15/07/2011 04:11 GMT+7

Giá thịt heo đã tăng trên 70%

N.BÌNH
N.BÌNH

TT - Trước tình hình giá thực phẩm, đặc biệt là thịt heo, tăng chóng mặt, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) ngày 14-7 đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi cùng một số địa phương để phân tích nguyên nhân, đưa ra các giải pháp, kiến nghị.

P6hlXmHM.jpgPhóng to
Giá thịt heo đã tăng cao trong những ngày qua nhưng dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới (ảnh chụp tại chợ Ngọc Hà, Hà Nội) - Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với Tuổi Trẻ sau cuộc họp này, ông Hoàng Kim Giao, cục trưởng Cục Chăn nuôi, khẳng định: “Giá thịt heo tăng kinh khủng, vì từ tháng 7-2010 đến nay giá đã tăng 70-100%, và chắc chắn giá thịt từ nay đến cuối năm không thể hạ xuống được. Vấn đề là làm sao ta giữ cho không tăng”.

* Thưa ông, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã yêu cầu phải tìm hiểu rõ và báo cáo nguyên nhân vì đâu giá thực phẩm, đặc biệt là thịt heo, tăng nhanh. Vậy cục đã kiểm tra và tìm ra nguyên nhân?

- Chúng tôi khẳng định có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất giá tăng do cung không đáp ứng đủ cầu, sản xuất không đáp ứng được thị trường. Do dịch bệnh từ cuối năm 2010 kéo sang đầu năm 2011 khiến tổng đàn giảm 3,7% và đặc biệt đàn heo nái giảm đến 8,6%. Đàn nái giảm cộng với bị ảnh hưởng của dịch bệnh nên dẫn đến số lượng giống cũng giảm. Điều này dẫn đến nguyên nhân tiếp theo là giá con giống tăng. Giá giống tăng, giá thức ăn chăn nuôi tăng, các chi phí điện, nước, nhân công cũng tăng khiến giá đầu ra phải tăng theo.

TP.HCM: thịt heo vẫn neo giá cao

Ngày 14-7, giá heo hơi tại các trang trại khu vực chăn nuôi vẫn ở mức 61.000-62.000 đồng/kg. Giá heo pha lóc tăng nhẹ 1.000-2.000 đồng/kg, bình quân từ 100.000-125.000 đồng/kg, cá biệt thịt ba rọi rút sườn lên đến 138.000-140.000 đồng/kg, sườn non 135.000 đồng/kg... Theo các đơn vị kinh doanh, giá heo hơi vẫn neo cao dù nguồn cung heo cho thị trường miền Nam ổn định, không còn bị sức hút của thị trường miền Bắc như tháng trước. Thực tế, giá heo hơi có thể giảm 2.000-3.000 đồng/kg là hợp lý với giá nguyên liệu đầu vào hiện nay.

Trong khi đó, do nguồn cung nhiều, sức mua yếu nên giá một số loại rau củ về chợ giảm 10-27% như su su, xà lách, bắp cải, xà lách búp, cải ngọt, riêng bắp cải tròn giá giảm mạnh 51% còn 2.400 đồng/kg. Các loại cà chua, cải bẹ xanh thì tăng nhẹ.

Nguyên nhân tiếp theo là khó khăn về vốn. Lãi suất ngân hàng quá cao nên trang trại lớn không chịu nổi, còn trang trại nhỏ và người chăn nuôi nhỏ lẻ không dám vay, hoặc không thể vay được vốn ngân hàng vì chăn nuôi cũng là ngành đầu tư có nhiều rủi ro. Một phần giá tăng do tư thương thổi phồng, đẩy giá, bởi họ mua heo hơi chỉ 60.000-62.000 đồng/kg nhưng khi bán thịt thì đẩy lên trên 100.000 đồng/kg.

Với những khó khăn kể trên, cộng với tâm lý e ngại dịch bệnh, thiên tai (rét đậm, rét hại) như những mùa trước nên nhiều người chăn nuôi đã thờ ơ, không mặn mà với chăn nuôi nữa.

* Nhiều ý kiến cho biết lượng người chăn nuôi bỏ chuồng chiếm tỉ lệ khá cao, cụ thể ra sao, thưa ông?

- Không như những đồn thổi ban đầu, khi chúng tôi kiểm tra, khảo sát ở Hà Nam thì việc bỏ chăn nuôi chỉ diễn ra ở nông hộ và tỉ lệ chưa đến 20%, đấy là tính cả những hộ thường nuôi 5-10 con thì nay họ giảm. Qua báo cáo ở Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Yên tỉ lệ cũng không nhiều, chỉ dưới 10%.

* Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi đã có giải pháp gì?

- Giải pháp bây giờ là phải thúc đẩy sản xuất, tăng đàn, nhân đàn heo bằng mọi biện pháp kỹ thuật để có nguồn cung dồi dào. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bởi nếu không làm được thì đến cuối năm, dịp tết sẽ lại khó khăn về cung và giá lại tăng. Cục Thú y cũng cần tuyên truyền, phòng chống và khống chế dịch bệnh thật tốt để duy trì đàn gia súc. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại, nông trại, hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi các loài khác tùy lợi thế vùng cũng như điều kiện sinh thái từng vùng. Đặc biệt nên phát triển các loài vật ngắn ngày như gà, vịt...

Để thực hiện các giải pháp, Cục Chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi kiến nghị Chính phủ nên có những chính sách ưu tiên riêng biệt cho chăn nuôi để ngành này phát triển. Cụ thể, phải có chính sách bình ổn giá cho riêng chăn nuôi trong một thời gian nhất định. Chính phủ chỉ đạo để các ngân hàng có lãi suất, cơ chế vay hợp lý, đồng thời giãn nợ, khoanh nợ để phát triển chăn nuôi.

Hầu hết các hàng bán thịt heo ở chợ Hôm, Hà Nội đều có giá chung: thịt heo thăn 140.000 đồng/kg, nạc vai 130.000 đồng/kg, thịt ba rọi 110.000/kg. Tại chợ Đại Từ, quận Hoàng Mai, những người bán thịt heo cho biết nhiều khả năng thịt heo vẫn còn tăng giá tiếp. Chỉ trong khoảng hai tháng trở lại đây, giá thịt heo đã tăng đến ba lần. Là chợ có mức giá rẻ hơn nhiều chợ lớn khác nhưng thịt heo thăn, vai ở chợ Đại Từ cũng có giá 130.000 đồng/kg.

Chị Thu, một chủ sạp thịt heo ở chợ Đại Từ, cho biết: “Một tuần tôi chỉ bán cầm chừng 4-5 buổi, còn lại nghỉ, vì giá thịt nhập quá cao”. Còn ông Nguyễn Hữu Tiến - chủ một sạp thịt tại chợ Thành Công (quận Ba Đình) - cho hay từ đầu năm đến nay giá thịt heo hơi đã tăng thêm 20.000 đồng/kg khiến giá của từng loại thịt như sườn, ba chỉ... đều tăng thêm ít nhất 20-30%.

“Nếu đếm số lần thịt tăng giá thì không xuể. Giá thịt đang biến động mạnh, cứ 1-2 tuần lại nhích lên một lần. Đợt tăng gần đây nhất cách nay khoảng một tháng, giá heo hơi tăng thêm 5.000 đồng/kg” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, ngoài nguyên nhân về chính sách tăng lương và giá vận chuyển tăng làm giá thịt tăng, còn do nguồn cung có xu hướng khan hiếm bất thường.

Giá thịt gà lông ở chợ Đại Từ, chợ Kim Liên là 130.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg so với cách đây 2-3 tháng. Gà làm sẵn ở chợ Hôm, chợ 19-2 giá 140.000-150.000 đồng/kg, tăng 40.000-50.000 đồng so với thời điểm đầu năm.

Giá trứng gà ở chợ Đại Từ lên 35.000 đồng/chục, ở chợ Kim Liên 37.000 đồng/chục. Nhiều mặt hàng thực phẩm qua chế biến cũng tăng giá. Giò lụa ở chợ Hôm giá 150.000 đồng/kg, trong khi vào dịp Tết Tân Mão giá 1kg giò chỉ 100.000 đồng, thời điểm trước tết giá 70.000 đồng/kg.

Cô Nguyễn Thị Lan, ở khu đô thị Định Công, cho biết với thời giá hiện tại, một ngày đi chợ cho bảy người ăn trong gia đình tốn ít nhất 300.000 đồng. Nếu muốn “ăn tươi” nữa thì tốn đến 400.000-500.000 đồng. Không chỉ người có thu nhập thấp mà cả những người có mức sống trung lưu cũng bị chao đảo bởi mức giá thực phẩm ngất ngưởng hiện nay.

Trong khi đó, sau nửa tháng tăng giá đến chóng mặt, tuần này giá rau xanh ở Hà Nội bắt đầu giảm nhẹ ở một số chợ. Chị Huyền, bán rau ở chợ Đại Từ, cho biết giá một số loại rau giảm 2.000-3.000 đồng. Cụ thể, rau mồng tơi giảm từ 6.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/mớ, rau muống từ 12.000 đồng xuống còn 10.000 đồng/mớ, giảm nhiều nhất là rau cải mơ từ 6.000 đồng xuống còn 3.000 đồng/mớ.

N.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên