15/03/2006 04:12 GMT+7

"Nhạc viện" giữa đồng

TRẦN HUỲNH - HOÀNG MAI
TRẦN HUỲNH - HOÀNG MAI

TT - Có một ngôi làng ở Bắc Giang mà nơi đó có đến hàng trăm nhạc công nhí. Họ có hẳn một dàn nhạc giao hưởng và đặc biệt hơn cả đều là con em nông dân chân lấm tay bùn. Nhiều bạn nhỏ mới học lớp 3 đã kéo đàn violon như nhạc công thực thụ.

XdN9uQWo.jpgPhóng to

Một dàn nghệ sĩ giao hưởng violon nhí đều là cháu nhạc trưởng Nguyễn Văn Đưa (bìa trái) - Ảnh: T.Huỳnh

TT - Có một ngôi làng ở Bắc Giang mà nơi đó có đến hàng trăm nhạc công nhí. Họ có hẳn một dàn nhạc giao hưởng và đặc biệt hơn cả đều là con em nông dân chân lấm tay bùn. Nhiều bạn nhỏ mới học lớp 3 đã kéo đàn violon như nhạc công thực thụ.

Dàn giao hưởng… nhí

Tối, trời mưa lất phất, dọc con đường ven ruộng, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Đưa vừa lúc gặp một nhóm bảy bạn nhỏ, trên tay mỗi bạn là một hộp đựng violon, lần lượt đến. “Đứa lớn nhất học lớp 12, đứa nhỏ nhất lớp 2” - ông Đưa giới thiệu.

Vừa vào nhà, chưa kịp lau khô những giọt mưa phùn trên mặt, tất cả liền mở hộp lấy đàn ra... Mỗi bạn một góc chỉnh dây nhạc, thoa sáp lên cây vĩ kéo (archet)... Chúng tôi thật sự ngỡ ngàng trước những thao tác thuần thục của các nghệ sĩ “nhí” ở một làng quê.

Thế rồi, từ ngôi nhà nhỏ giữa khu đồi Gốm cạnh làng Then vắng lặng, bỗng vút lên những âm thanh trong trẻo của cây vĩ cầm, lúc là những giai điệu nhạc cách mạng với âm hưởng hào hùng, mạnh mẽ, lúc lại một làn điệu dân ca ngọt ngào. “Gần 26-3 rồi, ngày này năm nào nhà trường cũng mời đi diễn, bọn em phải tập thêm vài bài...” - cậu học trò lớp 7 Nguyễn Văn Minh cho biết.

Còn cô học trò lớp 12 Nguyễn Thị Hường kể: “Chúng em đã nhiều lần được mời đi biểu diễn ở trường, huyện và tỉnh. Ít có người tin chúng em là chị em, lại càng không tin là chơi được vĩ cầm”. Có lần biểu diễn ở tỉnh, sau buổi diễn nhiều người trong nhà ăn xì xầm: “Chắc sắp đặt chứ chơi sao nổi”, mấy chị em liền lôi đàn chơi ngay tại bàn ăn.

Chúng tôi ghé nhà anh Nguyễn Văn Thuật. Anh đang ôm đàn réo rắt những bản nhạc quê hương... Một nhóm bạn nhỏ đang mải mê đá gà, nghe tiếng vĩ cầm liền chạy đến, mắt hau háu nhìn anh Thuật kéo đàn. “Bọn tôi ngày làm quần quật, tối lại vác đàn chơi vài bản nhạc thấy khỏe hẳn ra, có sức cày... Mấy đứa nhỏ này mê đàn lắm, chúng nó mà nghe tiếng đàn là chạy tới. Nhiều đứa chơi khá lắm đấy”.

Như một nét văn hóa truyền thống, mỗi khi có khách đến chơi là người dân làng Then gọi con cháu trong nhà mang vĩ cầm chơi vài bản nhạc đãi khách.

Nhiều người bảo chúng tôi: trẻ học chơi violon sẽ chững chạc hơn, không ham nghịch... Còn cậu học trò lớp 7 Nguyễn Hữu Sang thì khoe: “Em học đàn từ hồi lớp 3, giờ chơi được nhiều bài, cả nhạc nước ngoài nữa”.

Năm trước, Sang được cô giáo yêu cầu tham gia biểu diễn dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26-3) bài Tiến lên đoàn viên... Sang hẹn cô một tuần sau trả lời có đàn được hay không. Về nhà Sang ôm đàn tập đến tóe máu tay... Đến lúc diễn, người dẫn chương trình lại giới thiệu nhầm bài Du kích sông Thao, Sang ôm đàn kéo luôn; xong lại xin chơi tiếp bài Tiến lên đoàn viên. “Tiếng đàn vừa dứt, cả trường vỗ tay rầm rầm... Thế là em càng mê chơi vĩ cầm và tự tin hơn”, Sang nhớ lại.

Một chiều cuối xuân, bên sườn đồi đầy nắng, chúng tôi bắt gặp một nhóm nghệ sĩ đang vừa thả bò vừa xúm xít với cây violon nhỏ bé. Đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ trong tiếng vĩ cầm vút cao lên không trung...

Giữa năm 2005 vừa qua, buổi gặp mặt, tọa đàm “Sự phát triển phong trào văn hóa văn nghệ làng Then” được tổ chức, một cuộc hội ngộ kỷ niệm 50 năm của các “nghệ sĩ làng”.

Trong ngày hội, “dàn nhạc giao hưởng làng” gồm ba thế hệ đã cùng nhau chơi những bản hòa tấu quen thuộc... Anh Nguyễn Văn Thu, trưởng thôn Then, cho biết: “Qua đề xuất của chúng tôi về việc duy trì và phát triển phong trào văn nghệ làng Then, Sở Văn hóa - thông tin Bắc Giang đang có kế hoạch hỗ trợ địa phương tổ chức thêm các lớp học đàn, hát... để hướng dẫn lớp trẻ bài bản hơn.”

Tiếng vĩ cầm làng Then

“Cây violon về làng Then này hơn nửa thế kỷ nay rồi. Hiện có hàng trăm người biết chơi loại nhạc cụ này. Làng chúng tôi có hẳn một dàn giao hưởng, tất cả nhạc công đều là nông dân. Trẻ con từ nhỏ đã được bố mẹ sắm đàn, học chơi nhạc” - anh Nguyễn Văn Thu, trưởng thôn Then, cho biết.

Mê tiếng vĩ cầm, những nhà nông thứ thiệt trong làng không ngại ngần khi bỏ ra một vài cót thóc, dám bán cả trâu, lợn... lên tận Hà Nội tậu đàn về chơi để “thỏa niềm vui thích”. Thật xúc động khi nghe những người nông dân chân lấm tay bùn trò chuyện rất rôm rả về nhạc cụ, nhạc lý rành rọt như chuyện làm đồng, cấy lúa... Cây đàn violon ở đây thật sự đã là một vật dụng quen thuộc trong mỗi gia đình.

Ông Nguyễn Văn Đưa, trước đây là nhạc công của Đoàn ca múa kịch Hà Bắc, là người thường xuyên mở các lớp dạy nhạc miễn phí cho hàng trăm con em trong làng. Ngày thường mấy đứa nhỏ đi học văn hóa chứ mỗi khi hè về là không cây nào được để yên” - chỉ tay vào mấy cây violon đã sờn đi vì thời gian cái treo, cái cất trong hộp để góc nhà, ông Đưa cười vẻ hạnh phúc.

Anh Nguyễn Quang Khoa, đội trưởng đội văn nghệ làng Then, cho biết: “Thầy Đưa dạy ngay tại làng, học trò đều được học khá bài bản, có giáo trình nhạc lý hẳn hoi...”. “Violon như một người bạn vậy. Nhiều lúc đi học về mệt mỏi, mình lấy đàn ra chơi vài bản, thấy thoải mái lạ” - Nguyễn Thị Thùy, một nữ sinh lớp 11, rủ rỉ kể.

Còn cậu học trò Nguyễn Văn Minh lại bảo dù chơi violon khó hơn nhiều loại nhạc cụ khác nhưng chưa khi nào nghĩ phải chia tay với đàn và mơ màng nói về ước mơ trở thành nhạc công violon giỏi.

TRẦN HUỲNH - HOÀNG MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên