23/02/2017 01:03 GMT+7

Làm thực phẩm độc hại phải coi là tội ác

K.NAM - S.LÂM - K.TÂM
K.NAM - S.LÂM - K.TÂM

TTO - Nhiều ý kiến công nhận thực tế nhiều người vì chút lợi nhuận mà bỏ chất nguy hại vào thực phẩm “giết đồng bào ta” - điều này được NSƯT Kim Xuân đưa ra trong cuộc tọa đàm tại báo Tuổi Trẻ ngày 21-2.

Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo trước khi vào chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhân viên thú y kiểm tra thịt heo trước khi vào chợ đầu mối Hóc Môn, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trả lời Tuổi Trẻ ngày 22-2, có nông dân vẫn coi việc phun thuốc là đương nhiên, nếu không họ “mất ăn”, dù biết người trả tiền mua thực phẩm của họ có thể “mất mạng”... Có nhiều lý do mà không có bàn tay tổ chức của Nhà nước, sự chung tay của xã hội khó lòng giải quyết.

Nông dân Phan Việt Sô (Sóc Trăng):

Không sử dụng thuốc, có nước cạp đất ăn

So với 20 năm về trước, tình hình sâu bệnh trên cây trồng bây giờ nhiều vô số kể, nếu không sử dụng thuốc để diệt, chẳng còn gì để ăn.

Gia đình tôi làm 6 công ruộng. Vụ lúa đông xuân này sử dụng 10 chai thuốc trừ sâu các loại, 40kg thuốc bột để diệt ốc bươu vàng và cá. Lúc mới ngâm giống thì xài thuốc trộn để cây lúa nảy mầm khỏe. Khi lúa nhú chồi được vài phân, lo sợ sâu hại phá hoại thì phun thuốc trừ sâu.

Đến giai đoạn lúa làm đòng, càng phun nhiều hơn, đặc biệt là các loại thuốc giúp cây lúa chắc hạt, sáng bóng. Trước khi thu hoạch vài ngày vẫn phải phun thuốc. Chi phí mua thuốc trừ sâu cho vụ lúa vừa rồi khoảng 1,5 triệu đồng, tương đương tiền phân bón.

Tôi vẫn biết lạm dụng thuốc trừ sâu cho đến ngày sắp thu hoạch lúa là rất hại cho người dùng. Nhưng không làm như vậy năng suất giảm, hạt lúa không đẹp, bị thương lái chê đủ kiểu, tệ hại hơn, còn mua thấp hơn 50 đồng/kg. Chỉ riêng việc hạt lúa không được bóng sáng, nếu 5 tấn lúa, tôi có thể bị thương lái đè giá, mất 2,5 triệu đồng, nên buộc lòng phải dùng thuốc trừ sâu.

Ông Nguyễn Thành Phước (chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Sóc Trăng):

Tự mình hại mình

Việc lạm dụng thuốc trừ sâu để lại những hậu quả khôn lường cho môi trường, sức khỏe và giống nòi, đặc biệt những tác hại về môi trường. Mặc dù chưa có thống kê cụ thể thiệt hại về môi trường, sức khỏe con người do lạm dụng thuốc trừ sâu, nhưng theo tôi, có nhiều bệnh nan y do ảnh hưởng của thuốc trừ sâu gây ra.

Một số nông dân có suy nghĩ ai chết mặc ai, miễn mình khỏe. Họ chừa vài ba cây, vài liếp rau ít phun thuốc để ăn. Trong khi phần để bán thì phun không nhát tay. Nhưng khi phun thuốc, nông dân thường không dùng dụng cụ bảo hộ. Cách suy nghĩ, cách làm đơn giản này dẫn đến những hệ lụy đặc biệt nghiêm trọng đến sức khỏe, giống nòi. Chính nông dân phun thuốc và con cháu họ cũng có thể bị độc hại. Như vậy, không khác gì tự mình đầu độc, tự mình hại mình.

Ông Lê Minh Hoàng (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An):

Người tiêu dùng phải đồng lòng

Nhiệm vụ tiên quyết của các ngành chức năng vẫn là giám sát, tìm hướng và đường ra để khuyến khích người dân sản xuất thực phẩm sạch. Tuy nhiên, trong một bức tranh thực phẩm lớn, không dễ gì giám sát được hết tất cả lĩnh vực có thể vi phạm an toàn thực phẩm. Do đó, việc tuyên truyền ý thức của người dân là rất quan trọng.

Nhiều người vẫn dễ dãi trong lựa chọn thực phẩm... Như một số địa điểm cung ứng nông sản sạch mà Sở NN&PTNT tỉnh Long An tổ chức vẫn rất ít người quan tâm. Trong khi những thực phẩm buôn bán lề đường hay được mua vì tiện lợi... Nên để dẹp hẳn nạn thực phẩm không an toàn, cần sự đồng lòng từ người sản xuất đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (nông dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang):

Làm như vậy là ác…

Tôi thấy nhiều người trồng chuối, bắp, hoa màu... tới lúc sắp thu hoạch thì xịt thuốc tạo độ bóng, độ xanh cho rau củ rất nguy hiểm. Xịt thuốc thì bán có giá hơn, rau củ tươi lâu hơn. Nhưng hỏi thuốc đó là thuốc gì, có độc hại gì không thì không ai biết rõ. Có loại thuốc trừ sâu độc hại, biết nhưng vẫn phun. Làm như vậy là ác. Xóm ấp, làng xã đều có cán bộ, công an, họ phải tuyên truyền và xử lý những người vì vài đồng lời mà vô tình hoặc cố ý đầu độc dân mình.

Ông Văn Đức Mười (tổng giám đốc Vissan):

Phải xử lý thật mạnh tay vi phạm

Đã có một khảo sát, nghiên cứu nào cho thấy thực phẩm bẩn, không an toàn tràn lan trên thị trường có xuất xứ từ đâu, do ai cung cấp hay chưa? Tôi nghĩ những doanh nghiệp sản xuất lớn, có thương hiệu sẽ không có tên trong danh sách khảo sát này. Điều này cho thấy một lượng lớn thực phẩm không an toàn đã không được cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, từ đó mới “ung dung” lưu thông ngoài thị trường, gây nhiều hệ lụy.

Tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm mà VN đang áp dụng là rất gắt gao với doanh nghiệp sản xuất chân chính. Nhưng tiếc thay, Nhà nước lại thiếu công cụ luật pháp cũng như cơ chế kiểm soát với chính sách mình đã xây dựng, nên vẫn có doanh nghiệp làm ăn gian dối. Nhà nước hãy sử dụng quyền lực luật pháp để xử lý thật mạnh tay với những trường hợp vi phạm này, may ra môi trường thực phẩm của VN mới không bị loạn như hiện nay.

Riêng với các loại thực phẩm chế biến tươi sống, chẳng hạn như thịt, tôi ủng hộ việc xây dựng các trung tâm giết mổ tập trung. Và chính các nhà sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm hoàn toàn trước người tiêu dùng về nguồn gốc thịt. Chứ không nên để người tiêu dùng phải truy xuất. TRẦN VŨ NGHI ghi

Ông Nguyễn Văn Tâm (giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang):

Bảo vệ tương lai con cháu

Sản xuất nông nghiệp xanh, sạch đã là xu hướng tất yếu. Không chỉ là câu chuyện kinh tế, mà đây còn là câu chuyện bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ tương lai phát triển lành mạnh của con cháu.

Trồng lúa sạch chỉ có cái khó là năng suất thấp hơn các giống lúa khác, bù lại có nhiều cái lợi khác như: giảm chi phí đầu vào, tăng giá bán, đầu ra ổn định... Ở cấp độ địa phương, hiện chúng tôi chỉ mới có những bước đi ban đầu thận trọng mang tính chất thí điểm là chính. Trên bình diện quốc gia, tôi nghĩ Chính phủ phải có một chiến lược tổng thể để nông nghiệp VN thật sự sạch và bền vững.

K.NAM - S.LÂM - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên