03/02/2017 20:40 GMT+7

​Xác định trách nhiệm cá nhân khi sắp xếp, cổ phần hóa DNNN

TRẦN VŨ NGHI
TRẦN VŨ NGHI

TTO - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu một loạt các bộ, ngành, tập đoàn kinh tế, tổng công ty trực thuộc Nhà nước phải thay đổi một số chính sách, quy định để có cơ chế phù hợp...

Cơ chế này nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược có năng lực, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức đủ để thay đổi quản trị doanh nghiệp...

Đây là nội dung trong chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành, 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm cá nhân trong việc thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bộ trưởng các bộ quản lý ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm hành chính trước Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ thị yêu cầu trong quý 1-2017, Bộ Tài chính phải trình Chính  phủ ban hành nghị định mới, thay thế các nghị định cũ liên quan đến việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần theo hướng nâng cao chất lượng và trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong việc xác định vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp để cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước.

Thuê tư vấn quốc tế xác định giá trị doanh nghiệp và bán cổ phần nhà nước tại doanh nghiệp trên thị trường quốc tế. Có cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược, bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược…

Giao trong tháng 2-2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trình Chính phủ  đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý II/2017 nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành hệ thống đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Chính phủ, kết thúc giai đoạn 2011-2015, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối.

Đặc biệt, tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, số lượng vốn nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.

Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa có hiệu quả; chưa tách được chức năng chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan nhà nước.

TRẦN VŨ NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên