20/07/2017 08:13 GMT+7

PVN: Cho phá sản dự án cũng cần phải có tiền

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Chính phủ muốn xử lý 5 dự án thua lỗ của PVN theo cơ chế thị trường, không bơm vốn thêm. Nhưng PVN cho rằng ngay cả để cho phá sản cũng cần có tiền "như người ốm cần tiền mua thuốc".

*** Error ***
Nhà máy đóng tàu Dung Quất là một trong năm dự án thua lỗ của PVN - Ảnh: Việt Hùng

Loay hoay giải quyết 5 dự án thua lỗ, nguy cơ sụt giảm sản lượng... là những nội dung nổi bật được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nêu ra tại cuộc làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ ngày 19-7.

Trong tổng số 12 dự án thua lỗ ngành công thương, PVN dẫn đầu với 5 dự án gồm xơ sợi Đình Vũ, đóng tàu Dung Quất và 3 dự án nhiên liệu sinh học.

Ông Mai Tiến Dũng - Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng - nêu “quan điểm của Thủ tướng là xử lý các dự án này theo cơ chế thị trường, theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư, Nhà nước không tăng thêm vốn vào các dự án này”.

Đáp lại, Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng nói rằng các dự án này là nỗi đau của ngành.

“Nhưng muốn xử lý cũng cần tiền. Chính phủ cứ nói rằng không bơm thêm vốn nhà nước vào nữa. Nếu vậy thì quá khó để giải quyết. Ngay cả phá sản thì cũng cần tiền để thực hiện thủ tục kiểm toán, xác định giá trị tài sản. Vẫn phải trả lương cho bảo vệ, nhân viên. Giải quyết các dự án này giống như người ốm cũng cần tiền mua thuốc” - ông Hồng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định đối với các dự án thua lỗ, giải quyết càng nhanh bao nhiêu thì càng cắt được “phanh” kìm hãm sớm bấy nhiêu.

“Trong số 12 dự án thua lỗ thì 5 dự án của PVN là khó khăn nhất. Vì tính chất khó khăn nên Chính phủ mới thành lập ban chỉ đạo, PVN cũng rất mong ban chỉ đạo có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn để giải quyết dứt điểm. Nguyên tắc là Nhà nước không bỏ thêm vốn đầu tư, thế còn trong quá trình giải quyết thì tập đoàn có thể vận động những nguồn khác. Có những dự án có thể khởi động lại, đưa vào sản xuất thì khi thoái vốn mới có giá tốt, nếu không nhà máy chỉ là đống sắt vụn. Mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước” - ông Vượng nói.

Ông Mai Tiến Dũng giải thích: dự án có thể đưa vào vận hành, ra sản phẩm, khắc phục tồn tại là tốt nhất. Nếu không vận hành được thì phải có giải pháp, không loại trừ bán, phá sản.

Còn việc khẳng định không bơm thêm vốn nhà nước thì đây không phải là không duy trì việc bảo vệ, hoạt động nhân viên, mà ở đây là không bổ sung vốn đầu tư nhà nước vào nữa.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo TP.HCM sáng 23-6-2017 - Ảnh: Tự Trung

Tại cuộc làm việc, PVN đã nêu nhiều kiến nghị, trong đó có những vấn đề lớn như chính sách bao tiêu sản phẩm cho lọc hóa dầu Nghi Sơn, cơ chế giá khí, việc công ty mẹ bảo lãnh để công ty con vay vốn thực hiện dự án lọc hóa dầu Long Sơn...

Ông Mai Tiến Dũng thừa nhận trong thời gian qua nhiều kiến nghị của tập đoàn chưa được tháo gỡ kịp thời, trong đó có trách nhiệm phối hợp của bộ, ngành và Văn phòng Chính phủ.

“Sau cuộc họp này, đề nghị tập hợp đầy đủ các kiến nghị của PVN để báo cáo Thủ tướng xử lý. Những vấn đề lớn như công ty mẹ bảo lãnh cho công ty con vay để triển khai dự án 5,3 tỉ USD, vấn đề tạm ứng quỹ thăm dò khai thác dầu khí... phải được xử lý kịp thời” - ông Dũng khẳng định.

40% thời gian tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra

Phó tổng giám đốc PVN Lê Minh Hồng cho biết từ đầu năm đến nay họ mất rất nhiều thời gian để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra, rồi tiến hành kiểm điểm.

“Đây là việc cần thiết nhưng đề nghị Chính phủ nghiên cứu, làm sao đó để gộp lại, đừng để nhiều đoàn vào cùng lúc. Chúng tôi phải dành 40% thời gian để tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra thì còn thời gian đâu nữa để lo phát triển sản xuất, kinh doanh” - ông Lê Minh Hồng nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên