15/10/2010 05:24 GMT+7

Kiểm soát giá qua hệ thống phân phối

NHƯ BÌNH thực hiện
NHƯ BÌNH thực hiện

TT - Ngày 14-10, Sở Công thương TP.HCM đã có buổi sơ kết bốn tháng triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM.

FojqpM3B.jpgPhóng to
Một điểm bán hàng bình ổn tại siêu thị Co-op Mart, TP.HCM - Ảnh: N.B.

Diễn ra trong bối cảnh hàng hóa tăng nhanh, TP.HCM đã đưa ra nhiều biện pháp mở rộng, xây dựng hệ thống phân phối, tạo nguồn hàng nhằm giảm áp lực tăng giá, đưa hàng bình ổn đến tay người dân.

Trao đổi với báo chí, bà Lê Ngọc Đào - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM - cho biết:

BkfYJOJK.jpgPhóng to
Bà Lê Ngọc Đào - Ảnh:N.Bình

- Chương trình bình ổn hàng hóa do thành phố phê duyệt với tám mặt hàng thiết yếu thời gian qua đã được xã hội ghi nhận, tác động tích cực đến đời sống tiêu dùng của người dân, phục vụ đại đa số người tiêu dùng có thu nhập trung bình bằng nguồn hàng phong phú, giá tốt, thể hiện được tính dẫn dắt thị trường.

Lượng hàng hóa chiếm 20-30% thị phần của 14 doanh nghiệp đã phần nào chi phối, tạo sức lan tỏa đối với hàng hóa thị trường thành phố. Chỉ sau hai tháng thực hiện, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 và 8-2010 của TP.HCM giảm sâu.

Ngay trong tháng 9-2010, khi CPI tăng mạnh 0,97% thì các nhóm hàng thực phẩm thiết yếu trong rổ hàng hóa cũng chỉ có mức tăng nhẹ.

Điểm tích cực nữa là chương trình đã ổn định được thị trường, tránh các đợt tăng giá đột biến, khan hiếm hàng hóa. Qua tám lần thực hiện, các doanh nghiệp tham gia bình ổn cũng thể hiện tính chuyên nghiệp cao.

Bằng kinh nghiệm, các doanh nghiệp đều dự báo được thị trường, có kế hoạch tạo nguồn hàng và mở rộng điểm bán lẻ trên toàn thành phố với gần 2.000 điểm

Khó kiểm soát điểm bán bình ổn

Tại cuộc họp, các doanh nghiệp tham gia bình ổn cho rằng việc kiểm soát các điểm bán bình ổn không dễ dàng chút nào.

Ông Châu Nhựt Trung, giám đốc Huỳnh Gia Huynh Đệ, cho biết nhiều điểm bán treo băngrôn nhưng bị lấy trộm nên chủ cửa hàng không treo lại. Hoặc khi phát hiện điểm bán tăng giá so với cam kết thì người bán giải thích “không hiểu ý, chỉ cần bán dưới giá thị trường 10%”, chưa kể một số điểm bán chỉ mở cửa nửa ngày nên khi cơ quan đi kiểm tra thì thấy cửa hàng đóng cửa ...

* Vừa qua, cơ quan chức năng đã phát hiện một số điểm bán hàng bình ổn vi phạm quy định. Sắp tới sở có kế hoạch gì để vừa phát triển mạng lưới phân phối, vừa đảm bảo hàng hóa thật sự đến tay người dân?

- Mong muốn của những người thực hiện chương trình là các mặt hàng thiết yếu đến được với người dân, người tiêu dùng. Sở đang khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phối hợp với quận huyện mở các điểm bán, điểm phân phối của chương trình bình ổn tại các khu dân cư tập trung, đông người, phục vụ đại đa số người dân.

Các doanh nghiệp tham gia cũng ý thức rõ và thực hiện tốt như Co.op Mart có 22 siêu thị và 100 điểm bán lẻ, Công ty Ba Huân trên 800 điểm bán, Vissan gần 300 điểm bán.

Trong quá trình triển khai, chúng tôi tăng cường kiểm tra, kiểm soát các điểm bình ổn. Điểm bán phải có băngrôn, niêm yết giá, niêm yết giờ mở cửa, hàng hóa đạt chất lượng. Khi phát hiện các điểm bán sai phạm, chúng tôi đều có phương án làm việc xử lý, chấn chỉnh điểm bán thật sự là điểm bán bình ổn.

Số điểm bán hàng bình ổn hiện nay là 1.983 điểm, tăng 89 điểm so với ban đầu. Định kỳ hằng tháng các sở ngành qua theo dõi, kiểm tra đã loại khỏi chương trình 562 điểm bán không chấp hành tốt các quy định của chương trình.

* Qua các đợt tăng giá cho thấy tăng giá hiện nay do chênh lệch giữa chợ sỉ và chợ lẻ khá cao. Phải chăng đưa hàng bình ổn qua kênh phân phối truyền thống đang gặp khó khăn?

- Chúng tôi đang tăng cường điểm bán vào chợ bởi khi đột biến giá thị trường thì đây chính là nơi có diễn biến giá phức tạp nhất. Số điểm bán tại các chợ truyền thống hiện nay là 471 điểm, tăng 155 điểm so với đầu kỳ, trong đó Vissan 156 điểm, Công ty Ba Huân 290 điểm, các doanh nghiệp khác đang triển khai.

Sở đang trình UBND thành phố kế hoạch xây dựng điểm bán hàng bình ổn tập trung đối với tám mặt hàng thiết yếu. Điểm bán sẽ tận dụng các mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước nhưng đang kinh doanh chưa hiệu quả và phát triển thành chuỗi cửa hàng, siêu thị chuyên bán hàng bình ổn.

Trước tình hình giá cả biến động như hiện nay, chúng tôi đang đẩy nhanh tiến độ mở điểm bán ở các khu dân cư tập trung. Nếu được chấp nhận, từ đây đến tết chuỗi cửa hàng sẽ được xây dựng rộng khắp 24 quận huyện trên địa bàn TP.

Vừa qua, sở cũng đã tổ chức họp giao ban giữa ban quản lý các chợ đầu mối với các chợ cấp 1, cấp 2 để nâng tính liên thông giữa các bên, giúp việc nắm giá giữa các chợ tốt hơn.

* Theo bà, từ đây đến Tết Tân Mão 2011 diễn biến giá cả sẽ như thế nào? Sở và các doanh nghiệp tham gia đã chuẩn bị gì đảm bảo chương trình bình ổn phát huy tác dụng?

- Ngay trong điều kiện bình thường, hễ đến tết, lễ là giá một số mặt hàng biến động. Hiện nay, do tác động của giá vàng, ngoại tệ, thiên tai, dịch bệnh nên diễn biến giá từ đây đến tết sẽ phức tạp.

Những ngày gần đây, một số trung tâm thương mại, siêu thị đề nghị tăng giá 5-10% đối với các mặt hàng có nguồn gốc nhập khẩu như mỹ phẩm, đồ uống, hàng tiêu dùng... Giá các mặt hàng đường, đậu, gạo, rau, củ quả đều tăng 15-20% so với mặt bằng chung.

Sở thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố triển khai các biện pháp giảm áp lực tăng giá, bình ổn thị trường. 14 doanh nghiệp tham gia bình ổn giữ cam kết không tăng giá, bán theo giá đăng ký đến hết ngày 31-3-2010. Các doanh nghiệp bình ổn đều có kế hoạch dự trữ tạo nguồn hàng chi phối thị trường 30-40%, điều tiết thị trường, tránh đột biến giá.

Để bổ sung mặt hàng bình ổn sau dịch heo tai xanh, sở đã mời gọi Tập đoàn Phú Cường tham gia ổn định thị trường thủy hải sản tươi sống, chế biến trong các tháng tới.

Dự kiến vào tháng 11-2010, khoảng 56 mặt hàng thủy hải sản, chế biến, tươi sống sẽ được đưa ra thị trường qua kênh phân phối siêu thị, cửa hàng bình ổn, với sản lượng chiếm khoảng 20% thị phần.

Giá thực phẩm biến động do thời tiết

Hiện nay giá gạo có xu hướng tăng do các hoạt động mua phục vụ xuất khẩu thời gian qua. Gạo trắng thường tại các chợ truyền thống 8.000-12.000 đồng/kg, tăng trung bình 500-1.000 đồng/kg, giá dầu ăn tại các siêu thị cũng tăng thêm 5-8%.

Trời mưa liên tục trong những ngày qua khiến nguồn rau củ về chợ giảm, giá một số loại rau lá về chợ tăng như rau bó xôi từ 14.000 đồng lên 18.000 đồng/kg, xà lách 8.000 đồng/kg lên 14.500 đồng/kg.

Trong khi đó, giá thịt heo tiếp tục tăng mạnh do sức mua phục hồi. Ngày 14-10, giá thịt heo pha lóc bán sỉ tăng bình quân 4.000-5.000 đồng/kg. Cụ thể thịt đùi 45.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg, nạc vai từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/kg...

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nhiều điểm bán hàng bình ổn không có thậtNhiều mặt hàng thiết yếu tăng giáHàng bình ổn cũng tăng giáNgừng giao hàng bình ổn cho cửa hàng vi phạmBình ổn giá cuối nămChống tăng giá tùy tiện

NHƯ BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên