13/02/2017 09:27 GMT+7

Dệt may rót tiền tỉ tự động hóa

NGỌC AN
NGỌC AN

Tìm lao động có tay nghề khó khăn, phải tìm cách giảm chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội..., nhiều DN dệt may đã tăng đầu tư máy móc, tự động hóa...

Nhiều DN Dệt may đang tìm cách tăng tự động hóa để giảm chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội đang tăng. Trong ảnh: Tại một DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Anh Đức
Nhiều DN Dệt may đang tìm cách tăng tự động hóa để giảm chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội đang tăng. Trong ảnh: Tại một DN sản xuất hàng dệt may xuất khẩu. Ảnh: Anh Đức

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đức Thăng - giám đốc điều hành Công ty may Đáp Cầu - cho biết nỗi lo lớn nhất của ông vẫn là tuyển dụng công nhân có tay nghề. Đến nay đã có đơn hàng đến hết tháng 5-2017, có các đối tác đến từ những thị trường mới nên ông Thăng nêu DN rất chú trọng nâng cao chất lượng, giữ chân khách hàng. “Chúng tôi đã đưa ra chế độ, chính sách tốt như có thêm lương sản phẩm, chế độ thưởng lễ, tết, sinh nhật, nghỉ mát...” - ông Thăng nói nhưng cho biết việc tuyển dụng vẫn khó.

Do đó cùng xu hướng với nhiều DN khác, ông Thăng nêu sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ đồng mua mới các loại máy móc chuyên dùng hiện đại như máy cắt chỉ tự động, máy đính nút tự động... để dôi dư ra 5-10% lao động, từ đó điều chuyển sang các khâu khác, giảm áp lực tuyển lao động.

Bà Nguyễn Thị Điền, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH may thêu giày An Phước (TP.HCM), cũng cho biết để giảm áp lực biến động lao động và nâng cao năng suất, An Phước đã tập trung đầu tư chiều sâu. Với mục tiêu tăng trưởng 20%, bà Điền dự tính việc đầu tư mới, mua sắm trang thiết bị máy móc tự động hiện đại sẽ được triển khai liên tục.

“Thay vì trước đây máy mổ túi cần 4-5 người thì nay máy hiện đại có thể chạy tự động. Có máy móc hiện đại, sản phẩm cũng được nâng cao chất lượng. Việc đầu tư máy móc cũng giúp hạn chế tăng ca, giảm áp lực biến động lao động và đặc biệt giảm chi phí tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội khi các khoản chi phí này ngày càng tăng lên” - bà Điền nói.

Theo một chuyên gia Hiệp hội Dệt may, việc DN dệt may đầu tư tăng tự động hóa đang là xu hướng tất yếu và sắp tới dự kiến còn tăng, để đáp ứng nhu cầu chất lượng cũng như giảm chi phí do giá nhân công ở VN không còn rẻ nữa.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên