Xe
27/06/2017 17:15 GMT+7

'Trùm' sản xuất túi khí ôtô Takata tuyên bố phá sản

 TRÙNG DƯƠNG (Theo New York Times)
TRÙNG DƯƠNG (Theo New York Times)

TTO - Sau nhiều năm cầm cự, ông trùm sản xuất phụ tùng ôtô thế giới Takata vừa nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Nhật và Mỹ, đánh dấu sự chấm dứt của một “đế chế” được thành lập từ năm 1933.

Giám đốc điều hành Takata Corp - ông Shigehisa Takada (trái) và các quản lý cấp cao tham dự một cuộc họp báo sau khi quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 26-6-2017 - Ảnh: Reuters

Khó trả hết nợ

Hãng Takata cho biết, họ sẽ bán các hoạt động kinh doanh còn lại như: hệ thống an toàn chủ chốt của túi khí, dây an toàn và các thiết bị an toàn tự động khác…cho công ty đối thủ là Key Safety Systems thuộc tập đoàn điện tử Ningbo Joyson của Trung Quốc, với giá 1,6 tỷ USD.

Quyết định trên đặt dấu chấm hết cho cuộc khủng hoảng lỗi túi khí lớn nhất lịch sử, khiến các nhà sản xuất ôtô triệu hồi 70 triệu túi khí lỗi của Takata sử dụng trong 42 triệu chiếc xe ở Mỹ, và hàng triệu chiếc xe trên khắp thế giới.

Tuy nhiên, những chủ nợ lớn của Takata như: Honda, Toyota, Fiat Chryser cho rằng, việc thu hồi tiền nợ từ Takata rất khó khăn. Một công ty đánh giá mức độ tín dụng Tokyo Shoko Research đã ước tính, khoản nợ hiện tại của Takata đã lên đến 1,7 nghìn tỷ Yên, tương đương 15 tỷ USD.

Hãng Takata cũng hứa với chính phủ Hoa Kỳ sẽ chi trả 125 triệu USD bồi thường cho các nạn nhân do lỗi túi khí. Cơ quan Mỹ ước tính, có 180 trường hợp bị thương do lỗi túi khí, trong đó có ít nhất 14 trường hợp tử vong.

Tai tiếng khiến Takata phá sản - Ảnh: CNN

Không “ai” cứu

Bên cạnh gánh nặng tài chính do phải đền bù thiệt hại lỗi túi khí, việc từ chối sử dụng sản phẩm của Takata từ phía các khách hàng lớn như Honda, Toyota, Ford, Mazda…là một vấn đề nan giải.

Năm ngoái, Takata hy vọng có người mua tất cả hoạt động kinh doanh của công ty. Nhưng chẳng ai muốn chia sẻ trách nhiệm và khoản phí giải quyết hậu quả cuối cùng của hãng.

Việc Takata bán lại cho công ty đối thủ nước ngoài đã gây sự chú ý lớn ở đất nước mặt trời mọc. Các chính trị gia, quan chức chính phủ Nhật Bản cố gắng kêu gọi những doanh nghiệp trong nước cứu lấy đối thủ cạnh tranh, thay vị nhìn họ phá sản, rơi vào tay công ty nước ngoài.

Giới truyền thông Nhật Bản cho rằng, liên minh các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản (trong đó, hãng Honda đứng đầu) sẽ ra tay cứu Takata. Tuy nhiên, các nhà sản xuất ôtô không nghĩ vậy, họ lo sợ trách nhiệm, cũng như sự tức giận từ phía các cổ đông.

TRÙNG DƯƠNG (Theo New York Times)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên