21/07/2017 10:59 GMT+7

Cân nhắc khi tăng giá điện

NGỌC AN - LÊ THANH
NGỌC AN - LÊ THANH

TTO - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo yêu cầu cân nhắc trong việc điều chỉnh tăng giá điện, nếu cần thì tăng "ở mức thấp nhất".

EVN cho biết đang chịu áp lực lớn từ tăng chi phí đầu vào. Trong ảnh: nhân viên EVN thao tác tại trạm biến áp để cấp điện cho dân - Ảnh: V.HÀ
EVN cho biết đang chịu áp lực lớn từ tăng chi phí đầu vào. Trong ảnh: nhân viên EVN thao tác tại trạm biến áp để cấp điện cho dân - Ảnh: V.HÀ

Giá điện vướng giá than

Bộ Tài chính vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ về cuộc họp ban chỉ đạo điều hành giá cả được tổ chức đầu tháng 7-2017.

Theo Bộ Tài chính, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương hoàn thiện lại phương án điều chỉnh giá điện, có tính tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đề xuất kịch bản điều hành giá điện trong năm 2017 theo hướng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, ông Huệ yêu cầu Bộ Công thương căn cứ vào diễn biến của nền kinh tế đến hết quý 3-2017 để tính toán các phương án điều chỉnh giá điện. 

Trong trường hợp cần thiết phải tăng giá điện, ông Huệ đề nghị Bộ Công thương cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể.

Từ tháng 3-2017, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu Bộ Công thương trình phương án giá điện trước ngày 25-3.

Tuy nhiên, cho đến cuối tháng 3 phương án giá điện vẫn chưa được trình lên do vấn đề hiệp thương giá than.

Giá điện sẽ tăng 3% hay 5%?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết mặc dù đang phải chịu nhiều gánh nặng chi phí đầu vào gia tăng nhưng diễn biến thời tiết hiện nay đang khá thuận lợi khi mưa nhiều, có thể huy động nhiều thủy điện (giá bán điện thường rẻ hơn - PV).

Điều này dẫn tới chi phí mua điện vào trong mùa mưa sẽ giảm hơn so với kế hoạch, bớt đi áp lực tăng giá.

Do đó, vị đại diện này cho biết, sau khi kết thúc mùa mưa, khoảng tháng 10, việc tính toán các chi phí đầu vào sẽ rõ hơn.

Đại diện EVN cũng cho biết sau thời điểm 15-8, khi quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân vừa được ban hành có hiệu lực, EVN mới tính toán và báo cáo về phương án giá điện.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho rằng mặc dù nguồn thủy điện chiếm trên 40% sản lượng điện, nhưng hiện nguồn nước về nhiều chủ yếu ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ nên không giúp giá thành điện giảm nhiều.

Giá điện không tăng trong nhiều năm qua, nên theo ông Ngãi, việc tăng giá là phù hợp.

Tuy nhiên, ông Ngãi đánh giá tăng ở mức 3% sẽ không giải quyết được những áp lực chi phí đầu vào và vốn đầu tư cho EVN.

Do đó, ông Ngãi nhấn mạnh nên cho EVN tăng giá nhưng không tăng nhiều, có thể khoảng 5%, tức tăng hơn 100 đồng/kWh.

Tuy nhiên, ông Ngãi cũng lưu ý EVN cần giảm giá thành sản xuất, nâng cao năng suất. Hiện nay sản lượng điện thương phẩm bán ra thấp hơn khá nhiều so với lượng điện sản xuất, do hao hụt, lãng phí điện.

Tỉ lệ tổn thất điện năng còn phải giảm hơn nữa, gắn với tiết giảm chi phí không cần thiết trong hoạt động tài chính.

Nên để sau tháng 9

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bích Lâm - Ttổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - cho biết việc điều chỉnh giá điện không được làm ảnh hưởng đến chỉ tiêu lạm phát năm nay.

Tuy nhiên, do giá thịt heo, xăng dầu vừa tăng lại nên giá cả trong thời gian tới sẽ phức tạp, đặc biệt là dịp cuối năm.

Ông Lâm cho rằng nếu tăng giá điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chỉ số giá sản xuất, làm giảm GDP, nên cần phải tính toán rất thận trọng.

“Tổng cục Thống kê đang kiến nghị cần phải để sau tháng 9, khi đó căn cứ vào tăng trưởng kinh tế và lạm phát để ra quyết định tăng giá điện” - ông Lâm nói.

Chi phí tăng 7.230 tỉ đồng

Báo cáo tài chính (đã kiểm toán) của EVN vừa công bố cũng cho thấy mặc dù trong năm 2016 tập đoàn này ghi nhận mức lãi là trên 5.160 tỉ đồng, tăng khá cao so với năm 2014 nhưng khoản chênh lệch tỉ giá phát sinh từ các năm trước dù đã được xử lý vẫn còn khoảng 3.670 tỉ đồng.

Theo phương án giá than tăng thêm 7% từ cuối tháng 12-2016 mà Tập đoàn Than - khoáng sản VN đưa ra, EVN sẽ bị đội chi phí lên gần 4.700 tỉ đồng.

Một lãnh đạo EVN cho biết hiện dù giá than cho điện đã được giảm so với mức đề xuất ban đầu song vẫn làm chi phí của EVN tăng thêm 3.300 tỉ đồng.

Cùng với giá dầu, giá khí, tỉ giá... tăng khiến cho tổng chi phí sản xuất kinh doanh của EVN tăng thêm 7.230 tỉ đồng so với kế hoạch từ đầu năm.

EVN cho biết nhiều khoản chi phí, đặc biệt là giá than, đã tăng liên tục từ năm 2015 nhưng vẫn chưa được cân đối trong giá điện.

NGỌC AN - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên