ngược lại những người bây giờ chưa thành công do chưa hay không có cơ hội tốt.

Chữ "kẻ" chỉ nên tách riêng cho những người lợi dụng cơ hội đạp người khác xuống để đi lên, còn rất nhiều người "cơ hội" hay còn gọi là "thời thế" đến với họ một cách chân chính biết nắm bắt và thành công.

"Kẻ" cơ hội xấu chưa chắc đã "nôn nóng"; người chân chính chưa chắc đã không nôn nóng.

* Tùy theo từng trường hợp cụ thể mới xem xét được thế nào là tính nôn nóng, tính cơ hội. Xã hội ngày nay có nhiều cơ hội và thử thách, Thạch Sanh và Lý Thông ngày nay sẽ có những cách riêng để tận dụng những cơ hội đó. Và những cách thức hành động đó sẽ thể hiện bản chất tốt -xấu của con người.

Đây là đề văn khá hay, phản ánh đúng những vấn đề hiện nay của xã hội, mang tính giáo dục cao cho giới trẻ, góp phần định hướng lối đi vào đời của thế hệ mai sau.

CHÍ TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên