17/11/2016 20:00 GMT+7

​Nhật ký mua sắm - Mua hàng trong “giờ vàng”

DŨNG TUấN
DŨNG TUấN

Chen nhau mua một món hàng trong siêu thị, cửa hàng đã trở nên rất hiếm kể từ khi các hệ thống bán lẻ mọc lên ùn ùn khắp thành phố

Thế nhưng, tại nhiều siêu thị, hiện tượng chen chúc mua hàng diễn ra chớp nhoáng vào những khung giờ “đặc biệt” vẫn diễn ra hàng ngày.

Hơn 9h tối, khi chúng tôi dạo quanh khu vực thực phẩm tươi sống tại một siêu thị nằm trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10), một số sản phẩm tươi sống đang được nhân viên chuyển vào kho lạnh, khách đã bắt đầu thưa dần thì ở một góc khác, không khí rôm rả khi những chiếc bánh mì được dán nhãn mác khuyến mãi, với mức giá chỉ bằng ½ so với giá thường, đã được lượng người đông đúc, chen nhau từ trước đó nhanh tay nhặt cho vào giỏ hàng. Cũng tầm giờ đó hôm sau, chúng tôi có mặt tại một siêu thị trên đường Hoàng Văn Thụ (Q. Phú Nhuận), tại quầy bánh mì, bánh ngọt và sushi, khách ngày một tập trung đông đúc hơn để chuẩn bị đón “giờ vàng” giảm giá.

Đủ mọi thành phần, công nhân, sinh viên, người ăn vận giản dị hay sang trọng đều có mặt trong những “giờ vàng”. “Bánh ngọt thường 20.000 đồng, cuối ngày giảm còn 12.000 đồng, hôm nào đi được siêu thị mình đều “me” giờ cuối để mua được giá mềm, tiết kiệm lắm chứ” – chị Thùy Như, đường Ngô Thị Thu Minh (Q.Tân Bình) cho biết.

Phần đông những người tham gia “săn” hàng tươi giá rẻ đều có chung tâm lý tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. “Nhiều người có tâm lý nên còn e dè chứ tui mua hoài, về bảo quản kỹ càng, sử dụng đúng thời hạn thì không có vấn đề gì” – chị Như chia sẻ.

Lựa chọn mua hàng trong “giờ vàng” là lựa chọn mới của nhiều người Ảnh: DŨNG TUấN
Lựa chọn mua hàng trong “giờ vàng” là lựa chọn mới của nhiều người Ảnh: DŨNG TUấN

 

Trong khi đó, khảo sát nho nhỏ nhiều bà nội trợ đi siêu thị cho thấy, việc “săn” hàng giảm giá chớp nhoáng là hoàn toàn bình thường và tiết kiệm được một khoản đáng kể. “Không phải cứ người ít tiền mới mua hàng giảm giá, tiết kiệm và chi tiêu khoa học tôi nghĩ là phương án hợp lý trong thời buổi kiếm tiền ngày càng khó như hiện nay” – chị Sơn Thanh (Q.Phú Nhuận) đánh giá.

Đại diện các hệ thống bán lẻ thừa nhận việc tổ chức giảm giá “chớp nhoáng” cho khách hàng đi mua sắm vào giờ chót ở một số nhóm hàng đã diễn ra được một thời gian. Theo lý giải của các đơn vị bán lẻ, việc này bên cạnh giảm áp lực cho hàng hóa ngày hôm sau, còn thúc đẩy khách mua hàng nhiều hơn, kéo dài thời gian sử dụng sản phẩm tươi sống hơn so với bình thường. “Thông thường, các mặt hàng này đều phải còn hạn sử dụng hoặc ít nhất là còn sử dụng được trong ngày, khách mua về sử dụng ngay hoặc để tới hôm sau vẫn có thể dùng được” – đại diện một hệ thống cho biết.

 

Mới đây, tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) công bố, mỗi năm có khoảng 1,3 tỷ lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực, tương đương với một phần ba sản lượng thực phẩm toàn cầu tại các nước phát triển, trong đó nguồn lương thực từ các siêu thị loại ra do quá thời hạn sử dụng. Con số này còn lớn hơn lượng lương thực, thực phẩm cần thiết để nuôi sống 1 tỷ người đang thiếu đói trên hành tinh. Tại Việt Nam, vẫn chưa có con số thống kê nào được công bố về lượng hàng hóa bị tiêu hủy.

 

DŨNG TUấN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên