21/12/2016 11:40 GMT+7

Nông dân lại gặp khó với cá tra

Đ.VỊNH - L.DÂN - C.QUỐC
Đ.VỊNH - L.DÂN - C.QUỐC

TTO - Xuất khẩu nhiều thách thức, giá mua bấp bênh, dân lỗ liên tục... khiến tại nhiều vùng dân đã bỏ, không nuôi cá tra.

Nông dân ở Tân Hòa, Thanh Bình (Đồng Tháp) chỉ bán được cá cho thương lái tiêu thụ nội địa giá 19.000 đồng/kg. Thua lỗ nên nhiều hộ không dám thả nuôi vụ mới - Ảnh: Đ.VỊNH
Nông dân ở Tân Hòa, Thanh Bình (Đồng Tháp) chỉ bán được cá cho thương lái tiêu thụ nội địa giá 19.000 đồng/kg. Thua lỗ nên nhiều hộ không dám thả nuôi vụ mới - Ảnh: Đ.VỊNH

Lâu nay ngành cá tra thiếu sự đầu tư dài hạn để duy trì giống cá có chất lượng, việc ương giống không theo quy trình, công tác quản lý kiểm tra chất lượng giống thiếu hiệu quả

Ông DƯƠNG NGỌC MINH (chủ tịch HĐQT Công ty Hùng Vương)

Các doanh nghiệp vì thế đứng trước khả năng thiếu nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu ngay trong năm tới.

Nhiều nơi ngừng thả nuôi

Tại các vùng nuôi cá tra nguyên liệu xuất khẩu, nhiều lớp ao nuôi đã bị nông dân bỏ không hoặc đã chuyển qua nuôi loại thủy sản khác. Diện tích thả nuôi giảm mạnh, khiến giá cá tra giống giảm chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg mà vẫn khó bán.

Một số nông dân kể khi thấy giống cá “rẻ bèo” bèn giữ lại nuôi, nào ngờ sau đó đàn cá nhiễm bệnh kéo dài chết nhiều.

“Giá cá nguyên liệu đã thấp, nuôi cá tra càng chất chồng khó khăn nên nhiều người bỏ nghề hết rồi” - bà Trần Thị Hòa (xã Long Thuận B, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) than vãn.

Ông Nguyễn Văn Thành, trưởng Trạm thủy sản huyện Hồng Ngự, cho hay địa phương này vốn là cái nôi sản xuất giống cá tra cung cấp cho toàn vùng, việc thả nuôi mới, theo ông Thành, đang giảm mạnh khiến nhiều cơ sở cung cấp giống đành ngưng sản xuất.

Hộ Lê Mười Hai, huyện Long Hồ (Vĩnh Long) dù đã gắn bó gần chục năm nuôi cá tra nhưng nay chuyển sang nuôi cá điêu hồng.

Ông Hai kể mình bị doanh nghiệp thu mua nợ gần 2 tỉ đồng, thấy giá bán luôn bấp bênh và không có vốn đầu tư trở lại đành phải “từ giã” con cá tra.

Nhiều hộ khác cho hay ngân hàng đang hạn chế cho vay nên họ phải ngưng nuôi vụ mới. Những dải đất đầu nguồn ven sông ở An Giang thuận lợi nuôi cá tra cũng có tình trạng tương tự.

Cá nguyên liệu biến động theo chiều hướng giảm trong thời gian dài, nông dân thua lỗ liên tục... làm diện tích nuôi sụt giảm mạnh.

Theo ông Nguyễn Hữu Nguyên - chủ nhiệm HTX thủy sản Châu Phú, huyện Châu Phú, suốt năm qua giá cá tra nguyên liệu thấp dưới giá thành. Khoảng tháng 9 giá cá vừa nhích lên một lúc rồi lại hạ xuống, từ đó tới nay nông dân không thể bán cho doanh nghiệp, chỉ bán cho thương lái tiêu thụ nội địa khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg.

Qua nhiều đợt thua lỗ nên chẳng ai còn mặn mà thả nuôi trở lại. “Gần đây lại có thêm những hộ nuôi cá tra lần lượt bỏ nghề, chuyển qua nuôi các loại cá tiêu thụ nội địa” - ông Nguyễn Thanh Nghĩa (phó chủ tịch UBND xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân) cho biết thêm.

Ông Trần Anh Thư, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, công nhận năm 2016 giá cá tra nguyên liệu có lúc còn 18.000 đồng/kg - thấp hơn giá thành sản xuất.

Giá cá luôn biến động theo chiều hướng giảm gây thua lỗ nặng, khiến người dân khó khăn về vốn và chưa yên tâm sản xuất nên diện tích nuôi cá tra hiện chủ yếu là của doanh nghiệp.

Trong khi đó theo ông Dương Nghĩa Quốc - chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, mấy năm nay nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vùng nguyên liệu riêng, ước chiếm khoảng 80% tổng diện tích nuôi cá tra.

Tuy tình hình thả nuôi trầm lắng, ông Quốc công nhận nhiều ý kiến đã quan ngại về khả năng thiếu nguyên liệu cho xuất khẩu ngay năm 2017.

Nỗi lo... cá giống

Bên cạnh giá mua thấp thì cá giống chất lượng thấp, chết nhiều cũng khiến nhiều nông dân bỏ nghề. Một số doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu cho hay giống cá tra đã thoái hóa, thời tiết bất lợi, cá chết rất nhiều.

Ông Như Văn Cần, vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN&PTNT), công nhận doanh nghiệp đều phản ảnh hiện nay chất lượng giống rất kém do bị thoái hóa, tỉ lệ chết khoảng 40%, nhất là trong giai đoạn một tháng đầu.

“Nguyên nhân do hoạt động sản xuất cá bột, cá giống, nuôi thương phẩm thiếu sự liên kết, thiếu sự quan tâm về nguồn giống” - ông Cần nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN Dương Nghĩa Quốc đánh giá khó khăn nhất hiện nay trong phát triển nuôi trồng cá tra chính là chất lượng giống thoái hóa gây hao hụt trong quá trình nuôi lớn, kéo theo giá thành sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận của dân, thậm chí thua lỗ.

Ông Doãn Tới, tổng giám đốc Công ty Nam Việt, cũng lo lắng trước khó khăn của người dân và nhận định nếu nông dân tiếp tục bỏ nghề hàng loạt, dù doanh nghiệp đã đầu tư vùng nuôi riêng nhưng “ba tháng nữa việc sản xuất giống cá mới phục hồi. Do đó có khả năng thiếu cá nguyên liệu chế biến từ tháng 3 đến tháng 7 năm tới”.

Trong khi đó, ông Như Văn Cần cho biết năm 2017 một số thị trường xuất khẩu cá tra hứa hẹn có mức tăng trưởng khá cao.

Trước thực tế trên, bà Đặng Thị Thương, giám đốc các vùng nuôi của Công ty CP Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp), cho biết lượng cá giống không đủ cung cấp nên công ty phải mua thêm bên ngoài với chất lượng không được đảm bảo, tỉ lệ hao hụt khá cao.

Vì vậy cần phải xây dựng vùng giống tập trung đảm bảo đúng chuẩn, giảm giá thành cung ứng cho toàn vùng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vào cuộc

Trước thực tế khó khăn của ngành cá tra, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa trực tiếp chủ trì hội nghị đánh giá ngành cá tra năm 2016 và bàn giải pháp phát triển ngành cá tra bền vững.

Ông Cường đã yêu cầu Viện Nuôi trồng thủy sản 2 phải khẩn trương nghiên cứu, sản xuất giống cá tra theo hướng tạo con giống phát triển tốt, kháng bệnh...

Ông Cường cũng đề nghị các vùng nuôi cá tra đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các tiêu chuẩn thực hành nuôi thủy sản tốt như VietGAP, GAP...

Doanh nghiệp cần đổi mới quy trình công nghệ để nâng chất lượng và thêm giá trị gia tăng nhằm giúp ngành cá tra phát huy lợi thế, phát triển bền vững.

Đ.VỊNH

Đ.VỊNH - L.DÂN - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên