09/09/2016 13:32 GMT+7

Bàn giải pháp liên kết sản xuất nông sản

K.NAM - C.QUỐC
K.NAM - C.QUỐC

TTO - Ngày nay, vấn đề liên kết phát triển vùng đã trở thành ưu tiên giải quyết trong tất cả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nông dân huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) trục đất để trồng lúa vụ 3 - Ảnh: K.NAM
Nông dân huyện Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) trục đất để trồng lúa vụ 3 - Ảnh: K.NAM

Tại hội thảo “Liên kết, hợp tác sản xuất nông sản chủ lực tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên” diễn ra sáng 9-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định ngày nay, vấn đề liên kết phát triển vùng đã trở thành ưu tiên giải quyết trong tất cả các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế -xã hội của Việt Nam.

Chính vì vậy, mới đây Chính phủ đã ban hành quyết định về thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020.

Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT dự kiến chia 13 tỉnh/thành ĐBSCL thành 4 tiểu vùng, trong đó tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên gồm: Kiên Giang, An Giang và TP Cần Thơ.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Sánh - Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường ĐH Cần Thơ), quá trình phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL nói chung, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên nói riêng hiện đối mặt với khá nhiều thách thức.

Điển hình là xu thế tụt hậu gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu lúa gạo, trái cây, thủy sản… tăng nhưng nông dân vẫn nghèo. Chưa kể tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp và nông thôn, biến đổi khí hậu… hiện rất đáng lo ngại.

Nông dân huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu - Ảnh: K.NAM
Nông dân huyện Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) thu hoạch lúa hè thu - Ảnh: K.NAM

Từ thực trạng nói trên, Bộ NN&PTNT đã đưa ra 7 nội dung liên kết cho các tỉnh/thành tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên là: liên kết phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi; liên kết bảo vệ quản lý, khai thác tài nguyên nước; liên kết quy hoạch vùng sản xuất; liên kết trong kêu gọi đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, dịch vụ; liên kết xây dựng chuỗi ngành hàng và thương hiệu nông sản; liên kết trong khuyến nghị chính sách chung cho tiểu vùng trong tái cơ cấu nông nghiệp theo kịch bản “nâng cao sinh kế và ứng phó biến đổi khí hậu”, và sau cùng là liên kết để phản hồi chính sách cho Chính phủ.

Đi vào cụ thể, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu định hướng, lúa gạo vẫn tiếp tục là ngành hàng chủ lực của vùng Tứ giác Long Xuyên. Bên cạnh đó, thủy sản cũng là một ngành hàng còn nhiều tiềm năng phát triển.

Về ứng phó biến đổi khí hậu, tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên cần tiếp tục phối hợp giải quyết 3 vấn đề chung là: thoát lũ, nguồn nước tưới và ngăn mặn. Định hướng để giải quyết 3 vấn đề này là phát triển thượng nguồn để trữ nước và điều tiết lũ ra biển Tây.

Các vấn đề còn lại của tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên là thiết lập hệ thống thông tin chung, xây dựng cơ chế liên kết huy động nguồn lực và công tác tổ chức cho liên kết tiểu vùng.

K.NAM - C.QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên