17/05/2017 15:38 GMT+7

Thủ tướng: Năm 2017 là năm giảm phí cho doanh nghiệp

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói như vậy trong bài phát biểu kết thúc hội nghị đối thoại với doanh nghiệp sáng 17-5.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

"Có đồng chí đề nghị với tôi rằng năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp, do đó, một trong những hành động tiếp theo của Chính phủ là sẽ tiếp tục rà soát các quy định và thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giảm bớt gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp như chi phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí về logicstic... Đây là khoản đang đè nặng lên doanh nghiệp mà phải nghiên cứu để giảm bớt cho doanh nghiệp" - Thủ tướng khẳng định.

Đảm bảo môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả

Nhắn nhủ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, các nhà đầu tư tinh thần chính phủ kiến tạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói hãy yên tâm rằng chính phủ kiến tạo, liêm chính phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao.

Trong đó, không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư, không chỉ chi phí giao dịch thấp mà còn rủi ro thấp, không chỉ độc quyền kinh doanh được kiểm soát mà còn chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái để bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng, hiệu quả.

Thủ tướng cho biết so với hội nghị năm trước ở TP.HCM, tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều chứng tỏ hơn một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện.

Đi sâu vào cụ thể, Thủ tướng nói sẽ tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Hiện nay, mục tiêu này đã tạo sức ép cho các địa phương và cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết đã đôn đốc việc thành lập Tổ công tác theo dõi, kiểm tra các ngành, các địa phương.

Còn nhiều rào cản

Thủ tướng thừa nhận cũng còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp. 

Thứ nhất, về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. 

“Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu, xây dựng thể chế, chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp thông lệ quốc tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thủ tục hành chính vẫn còn hiện tượng làm cò dịch vụ, giá thuê đất còn cao, giấy phép con vẫn còn, chưa minh bạch hoàn toàn, tình trạnh nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức gây chậm trễ khó khăn của cơ quan công quyền, chưa nắm bắt được yêu cầu của doanh nghiệp để giải quyết kịp thời. 

Tồn tại về vấn đề thị trường, việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển tối đa

Theo thống kê, chúng ta mới có trên 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó Thái Lan trên 30% và Malaysia trên 45%. Việc hình thành đồng bộ các thị trường như thị trường đất đai, thị trường tín dụng, thị trường lao động, thị trường tài chính, thị trường các ý tưởng phát minh sáng chế…

“Và như tôi đã nói phần đầu, hoạt động thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp kém hiệu quả gây thiệt hại và bức xúc không đáng có cho doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã lắng nghe 1.098 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và đã có 850 kiến nghị được xử lý giải quyết, đạt tỉ lệ như vậy chưa phải cao. Những kiến nghị này tập trung vào cải cách hành chính thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, Thủ tướng nói thêm.

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp,.. và nhấn mạnh trách nhiệm của Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng trưởng ngành phải thực hiện những nhiệm vụ này.

Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị của nhà nước và của doanh nghiệp để tương thích với yêu cầu phát triển nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay và xu hướng tương lai. Không cho phép những tồn tại yếu kém về năng lực quản trị kìm hãm sự năng động của nền kinh tế, tạo nên những trì trệ trong phát triển kinh tế và giải phóng nguồn lực xã hội. Quản trị của anh phải đáp ứng yêu cầu mới, quản lý theo yêu cầu công nghệ. Cho nên chúng ta thấy Việt Nam đồng ý cho Uber, Grab vào hoạt động, mặc dù quản lý rất khó khăn. Tôi đánh giá cao Bộ Giao thông vận tải đồng ý chủ trương này, chứ không phải vì không quản lý được, chúng ta cấm Uber và Grab.

 “Tôi xin khẳng định một lần nữa rằng mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công hay tư”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Nếu bỏ qua thị trường trong nước, chúng ta thất bại

Nhắn nhủ đến các doanh nghiệp VN, thủ tướng nói doanh nghiệp đang nỗ lực xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam, phải tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam. Ở trong nước, chúng ta nói "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam chất lượng cao", bây giờ chúng ta chuyển sang tâm thế "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam". Nâng cao chất lượng, mẫu mã bao bì, giá thành... là quan trọng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam. Bỏ qua thị trường này, chúng ta thất bại.

 

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên