03/02/2015 08:57 GMT+7

​Nhiều địa phương giấu nợ công

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Thực tế, số nợ đọng xây dựng cơ bản của một số địa phương có thể gấp đôi báo cáo...

Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (dài 244km) có tổng vốn đầu tư giai đoạn I là 1,249 tỉ USD, trong đó vốn vay ADB là 1,096 tỉ USD, số vốn còn lại (153 triệu USD) lấy từ nguồn vốn phát hành trái phiếu công trình có bảo lãnh của Chính phủ và các nguồn vốn khác - Ảnh: Tuấn Phùng

Ngày 2-2, tại hội nghị hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT) Bùi Quang Vinh đã khẳng định có thể phải nới trần nợ công, nếu không sẽ thiếu vốn đầu tư.

Theo ông Vinh, đến năm 2016 nợ công VN sẽ đạt mức 64,9% GDP, tức sẽ “đụng trần” (trần 65% GDP - PV) theo Luật nợ công, nên không thể phát hành thêm trái phiếu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước do thiếu vốn.

Do đó, ông Vinh đề nghị Chính phủ cần xem lại Luật nợ công. “Bởi điều quan trọng đối với nợ công không phải trần là 65% hay 70%, có nước nợ công lên tới 200% GDP. Vấn đề là khả năng trả nợ” - ông Vinh khẳng định.

Theo ông Vinh, nếu xét thấy có khả năng trả nợ, VN cần nới trần nợ công. “Tất nhiên là phải thuyết phục Quốc hội bằng những dự án tốt” - ông Vinh nói, và cho rằng chỉ nên tập trung vào các dự án của các bộ, ngành.

Ngoài ra, mỗi tỉnh chỉ thực hiện không quá ba dự án tạo điểm nhấn, cú hích kinh tế, có tác động thay đổi địa phương. Sau đó sẽ cộng lại xem nhu cầu bao nhiêu, chọn ra thứ tự ưu tiên, xem xét có thể phát hành thêm bao nhiêu trái phiếu rồi trình Quốc hội.  “Chứ trông vào mấy đồng ngân sách còm cõi không thể làm được” - ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, thời gian qua có hiện tượng... giấu nợ xây dựng cơ bản của các địa phương trong các báo cáo.

Thực tế, số nợ đọng xây dựng cơ bản của một số địa phương có thể gấp đôi báo cáo. “Không thể cứ cho doanh nghiệp ứng vốn làm tràn lan như giai đoạn trước, rồi ngân sách trả sau. Sở KH - ĐT mà tham mưu tiếp tục sẽ bị xử lý nặng” - ông Vinh nói.

Và ông Vinh cho biết thêm mới đây có địa phương đưa số dự án đầu tư gấp 10 lần khả năng cân đối vốn của họ. “Chúng tôi choáng váng - ông Vinh nói và dặn - Sẽ không có nhiều dự án mới đâu, đừng đưa nhiều lên đây”.

Theo ông Bùi Quang Vinh, trong đầu tư công trước đây có tình trạng trước khi có lãnh đạo cấp cao về thăm và làm việc, địa phương thường chỉ đạo kê một loạt danh sách dự án. Có dự án chỉ là ý tưởng của chủ tịch địa phương, “bảo kê làm cái đường nọ, kè kia, ước khoảng 700 tỉ chẳng hạn, nhiều cái không có dự toán”.

Khi lãnh đạo về họp thì trình lên, kiến nghị cho làm. Các bộ ngành tháp tùng lãnh đạo cấp cao cũng không biết dự án đó là thế nào, có được hỏi ý kiến thì cũng chỉ dám bảo “để nghiên cứu”. Nên các vị lãnh đạo thường “đồng ý về nguyên tắc” và sau đó “cứ phải chạy theo bố trí vốn”.

“Giờ không còn nữa” - ông Vinh khẳng định và cho rằng lãnh đạo cấp cao cũng không thể hứa được nữa, có hứa cũng chỉ hứa sẽ xem xét. Các dự án sẽ phải có chủ trương, thực hiện đúng các khâu theo đúng Luật đầu tư công.

“Các địa phương cần chọn dự án tốt, tập trung vốn để làm. Các dự án cần tính đủ vốn mới được đầu tư, khởi công, tránh việc cứ cho doanh nghiệp khởi công, sau đó ngân sách nợ vốn xây dựng cơ bản” - ông Vinh khẳng định.

Trong tháng 3-2015 sẽ báo cáo Chính phủ về giá điện

Ngày 2-2, tại buổi họp báo thường kỳ tháng 1-2015, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết Tập đoàn Điện lực VN (EVN) từng đề xuất tăng giá điện 9,5% hồi năm 2014 nhưng Thủ tướng đã yêu cầu EVN phải rà soát, tính toán thêm về giá điện, xem xét tăng năng suất, tăng khả năng quản trị doanh nghiệp.

“Dù EVN đề xuất, nhưng Bộ Công thương phải tùy theo thực tiễn sẽ quyết định. Trong tháng 3 sẽ báo cáo Chính phủ các vấn đề về giá điện, khi đó Thủ tướng sẽ có ý kiến” - ông Hải nói.

Tuy nhiên theo ông Hải, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới đã cảnh báo giá bán điện hiện đang thấp hơn giá thành nên nếu không thay đổi, không ai muốn đầu tư. Dẫn thực tế chỉ có mỗi EVN chấp nhận lỗ để đầu tư, trong khi các ngành như ximăng, sắt thép, tôn... dùng rất nhiều điện đã được hưởng lợi.

“Giá điện phải tiệm cận giá thị trường để có nhiều cạnh tranh hơn, Nhà nước sẽ không phải bù tiền điện, doanh nghiệp điện được lợi, người tiêu dùng cũng được lợi vì có cạnh tranh, doanh nghiệp phải hạ chi phí, tăng năng suất...” - ông Hải khẳng định.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên