13/11/2007 23:46 GMT+7

Patrick Đoàn: Tri thức và trải nghiệm khiến người ta trở nên độ lượng

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Patrick Đoàn không phải chính trị gia, mà là một người phản chiến. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, ông từng bị đuổi khỏi trường Dược vì tham gia phong trào học sinh sinh viên. Năm 1980, ông qua Mỹ làm nghiên cứu sinh về bang giao quốc tế và lịch sử chiến tranh Việt Nam tại The Fletcher School of Law and Diplomacy - trường đào tạo cao học về ngoại giao và luật quốc tế thuộc hai ĐH Harvard và TUFT.

ZoTBWv1z.jpgPhóng to
Tranh Hoàng Tường
Patrick Đoàn không phải chính trị gia, mà là một người phản chiến. Trước năm 1975 tại Sài Gòn, ông từng bị đuổi khỏi trường Dược vì tham gia phong trào học sinh sinh viên. Năm 1980, ông qua Mỹ làm nghiên cứu sinh về bang giao quốc tế và lịch sử chiến tranh Việt Nam tại The Fletcher School of Law and Diplomacy - trường đào tạo cao học về ngoại giao và luật quốc tế thuộc hai ĐH Harvard và TUFT.

Khi Việt Nam bắt đầu thực hiện chính sách Đổi mới, Patrick Đoàn có lẽ là một trong không nhiều người Việt ở Mỹ công khai vận động bình thường hóa quan hệ bang giao giữa hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ. Những bài báo ông viết đăng trên các nhật báo lớn như New York Times, Washington Post… và nhất là cuộc hội thảo tổ chức tại Quốc hội Hoa Kỳ năm 1986 đã gây tiếng vang không chỉ trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Năm 1989, ông bị ám sát, trúng ba viên đạn vào những chỗ nghiệt, nguyên hàm dưới bể nát, còn trái tim từ đó chỉ còn hoạt động khoảng 30%. Từ năm 2002, ông là đại diện của hai trường đại học Hoa Kỳ phụ trách liên kết đào tạo với một số trường đại học tại Trung Quốc, Singapore và Việt Nam. Người đàn ông 63 tuổi này muốn dành những năm cuối đời để đóng góp cho giáo dục.

* Đâu là lý do khiến ông đăng đàn công khai ủng hộ bình thường hóa quan hệ giữa hai quốc gia từng đứng ở hai phía chiến tuyến vào thời điểm khá nhạy cảm?

- Oán hận nên cởi, không nên buộc. Nhìn lại lịch sử, tôi thấy đâu có ai thù địch nhau hoài bao giờ. Có chăng là do cách tuyên truyền từ hai phía trong thời hậu chiến. Nhưng tôi nghĩ cách tư duy đó không sớm thì muộn rồi cũng phải hết. Mặt khác, tôi cho rằng chính sách cấm vận mà Hoa Kỳ áp dụng cho Việt Nam là không hữu hiệu vì hai lý do.

Thứ nhất, chính sách đó chỉ trừng phạt nhân dân. Súng đạn xếp lại rồi, trở lại với cuộc sống thường nhật, điều người dân quan tâm là chuyện cơm ăn áo mặc, tức là vấn đề kinh tế. Vậy nên, mang chuyện kinh tế áp đặt vào chính trị theo tôi là không hiệu quả.

Thứ hai, cấm vận kinh tế gây “ép phê” ngược, chỉ khiến chính quyền đương nhiệm càng co cụm lại. Văn hóa Mỹ không hiểu tự ái dân tộc, có lẽ một phần bởi họ là một quốc gia trẻ và đa chủng tộc. Ngược lại, tự ái dân tộc của người châu Á nói chung rất cao, nhất là những nước nghèo.

Tôi kể một câu chuyện thế này. Năm 1969, tôi đi Pháp. Thầy tôi là ông Trần Đình Đệ có dặn rằng ra nước ngoài ăn uống từ tốn, đừng bao giờ ăn hết cả dĩa đồ ăn, phải chừa lại chút đỉnh kẻo người ta coi thường. Nhưng mà đi qua các nước giàu, tôi thấy người ta ăn sạch trơn, chẳng bỏ cái gì. Lý do là họ chưa bao giờ có cảm giác bị đói triền miên, còn chúng ta vừa trải qua những cơn đói dài, luôn mặc cảm và sợ người ta biết được điều đó. Giàu có như Bill Gates nhưng ăn mặc rất bình thường, đi lại bằng chiếc xe bình thường. Những người mới phát thì phải mua nhà cho đẹp, tậu xe cho sang bởi sợ mình không được xem là quan trọng.

* Cũng vì đăng đàn mà ông bị bắn?

- Khi chữa lành, bác sĩ dự đoán tôi chỉ sống nhiều lắm là ba năm do tim đã bị tàn phá 70%. Hồi mới xuất viện, tôi thở rất khó khăn do tim yếu. Chỉ đến khi gặp một ông bác sĩ người Hoa tôi mới ngộ. Ông ấy nói rằng con người ta không ăn, không ngủ, không chơi thì năm, bảy ngày có khi cả năm chưa chắc đã chết, nhưng nếu ngừng thở một phút là chết. Thiên hạ chỉ lo chuyện ăn, ngủ, chơi mà không xem thở là quan trọng. Từ đó, tôi thường tìm đến những nơi gần sông gần biển, thoáng khí để ở và tập thở. Nhờ vậy mà đến giờ tôi vẫn sống, tính đến này cũng đã hơn 18 năm.

* Thở có nhiều cách, chẳng hạn như bài tập thở bằng bụng của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Ông có thể chia sẻ phương pháp mà ông áp dụng?

- Tôi cũng chẳng có bí quyết gì đặc biệt, ngoài sự bền bỉ. Qua tham khảo nhiều tài liệu, tôi phát hiện ra rằng chẳng có gì bí hiểm cả, rất đơn giản thôi vì càng hít sâu thì oxygen vào phổi càng nhiều. Vậy nên, tôi đều đặn hít thở thật sâu ở mọi thời điểm, từ lúc lái xe, ngồi làm việc, đi bộ cho đến lúc ngủ. Riết rồi thành thói quen.

* Năm nay đã 63 tuổi, lại mắc bệnh tim, mà ông vẫn miệt mài làm việc. Như vậy, liệu có quá bất nhẫn với mình không, thưa ông?

- Không phải người giàu có nhưng thực lòng hiện giờ tôi không còn nhu cầu kiếm tiền. Thậm chí có nhiều tiền tôi cũng đâu có chơi bời gì được. Tôi muốn dành những năm cuối cùng của đời mình để làm giáo dục, tạo thêm cơ hội cho những người trẻ tuổi tiếp cận tri thức. Ngày xưa, tôi rất thèm khát được đi học ở Mỹ. Tôi dành dụm tiền để mua tem, mò mẫm viết thư gửi các trường đại học ở Mỹ xin học bổng. Tất cả thư tôi gửi đi đều bị từ chối.

Tôi vẫn còn nhớ một đoạn hồi âm của trường Berkeley, đại ý rằng họ xét học bổng dựa trên tài năng, chứ không phải lòng thương hại. Họ trả lời như vậy khiến mình tỉnh ngộ. Bởi hồi đó còn trẻ quá, viết thư toàn kể chuyện gia đình hoàn cảnh khó khăn, đất nước chiến tranh… Thư của đại học Mỹ giấy đẹp lắm, tôi giữ hoài, đến khi qua Mỹ còn mang theo. Tôi yêu đại học từ những chuyện nho nhỏ như vậy.

Sau này, làm việc trong ngành giáo dục, tôi gặp nhiều trường hợp khá đặc biệt. Có một học trò của tôi, người Bình Chánh (TP.HCM) kể rằng ngày anh ấy còn ở Việt Nam, những năm ngăn sông cấm chợ, nhà hết gạo ăn, hai đứa em của anh ấy khóc dữ. “Đói ăn vụng”, anh ấy đánh liều đi gặt trộm lúa. Xui cho anh ấy là bị người ta bắt được, trói vào cột dựng trước sân. Cô con gái ông chủ ruộng lúa xỉa xói và phun nước miếng vào mặt anh ấy. Vượt biển qua Mỹ, mang theo nỗi uất ức, anh ấy làm việc quần quật để có tiền ăn học, hy vọng ngày nào đó sẽ quay trở về gặp lại gia đình kia. Nhưng khi đã trở thành giáo sư, đứng trên bục giảng, anh ấy từ bỏ ý định đó. Tri thức và sự trải nghiệm khiến người ta trở nên độ lượng hơn.

* Ở các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, hội thảo du học nhiều như nấm sau mưa. Có vẻ Việt Nam đang trở thành một mảnh đất màu mỡ cho các nhà kinh doanh giáo dục quốc tế?

- Vì sự nghiệp “mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” là một chủ trương đúng, tiếc là việc thực hiện không đúng. Sau 32 năm thống nhất đất nước, Việt Nam vẫn chưa có những trường đại học đủ tầm vóc, tương xứng với kỳ vọng của nhân dân. Người ta nói phải cải tổ giáo dục, nhưng chương trình cụ thể như thế nào thì vẫn chưa có. Thiếu tri thức thì chúng ta sẽ tiếp tục trở thành những người làm thuê với mức lương rẻ mạt. Trong khi đó, nhiều người Việt Nam học ở một môi trường khác thì lại làm thầy dạy lại người nước ngoài.

Đọc hồi ký của các tướng lĩnh Việt Nam, tôi thấy nhiều người có tầm nhìn rất xa. Tôi băn khoăn tại sao trong thời bình, tầm nhìn của chúng ta lại không rõ ràng. Trường cứ tiếp tục mở trong khi giáo viên thiếu trầm trọng. Các thầy buộc phải chạy sô, càng giỏi càng chạy sô nhiều, kết quả là không còn thời gian để tự nghiên cứu và nâng cấp mình lên. Hệ lụy dồn lên vai các thế hệ học trò.

Tôi nghĩ rằng thụ hưởng một nền giáo dục tiên tiến là nhu cầu hoàn toàn chính đáng. Việc những gia đình khá giả cho con cái đi du học cũng chính là một hình thức phản kháng, mất niềm tin vào chất lượng giáo dục trong nước. Tuy nhiên, cũng là tri thức, nếu không đủ trình độ để đánh giá các chương trình gọi là quốc tế tại Việt Nam, vô hình trung sẽ tạo ra tình trạng nhập khẩu hàng giả, hàng kém chất lượng, di hại còn lớn hơn.

* Nhưng số lượng gia đình đủ điều kiện cho con đi học nước ngoài hiện vẫn chỉ chiếm một tỷ trọng rất nhỏ trong xã hội?

- Nếu không đủ lực, hãy rộng cửa mời người ta vào cùng làm với mình. Hiện nay có một số trường quốc tế có kiểm định đang liên kết đào tạo với một số trường đại học trong nước để triển khai chương trình du học tại chỗ. Nhờ vậy mà chi phí của sinh viên sẽ giảm xuống đến 80% - 90% so với đi học ở nước ngoài. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần mạnh dạn mở cửa giáo dục nhiều hơn nữa.

Thủ tục xin giấy phép hợp tác hiện còn rất nhiều khó khăn. Đại học Bách khoa TP.HCM là trường đầu ngành nhưng chúng tôi cũng mất một năm mới nhận được giấy phép hợp tác. Trường Đại học Đà Nẵng xin giấy phép xong thì cuối cùng không triển khai được, lý do thì tôi cũng không biết tại sao. Trường Công nghiệp 4 ở Gò Vấp được cấp phép nhanh vì có sự hỗ trợ của Bộ Công nghiệp cũ, nay là Bộ Công thương. Vừa rồi, phái đoàn của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết qua Mỹ, trường North Central có ký biên bản hợp tác thành lập một phân khoa với Đại học Long An trước sự chứng kiến của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết và Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa thể triển khai vì vướng luật. Chờ đợi quá lâu khiến nhiều người nản.

Hồi tôi dịch một giấy phép ra tiếng Anh để chuyển xin liên kết đào tạo, có một đoạn mà tôi thấy rất mắc cười: “Căn cứ vào Luật Giáo dục Quốc hội Việt Nam ban hành năm 1998, căn cứ vào nghị định của Chính phủ ban hành năm 2001, căn cứ vào thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2003…”. Đành rằng luật luôn đi sau cuộc sống nhưng mất năm năm để luật có hiệu lực thì rất khó có thể tạo nên đột phá. Ở các nước phát triển, luật có hiệu lực sau 15 ngày kể từ khi Quốc hội phê chuẩn và hành pháp ký ban hành.

* Thống kê sơ bộ mỗi năm Việt Nam có khoảng một triệu học sinh tốt nghiệp trung học nhưng chỉ có 20% trong số đó vào đại học. Với tình trạng thiếu giáo viên và cơ sở vật chất như hiện nay, cơ hội để tất cả học đại học dường như là không tưởng?

- Ai cũng muốn làm thầy thì ai làm thợ. Đất nước hơn 80 triệu dân, 60% dân số trẻ mà hãng Intel không tuyển được 4.000 công nhân kỹ thuật là điều đáng để cho các nhà quản lý giáo dục phải suy nghĩ. Tôi nghĩ Việt Nam cần đầu tư mở thêm các trường cộng đồng, thời gian đào tạo khoảng hai năm. Mỹ đang khát y tá, nghề này mỗi năm có thể kiếm được cả trăm ngàn USD. Trước đây, Mỹ chủ yếu nhập khẩu nguồn nhân lực này từ Philippines nhưng hiện đã ngưng vì nước này có nhiều người Hồi giáo. Nguyên liệu xuất thô, nhân công chúng ta cũng xuất “thô”, quá uổng!

* Đó là do sự chi phối của tâm lý khoa bảng?

- Việc bổ nhiệm nhân sự theo bằng cấp là một trong những nguyên nhân khiến tất cả mọi người chạy theo bằng cấp. Những người không đi được bằng đôi chân của mình chắc chắn sẽ tìm cách này hay cách khác để đạt được mục đích. Chuyện mua bán bằng cấp xảy ra là điều dễ hiểu. Năm ngoái, báo chí đưa tin có địa phương phát hiện hàng chục người xài bằng giả nhưng xử lý không triệt để. Việc này không chỉ vô hình trung khuyến khích những người khác tiếp tục xài bằng giả, mà còn trở thành cản ngại cho những người trẻ có thực tài.

Người Việt Nam vốn rất ham học và trọng người có học. Chính sách “mỗi gia đình chỉ có một đến hai con” khiến nhiều bậc cha mẹ cố gắng hướng con cái vào đại học. Điều đó tốt nhưng vấn đề là học đại học xong để làm gì. Các em thiếu định hướng nghề nghiệp, nhiều khi học vì ý muốn của gia đình. Những người không ham thích thì sẽ không nỗ lực hết mình, học đối phó cho xong, ảnh hưởng không tốt đến cuộc sống của các em sau này.

* Nhưng nhiều khi con nhà người ta đại học mà con mình học nghề thì khó chịu lắm?

- Những chuyện không đâu như vậy đôi khi lại trở thành ngòi nổ cho những mối hiềm khích sâu sắc. Tôi nghĩ sĩ diện cá nhân của người Việt cao quá, không đoàn kết với nhau nên khó làm được chuyện lớn. Thanh niên ngày nay ít đặt vấn đề sĩ diện hơn thế hệ đi trước bởi những người lớn tuổi hay bị cấn cá bởi yếu tố lịch sử. Đầu tiên là do văn hóa làng. Thế kỷ XXI rồi mà vẫn còn chuyện làng này gấu ó làng kia, gái làng này không được lấy trai làng khác. Đi ra khỏi cổng làng thì lập hội đồng hương. Đất nước mình vốn đã nhỏ, dài, dàn trải, đáng ra phải hợp lại với nhau. Thế giới không ai người ta làm như thế. Trung Hoa rộng như thế nhưng việc họ thành lập những hội Phúc Kiến, hội Triều Châu… là do đặc thù ngôn ngữ. Nếu sống ở nước ngoài thì người trong Nam ngoài Bắc đều là đồng hương, đều là đồng bào. Chúng ta nhược tiểu một phần cũng vì con người sống co cụm.

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng vậy. Khi làm ăn nhỏ, chẳng hạn như mở quán cà phê, phục vụ có thể là những người thân trong gia đình. Nhưng khi phát triển thành công ty, thay vì phải thuê người giỏi để phát triển công ty thì lại tiếp tục sử dụng người thân của mình. Vậy nên những doanh nhân Việt kiều ở Mỹ phần lớn chỉ là những ông chủ nhỏ. Vài ba người thật giàu thì họ đã trở thành người Mỹ rồi, tên họ không có trong cộng đồng Việt kiều vì có tham gia sinh hoạt hội đoàn gì đâu.

* Điều này hình thành hàng ngàn năm rồi, e rằng khó thay đổi?

- Tôi nghĩ đây là trách nhiệm của cơ quan văn hóa. Ở Mỹ, đến năm 1968 vẫn còn có những trường học dành cho người da trắng, không nhận người da đen. Thế nhưng sang thập niên 1970, các phương tiện truyền thông lên án sự kỳ thị chủng tộc, chuyện đó tự khắc rồi hết.

* Nghe nói ông vẫn chơi tennis - môn thể thao vận động mạnh - không tốt cho người mắc bệnh tim?

- Tôi chơi để dưỡng sức. Ở Mỹ, tôi đi bộ một ngày năm bảy cây số nhưng Sài Gòn ô nhiễm quá, tôi chơi tennis để bù lại. Tôi đang cố gắng sắp xếp lại công việc ở văn phòng để ra vùng biển sống, một tuần quay về thành phố làm việc một ngày thôi.

* Có vẻ như ông rất tin tưởng vào các cộng sự trẻ?

- Quan điểm của tôi là giao việc cho các em. Đúng là có những chuyện chưa đúng ý mình, nhưng có làm mới có sai, lần lần rồi các em sẽ quen. Còn cứ nghĩ họ không làm được, việc gì cũng ôm vào là dễ… chết sớm.

Tiếng Việt của mình có hai chữ rất hay là buồn và bực. Đó là hai trạng thái mà con người ta phải chọn một. Nếu ở với ai đó, dù là người thân hay người yêu chăng nữa, thì cũng sẽ có lúc bực. Tôi đã từng bỏ hết công việc, tìm đến một vùng núi ở Canada dựng lều sống một mình. Không tivi, không Internet, không điện thoại, tôi cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên ngoài, chỉ có mình và thiên nhiên hoang dã. Không bực nhưng mà buồn, tôi quyết định quay trở lại với công việc.

* Không có giải pháp dung hòa sao?

- Có chứ. Khi nào bực, tìm đến chỗ buồn. Và ngược lại.

* Trong cuộc sống, với ông, điều gì là quan trọng nhất?

- Ông nội tôi và ba tôi đều làm nghề giáo. Chịu ảnh hưởng của hai người, từ nhỏ tôi không ham cái gì quá nhiều. Quan trọng nhất là cuộc sống thanh thản.

* Ông quan niệm thế nào về sự thanh thản?

- Không tham lam, không làm bậy thì dù cho ai gõ cửa, nhấn chuông lòng mình không cảm thấy hồi hộp. Với tôi, cuộc sống là biết thông cảm, tha thứ và tuyệt đối không gây thù chuốc oán với ai.

Theo THƯỢNG TÙNGDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên