02/03/2015 09:34 GMT+7

​Đặt vốn đúng chỗ

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Lẽ đời vay thì phải trả. Trong làm ăn cũng thế. Nhưng với vay ngân hàng, sòng phẳng là chưa đủ. Có trả nhưng trễ hạn là phạt.

Khi vay, không phải muốn là vay được, càng khó vay nếu đầu cơ đất, chứng khoán.

Vay rồi thì phải dùng đúng mục đích: vay làm nhà máy thì phải có xưởng cất lên, có máy móc đầy đủ... Ngân hàng kiểm tra, nếu dùng sai mục đích, họ có quyền thu vốn lại. Họ khó thế bởi đó là vốn vay của dân.

Thế nhưng gần đây thị trường bất ngờ trước thông tin một nhóm người đã thu xếp khoản vay hàng ngàn tỉ đồng để mua cổ phiếu ngân hàng có vốn điều lệ trên 12.000 tỉ đồng ở phía Nam. Cũng thời gian này đã có những giao dịch “khủng” loại cổ phiếu này.

Thông tin này gây lo lắng nếu dòng tiền chảy ra, chuyện cũ lặp lại, vốn đặt sai chỗ, nguyên tắc tín dụng, các khâu giám sát sử dụng vốn bị bỏ qua. Khoản cho vay mua cổ phiếu này được tính vào tăng trưởng tín dụng nhưng do dùng vào đầu cơ, thâu tóm nên không có lợi cho nền kinh tế.

Lo lắng này có cơ sở vì việc mua cổ phiếu để sở hữu một ngân hàng bằng vốn tự có, bằng tiền tươi thóc thật là bình thường, còn sở hữu hay thâu tóm bằng vốn vay - kiểu “tay không bắt giặc” - không khéo lại xảy ra sai phạm như Ngân hàng Xây dựng mà mới đây Ngân hàng Nhà nước phải mua lại bắt buộc với giá 0 đồng để củng cố.

Thông tin về phi vụ này được thị trường quan tâm bởi xã hội đang mệt mỏi với nợ xấu, sở hữu chéo và Nhà nước đang quyết liệt cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. Đó là lý do Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra quy định kiểm soát vốn đổ vào chứng khoán, bất động sản, mới đây nhất là thông tư 36 về giới hạn, tỉ lệ an toàn vốn.

Cần nhắc lại những phi vụ sở hữu, thâu tóm bằng vốn vay từng xảy ra vài năm trước dù ồn ào nhưng không được ngăn chặn, hậu quả là sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thêm phức tạp. Khi trở thành những ông chủ nhờ vốn vay, tiền đã mua vào cổ phiếu còn đâu mà trả nợ, họ phải xoay xở, “lấy mỡ nó rán nó” dẫn đến nợ xấu, việc chấn chỉnh hệ thống ngân hàng thêm khó khăn.

Sẽ là không bình thường khi có những người hoặc nhóm người dễ dàng vay được vốn để đầu cơ cổ phiếu trong khi nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, muốn mở rộng sản xuất lại khó vay vốn của ngân hàng. Đừng để doanh nghiệp so sánh: sao người ta vay quá dễ còn mình thì không?

Thực tế, làm chủ bằng vốn vay hay “tay không vẫn làm chủ” luôn hấp dẫn những người có máu liều, nhưng do bản chất chỉ là “đánh quả” nên rất rủi ro cho nền kinh tế. Khi thị trường vẫn xuất hiện những ông chủ là “đại gia” nhưng cũng là “đại nợ”, môi trường đầu tư bị vẩn đục, nguồn lực xã hội bị lãng phí do vốn đặt sai chỗ.

Để lặp lại tình trạng vốn vay ngắn hạn bị biến thành vốn góp dài hạn bất đắc dĩ càng làm thị trường tài chính thêm méo mó, trong khi Ngân hàng Nhà nước đang đòi hỏi phải ”uốn nắn” méo mó này.

Giám sát đường đi của đồng vốn, trách nhiệm cao nhất thuộc về Ngân hàng Nhà nước.

Cần nhớ rằng đến nay chúng ta mới chỉ dọn nợ xấu ở ngân hàng bằng kỹ thuật, chứ chưa có giải pháp để biến vốn “chết” thành vốn “sống”. Vì vậy phải đặt vốn đúng chỗ để không bắt cả xã hội phải trả thêm học phí cho một bài học đã quá cũ.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên