27/02/2017 10:20 GMT+7

Tài xế Uber, Grab tố bị đối xử 'rẻ mạt'

THU DUNG - ÁNH HỒNG - ĐỨC THIỆN - ANH ĐỨC
THU DUNG - ÁNH HỒNG - ĐỨC THIỆN - ANH ĐỨC

TTO - Trong khi cơ quan chức năng chật vật với việc thu thuế của Uber thì với mức thu phí từ 15-25%, nhiều lái xe của Uber kêu... khó thở.

Một tài xế Uber đón khách trên đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN
Một tài xế Uber đón khách trên đường Nơ Trang Long, Q. Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU THUẬN

Giá cước rẻ, theo các tài xế, vì Uber cũng như Grab “né” được bảo hiểm xã hội, y tế và các quyền lợi khác cho người làm...

Nguyên tắc của Uber, Grab là tận dụng xe nhàn rỗi, nhưng ở VN điều này không đúng. Khá nhiều người mua hay thuê xe để chở khách và xem đó là một nghề.

Thu phí cao...

Anh Đức Duy nguyên là cán bộ một doanh nghiệp trong ngành vận tải ở Hà Nội, do doanh nghiệp khó khăn nên anh phải tranh thủ lấy xe máy chạy Uber. Anh Duy cho biết hiện hãng công nghệ đang thu phí của anh từ 15-25% tùy thời điểm.

Nhìn vào chiếc điện thoại khi tính tiền, anh Duy cho biết giá cước Uber khá rẻ, chạy khoảng 3km chỉ khoảng 18.000 - 19.000 đồng. Cuốc nào dài cũng chỉ tầm 50.000 đồng nên nghĩ có lúc bị thu tới 25% mà xót ruột.

“Họ có cả chục ngàn xe. Cơ bản cũng chỉ là phần mềm và tổ chức mạng lưới thôi. Mức thu như thế là cao. Nên thu 10% thôi chúng tôi còn thở được” - anh Duy nói. 

Chúng tôi không có bất kỳ quyền lợi, chế độ bảo hiểm gì. Trong khi chạy xe ôm dễ gặp nguy hiểm, bị va chạm hay đánh đập. Chúng tôi sẵn sàng chi trả thêm một khoản tiền bảo hiểm để nhận được quyền lợi về lâu về dài trong nghề"

Ông Phan Văn Mai (một lái xe Grab 45 tuổi)

Kinh tế còn khó khăn, anh Duy cho biết chạy Uber đơn giản vì... dễ tham gia chứ thực tình không được bao nhiêu.

“Chỉ hơn xe ôm là không phải vạ vật ngồi chờ, số chuyến nhiều hơn. Nhưng bù lại thì tiền thu về so với sức lao động rất rẻ mạt” - anh Duy nói.

Anh Nguyễn Đức Trọng - một tài xế Uber ôtô - cũng công nhận mặc dù mới chạy Uber được 2 tháng, lượng khách và tổng mức thu hằng ngày của anh cao hơn. Tuy nhiên, mức phí tài xế phải đóng lại cho công ty theo anh là khá cao.

Cho nên, dù tài xế có tích cực “chạy ngày, chạy đêm” nhưng sau khi trừ chi phí, thu nhập của tài xế không cao.

“Trong khi đó, để được chạy cho Grab, Uber..., chúng tôi không nhận được chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội... như các hãng taxi trong nước. Tôi cho rằng nếu công ty tham gia bảo hiểm cho tài xế, nhiều tài xế sẽ chấp nhận đóng mức phí cao hơn để được đảm bảo quyền lợi” - anh Trọng nói.

Uber lợi đủ đường?

Theo các hiệp hội taxi, Uber B.V (Hà Lan) chỉ bị áp thuế giá trị gia tăng (GTGT) với mức 3% trên doanh thu và 2% thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, do được hưởng 20% trên doanh thu nên tính ra Uber B.V chỉ phải nộp thuế GTGT là 0,6% so với tổng doanh thu chung.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên trưởng phòng thuế thu nhập cá nhân Cục Thuế TP.HCM, cho rằng do Uber B.V là tổ chức có thu nhập tại VN nhưng không thành lập pháp nhân nên cơ quan thuế đang áp dụng cách tính thuế với nhà thầu theo dạng khoán thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trong khi đó, các tài xế taxi, xe ôm Uber lấy tài sản cá nhân để kinh doanh nên cơ quan thuế đang áp dụng thuế khoán.

Về các doanh nghiệp taxi nêu tỉ lệ nộp thuế của Uber thấp, ông Sơn nêu doanh nghiệp taxi bình thường được nộp thuế GTGT theo tỉ lệ 10% nhưng được khấu trừ đầu vào. Trong khi đó Uber B.V và các đối tác nộp theo tỉ lệ khoán trên doanh thu.

Hai loại hình thuế khác nhau nên việc so sánh khó toàn diện, tuy nhiên nhiều chuyên gia thuế thừa nhận tỉ lệ thuế khoán cho nhà thầu Uber B.V và đối tác của Uber B.V tại VN dễ gây cảm nhận... chưa ổn.

Ông Sơn cũng công nhận “do loại hình kinh doanh như Uber B.V chưa có tiền lệ nên dẫn đến lúng túng cho cơ quan thuế.

Theo tôi, từ ý kiến của các hiệp hội taxi, ngành thuế cũng nên nghiên cứu các thị trường khác có mặt Uber B.V xem họ tính thuế thế nào. Nếu chưa phù hợp, nên có điều chỉnh cho sát thực tế và tạo công bằng giữa taxi truyền thống và Uber B.V”...

Cẩn thận với hãng công nghệ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia lâu năm trong ngành thuế cho rằng nếu nhìn Uber B.V là đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ là phiến diện, vì trên thực tế Uber B.V đang hoạt động vận tải.

Khi khách hàng cà thẻ để trả tiền, 100% tiền cước về tài khoản của Uber B.V tại Hà Lan rồi sau đó mới trả tiền cho tài xế theo định kỳ. Nếu khách trả bằng tiền mặt, lập tức tài khoản thẻ tín dụng của tài xế bị trừ ngay số tiền tương ứng.

“Tại sao đã ấn định tỉ lệ ăn chia là tài xế được 80% doanh thu mà Uber B.V không chia ngay khi phát sinh doanh thu mà tiền phải đi từ VN ra nước ngoài rồi mới chảy ngược lại trả cho tài xế? Ai ấn định giá cước theo từng thời điểm?

Đến đây thì có thể hiểu được vai trò của Uber B.V không chỉ là cung cấp giải pháp công nghệ mà là kinh doanh vận tải, các lái xe thực chất giống như nhân viên của Uber B.V.

Tất cả các quyền như thu tiền, chi trả, ấn định giá đều do Uber B.V nắm. Việc thu tiền về sau đó mới chi trả khiến Uber B.V dễ dàng thay đổi “luật chơi” bất cứ khi nào” - vị chuyên gia thuế này phân tích.

Chuyên gia Trần Viết Quân cũng cho rằng với cơ chế trên, Uber đang lợi thế hơn doanh nghiệp nội rất nhiều về mặt thuế.

Uber định danh mình là công ty công nghệ, lĩnh vực mà chi phí chủ yếu từ việc trả lương cho các nhân sự, quản lý hệ thống phần mềm và các hoạt động tiếp thị, theo ông Quân, họ né được nhiều chi phí bến bãi, bảo dưỡng xe, bảo hiểm...

Thứ nữa, Uber cũng sử dụng một hệ thống phần mềm thông minh dựa trên phân tích dữ liệu lớn để đưa ra giá cả dao động chứ không hẳn cố định, họ có thể đưa ra mức giá cao hơn nhiều lần trong giờ cao điểm so với giá của taxi truyền thống và khó có thể quản lý được.

Tài xế cần tìm hiểu kỹ

Ông Nguyễn Hồng Văn, giám đốc Công ty Việt Kiến Tạo, cảnh báo cánh tài xế VN muốn làm ăn với Uber phải cảnh giác giữa phương châm kinh doanh và quảng cáo của họ.

Uber lúc đầu được biết đến là dịch vụ tận dụng nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội, tức là ai có xe nhàn rỗi có thể tham gia dịch vụ Uber.

Thế nhưng khi bùng nổ ở VN, Uber đã không ngừng tung ra những quảng cáo đầy hấp dẫn kiểu như: “Bạn có muốn thu nhập 30-40 triệu/tháng”... Điều này đã khiến nhiều người liều lĩnh đi vay mua xe mới để đầu tư vào tài xế Uber.

Đầu tư thì phải có rủi ro, và thực tế, theo ông Văn, khá nhiều tài xế Uber hiện nay đang phải trả giá cho “canh bạc” này.

THU DUNG - ÁNH HỒNG - ĐỨC THIỆN - ANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên