01/12/2016 17:01 GMT+7

Hà Nội vào tốp 3 thị trường bán lẻ sôi động châu Á

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TTO - Chiều 1-12, chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết như vậy tại hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP Hà Nội và các tỉnh, thành.

Nhiều tỉnh, thành đã mang theo hàng hoá nông sản về trưng bày, giới thiệu trong khuôn khổ hội nghị giao thương kết nối cung cầu hàng hoá giữa Hà Nội với các tỉnh, thành - Ảnh: Xuân Long
Nhiều tỉnh, thành mang theo hàng hóa nông sản về trưng bày, giới thiệu trong khuôn khổ hội nghị - Ảnh: Xuân Long

“Với sự tham gia của doanh nghiệp ở 50 tỉnh, thành trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa và tham gia các hoạt động kết nối đã thể hiện quyết tâm, nỗ lực của Bộ Công thương, các cơ quan trung ương, thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh, thành trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm nông sản Việt Nam tại thị trường Hà Nội” - ông Chung cho hay.

Theo ông Chung, việc kết nối cung cầu hàng hóa đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các địa phương và tăng cường quan hệ hợp tác, gắn bó giữa Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước, hình thành các chuỗi liên kết kinh tế, cộng đồng phát triển bền vững.

“Hà Nội là thị trường tiêu thụ với sức mua lớn của cả nước, hạ tầng thương mại được đầu tư với quy mô lớn, mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước với 21 trung tâm thương mại, 118 siêu thị, 454 chợ, trên 600 hệ thống cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm.

Hằng năm, Hà Nội đón trên 20 triệu lượt khách, trong đó trên 4 triệu lượt khách quốc tế. Về tiềm năng thị trường, hiện nay Hà Nội còn được đánh giá là thị trường bán lẻ mới nổi, được bình chọn đứng thứ 13/19 thị trường bán lẻ sôi động nhất thế giới. Hà Nội lọt tốp 3 TP có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương” - ông Chung cho hay.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong năm 2016, Hà Nội đã hỗ trợ kịp thời các địa phương khi có biến động khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa như vải thiều Hải Dương, Bắc Giang, hành tím Sóc Trăng, dưa hấu Quảng Nam, thanh long Bình Thuận.

Tuy nhiên, bà Lan cũng cho rằng một trong những hạn chế còn tồn tại, đó là tại các tỉnh còn ít những doanh nghiệp lớn làm đầu mối thu mua hàng hóa cho bà con nông dân, đơn vị sản xuất. Vì vậy, đến nay Hà Nội mới kết nối các chương trình cung cấp hàng hóa, thực phẩm với 20 tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cũng cho biết qua hàng trăm cuộc kết nối giúp cho Hà Nội có đầy đủ lượng hàng, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa cho người dân.

“Việc kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh tới hai TP lớn là rất quan trọng. Vì vậy, với hơn 300 doanh nghiệp có nhiều nguồn hàng hóa của các tỉnh, thành, chúng tôi hi vọng sẽ có nhiều hợp đồng được ký kết” - bà Thoa nói.

Tại hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành đều cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung cầu hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch VCCI, việc kết nối cung cầu hàng hóa mới chỉ là kết nối cung cầu phần ngọn, phải nghĩ đến việc kết nối giá trị từ khâu đầu đến khâu cuối.

“Phải thiết lập các chuỗi giá trị sản phẩm từ nuôi trồng, thu hoạch, tổ chức thương mại. Vì vậy, các doanh nghiệp Hà Nội có lợi thế có năng lực phải bám rễ sâu vào chuỗi liên kết này” - ông Lộc lưu ý.

Tại hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội, cho biết có 265 biên bản ký kết cung cầu hàng hóa giữa các doanh nghiệp của Hà Nội với các tỉnh và có 200 cuộc giao thương tại nơi trưng bày, giới thiệu hàng hóa của các tỉnh với Hà Nội.

Theo phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, Hà Nội là địa phương có nhu cầu tiêu dùng lớn về hàng hóa. “Nhu cầu tiêu dùng của thủ đô trong 1 tháng như gạo là 82.600 tấn, thịt lợn hơi 12.800 tấn, thịt bò 4.000 tấn, thịt gà 5.100 tấn, thủy hải sản 5.000 tấn, rau củ quả 83.300 tấn” - bà Lan cho hay.
XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên