21/04/2008 05:05 GMT+7

Sinh viên chi tiêu thời "bão giá"

HÀ BÌNH - NGỌC NGA
HÀ BÌNH - NGỌC NGA

TT - Giá cả tăng chóng mặt khiến nhiều sinh viên (SV), nhất là SV ngoại tỉnh đang trọ học tại TP.HCM, lâm vào cảnh khốn đốn. Thực tế này như thế nào và đâu là cách để các bạn SV giải quyết bài toán chi tiêu vốn đã hạn hẹp của mình?

KohMQ7Vg.jpgPhóng to
Sinh viên đi chợ nấu ăn để tiết kiệm thay vì ăn cơm bụi như trước đây. Trong ảnh: sinh viên đi chợ chiều tại P.25, Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: Trung Tân
TT - Giá cả tăng chóng mặt khiến nhiều sinh viên (SV), nhất là SV ngoại tỉnh đang trọ học tại TP.HCM, lâm vào cảnh khốn đốn. Thực tế này như thế nào và đâu là cách để các bạn SV giải quyết bài toán chi tiêu vốn đã hạn hẹp của mình?
Nghe đọc nội dung toàn bài:

"Chưa nói đến các khoản chi tiêu khác, chỉ mỗi vấn đề ăn uống cũng đã ngặt nghèo lắm rồi. Trước đây với 6.000đ mình có thể mua một suất cơm bụi ăn đủ bữa, nhưng nay tìm mỏi mắt cũng chẳng có giá đó. Phải 7.000-8.000đ mới có một suất cơm mà lại nhạt như nước ốc" - bạn Lê Minh, SV năm 3 ĐH Y dược TP.HCM, than thở.

Giá đi lên, chất lượng đi xuống

Ở làng ĐH Thủ Đức, giá cả có vẻ "dễ thở" hơn khu vực nội thành nhưng cũng thật khó để tìm ra cơm bụi 5.000-6.000đ/đĩa như trước đây. Giá tăng nhưng chất lượng thì tệ hơn nhiều vì "gạo, rau, thịt, cá... cái gì cũng lên tất tật" - một người bán cơm trước cổng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH QG TP.HCM) nói.

Nhiều SV tiết kiệm bằng giải pháp tự nấu cơm thay vì ăn cơm bụi, nhưng xem ra cũng thật đau đầu khi đi chợ. Ngọc Lan, SV ĐHKHXH&NV (ĐH QG TP.HCM), tâm sự: "Tụi mình bốn đứa ở chung một phòng, trước đây với 10.000đ một đứa là cả ngày đã có cơm canh tươm tất. Bây giờ với số tiền ấy khó lòng mà mua nổi. Tiền gạo, tiền thức ăn, rồi tiền gas, tiền nước... nhảy vùn vụt". Cái khó ló cái khôn, cả phòng Lan làm thêm muối vừng, cà muối để... cải thiện. Còn những SV ở ký túc xá không được nấu ăn thì bún trắng, mì gói... là thượng sách.

Giá tăng có riêng gì mặt hàng nào, kể cả giá nhà trọ. Bạn Hữu Lộc, SV năm 2 ĐH Bách khoa (ĐH QG TP.HCM), cho biết: "Mình cùng hai cậu bạn thuê phòng trọ gần trường với giá 600.000đ/tháng. Vậy mà đùng một cái đầu tháng vừa rồi cô chủ nhà thông báo tiền phòng lên 700.000đ/tháng. Cũng đành chấp nhận chứ chẳng kiếm được ở đâu thấp hơn".

Để sống chung với... "bão giá”

Trên website một trường ĐH, nhiều SV tâm sự cầm trên tay tiền trợ cấp của gia đình, chưa hết tháng đã phải "alô” về nhà. Nhiều bạn ngỡ ngàng "mình có tiêu gì đâu mà hết tiền" để rồi tự dằn vặt mình. Nhiều bạn thừa nhận sống ở thành phố có nhiều thứ dễ khiến mình phải "móc hầu bao" lắm khi không cần thiết. Một bài học được rút ra: để ổn định cuộc sống, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang như hiện nay, đòi hỏi phải có bài toán chi tiêu hợp lý.

Bạn Trần Thị Thu Hồng, SV năm 4 khoa kinh tế (ĐH QG TP.HCM), thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu. Tức là lên kế hoạch chi tiêu cụ thể, một tuần xài một khoản nhất định như: xăng xe chi bao nhiêu, ăn uống chi bao nhiêu... và giảm bớt những khoản chi không cần thiết. "Lúc trước mình tiêu một tuần hết 350.000đ, giờ thì nhờ có kế hoạch nên cũng ở mức đó vẫn có thể chi tiêu những thứ cần thiết khác" - Hồng tâm sự.

Còn bạn Lê Thị Mỹ Hạnh, SV năm 3 ĐH KHXH&NV (ĐH QG TP.HCM), cho biết cả phòng bạn sử dụng khá hiệu quả qui luật bù trừ. Nghĩa là bữa nào ăn nhiều thì bắt buộc phải có những bữa khác giảm đi, "nói vui gọi là "cắt giảm lãi suất", mình sẽ ghi lại hôm nào tiêu nhiều quá qui định, lựa hôm nào cuối tuần không đi học thì nhịn bớt".

Nhiều SV cho biết mức chi cho tiền ăn khoảng 600.000 đồng/tháng, và khoản này còn có thể tiết kiệm hơn khi nấu ăn chung với những bạn cùng phòng. Một số phòng trọ đã "tăng dân số" khi bạn bè đến ở cùng, vừa vui, vừa san sẻ... chi phí.

Để tránh tình trạng "mình có xài gì đâu mà hết tiền", nhiều bạn lập cho mình một kế hoạch chi tiêu hợp lý, hay nói cách khác là liệu cơm gắp mắm.

Cuộc sống xa nhà bắt buộc bạn phải thích nghi với nhiều thứ. Bạn phải tự quản lý chi tiêu cho bản thân phù hợp với hoàn cảnh gia đình, có như thế mới yên tâm học hành được.

Chi tiêu bao nhiêu là vừa?

Khoảng giữa tháng 4-2008, Trung tâm thông tin ĐH Văn Lang đã tiến hành một cuộc khảo sát mini trong trường về mức sinh hoạt phí dành cho đối tượng là sinh viên tỉnh trọ học tại thành phố.

Tháng 5-2007, một đợt khảo sát tương tự cũng đã được trung tâm thông tin này tiến hành. Mức sinh hoạt phí trung bình của một sinh viên vào thời điểm đó là 1.365.000 đồng.

Năm nay con số này đã tăng lên. Bảng dưới đây thể hiện được mức chi của một sinh viên qua đợt khảo sát.

J6Ph3o4Y.jpgPhóng to

(*: vật dụng cá nhân, phí liên lạc...)

Nếu bạn lấy mức chi trung bình trong một tháng nhân với 5 (là số tháng trong một học kỳ), cộng thêm học phí một học kỳ, cộng thêm tiền tàu xe về quê (thường là hai vòng: đi và về), bạn có thể ước lượng được số tiền mình cần để trang trải trong một học kỳ. Nhân đôi khoản này lên ta được chi phí cho cả năm học. Chi phí này sẽ tương đối ổn định vì học phí của bạn là một hằng số không thay đổi.

Qua khảo sát cho thấy đa số bạn không ngại dành tiền để đầu tư là học ngoại ngữ. Nguyên nhân khi tốt nghiệp mà không thông thạo ngoại ngữ thì khó xin việc.

HÀ BÌNH - NGỌC NGA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên