02/06/2017 08:58 GMT+7

Thiếu vốn, thiếu luôn cơ hội đầu tư dây chuyền hiện đại

KIM VÂN
KIM VÂN

TTO - Việt Nam được đánh giá có nhiều thuận lợi hơn các thị trường trong khu vực để các doanh nghiệp (DN) trong nước đầu tư dây chuyền hiện đại, thế nhưng do thiếu vốn, cơ hội trao vào tay các DN FDI.

Dây chuyền chế biến cà phê của một doanh nghiệp Tây Nguyên - Ảnh: HÀ DỊU
Dây chuyền chế biến cà phê của một doanh nghiệp Tây Nguyên - Ảnh: HÀ DỊU

Vừa rồi, trong chuyến đi tìm hiểu tình hình sản xuất tại các khu công nghiệp phía Nam, đại diện một công ty nước ngoài chuyên phân phối các dòng máy công cụ và dây chuyền sản xuất cho chúng tôi biết rằng trong các khách hàng của họ, nhóm doanh nghiệp (DN) FDI trong các khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỉ lệ cao nhất với 60% tiếp đó là các công ty lớn của nhà nước với 30%, còn DN tư nhân chỉ chiếm 10%.

Con số này không làm chúng tôi bận tâm lắm nếu như vị đại diện công ty không làm một phép so sánh rằng ở các nước trong khu vực, nhu cầu máy công cụ của khối tư nhân chiếm đến 90% tổng doanh số bán hàng của họ.

Vị này cũng đặt câu hỏi: “Ngành sản xuất công nghiệp Việt Nam sẽ còn lại gì nếu các DN có vốn nước ngoài rút đi?” Dĩ nhiên đây chỉ là tình huống giả định, nhưng điều đó cũng cho thấy thực lực hoạt động sản xuất của khối DN trong nước quá yếu ớt và mức độ phụ thuộc vào nhóm DN nước ngoài là rất lớn.

Trước đó, chúng tôi cũng đến thăm một nhà máy có đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để sản xuất khung sườn cho các thương hiệu lớn như Harley Davison, Ducati, Bombardier, vv…

Điều đáng nói là tại Việt Nam có rất nhiều công ty đầu tư dây chuyền sản xuất lớn như vậy nhưng đều chỉ đóng vai trò gia công sản xuất cho các hãng nước ngoài chứ không phải là hoạt động đầu tư kinh doanh.

Khái niệm máy công cụ nghe thì xa lạ, nhưng lại liên quan nhiều đến cuộc sống hàng ngày hơn là chúng ta tưởng. Máy công cụ (chế tạo từng chi tiết cho sản phẩm) thường được kết nối thành dây chuyền, đứng sau hầu như mọi vật dụng hàng ngày, từ chai nước suối, lọ kem dưỡng da cho đến chiếc xe đạp, xe máy, vv…

Mặc dù không trực tiếp hiện diện trong đời sống sinh hoạt nhưng nhu cầu máy công cụ phản ánh được tình hình sản xuất, vốn là một trong những thước đo sự phát triển của một nền kinh tế.

Nhưng hãy thử nhìn lại một lượt để thấy phần lớn các sản phẩm công nghiệp “made in Vietnam” mà chúng ta đang sử dụng hiện nay đều do các DN liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài sản xuất.

Họ là những công ty lớn, có nguồn lực tài chính mạnh mẽ để đầu tư những dây chuyền máy móc hiện đại, sản xuất ra sản phẩm hàng loạt, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn xuất ra nhiều thị trường khác.

Những dây chuyền như vậy đòi hỏi nguồn vốn rất lớn, theo ông Phạm Minh Thảo, Phó Giám đốc công ty TNHH Việt Thăng, chuyên phân phối các dòng máy công cụ trị giá nhiều triệu USD, và đó là lý do chính khiến DN Việt Nam, đa số với quy mô nhỏ và vừa, ít có điều kiện lắp đặt dây chuyền sản xuất quy mô lớn.

Ông Thảo giải thích thêm rằng không phải các DN ở nước ngoài luôn có đủ vốn đầu tư cho những những dây chuyền đó, nhưng họ được hưởng nhiều cơ chế thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, được hưởng lãi suất thấp, chính sách thuế ưu đãi, vv…

Và quan trọng nhất là phía DN đã tạo được uy tín nhờ biết kiểm soát nguồn vốn vay của mình, từ đó được chính phủ và ngân hàng tin tưởng hỗ trợ. “Điều này sẽ không thể xảy ra trong một nền kinh tế mà DN chỉ biết dựa vào các mối quan hệ cá nhân để vay vốn và thiếu trách nhiệm với đồng vốn vay”, ông Thảo nói.  

Điều đáng nói, và đáng tiếc là, ông Thảo nhận định, Việt Nam là thị trường có nhiều thuận lợi cho các DN đầu tư sản xuất quy mô lớn, như là giá thuê nhà xưởng rẻ, hạ tầng đang thay đổi từng ngày với nhiều cầu cảng hơn, cơ hội cho các DN mới nhiều hơn so với những thị trường đã ổn định như Trung Quốc, Ấn Độ, vv…

KIM VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên