03/05/2016 14:41 GMT+7

Dẹp chợ tự phát không xuể

TTO - Xử phạt chợ tự phát là có nhưng các lực lượng không thể ngày nào cũng đến các điểm này để lập biên bản thu mớ rau, thau cá của những người bán...

Khi nào người tiêu dùng còn chấp nhận mua thực phẩm từ các chợ này, không để ý nguồn gốc ở đâu thì không bao giờ xóa được chợ cóc, chợ tạm

Ông Lê Thành Tài - chủ tịch UBND P.13, Q.Gò Vấp - cho biết đã thực hiện nhiều giải pháp từ tuyên truyền vận động, xử phạt, cử lực lượng túc trực tại các điểm chợ tự phát như trục đường Lê Đức Thọ (gần cầu Trường Đai), đường Thống Nhất (đoạn gần cầu Bến Phân)... nhưng tình trạng mua bán, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè tại các khu vực này chỉ lắng được một thời gian thì tái diễn.

"Bắt cóc bỏ dĩa"

UBND Q.Gò Vấp cũng từng giao cho UBND P.13 tiến hành vận động những hộ kinh doanh trên các điểm tự phát vào các chợ Hạnh Thông Tây, Gò Vấp nhưng việc vận động này không đạt hiệu quả do việc thuê mặt bằng tại các điểm tự phát rẻ hơn nhiều so với chi phí khi vào các chợ chính thức.

“Xử phạt là có nhưng các lực lượng không thể ngày nào cũng đến các điểm này để lập biên bản thu mớ rau, thau cá của những người bán, đó là chưa kể quá trình xử lý tạo ra sự giằng co trong việc tạm thu tang vật, tạo ra hình ảnh phản cảm.

Qua khảo sát có tới 80% người buôn bán tại các điểm tự phát là dân nhập cư nên việc xử lý cực kỳ khó khăn” - ông Tài chia sẻ.

Vậy khi nào UBND P.13 mới giải quyết triệt để các điểm kinh doanh tự phát trên địa bàn? Ông Tài không nói thời gian cụ thể nhưng cho rằng cần có thời gian và lộ trình, trước mắt sẽ tập trung lực lượng tuyên truyền vận động và xử lý khu vực tự phát trên đường Thống Nhất, sau đó tập trung cho khu vực đường Lê Đức Thọ.

Ông Lê Hoàng Hà - chủ tịch UBND Q.Gò Vấp - nhìn nhận việc đa dạng các hình thức kinh doanh, mua bán phục vụ đời sống người dân ở địa bàn dân cư vẫn tồn tại, vấn đề là phải được sắp xếp cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Ông Hà cho rằng việc kinh doanh của các hộ cá thể vẫn là loại hình phù hợp với đời sống của người dân, đặc biệt trên địa bàn Q.Gò Vấp.

Theo ông Hà, điều quan trọng việc mua bán này phải được sắp xếp theo các tiêu chí: mỹ quan đô thị, trật tự lòng lề đường, đảm bảo an toàn giao thông, tạo điều kiện để quản lý về vệ sinh an toàn thực phẩm. Với tinh thần như vậy, UBND Q.Gò Vấp đã có chỉ thị tập trung thực hiện từ đầu năm 2016.

Tương tự, ông Lê Văn Quang - phó chủ tịch UBND P.11, Q.Bình Thạnh - cũng nói việc giải quyết các điểm buôn bán tự phát trên địa bàn cần ít nhất khoảng ba năm mới thực hiện triệt để. Để làm được việc này, TP cần có thêm cơ chế và thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng dẹp chợ này nhưng vẫn để chợ khác dẫn đến sự phân bì.

Ông Quang cho biết quy định cơ bản đầy đủ nhưng khi lập biên bản xử lý một trường hợp vi phạm cũng không dễ dàng, bởi phần lớn những người buôn bán tại các điểm tự phát là dân nhập cư, vì miếng cơm manh áo...

Hình thành thói quen mua sắm văn minh, an toàn

Theo một cán bộ Sở Công thương TP.HCM, chợ tự phát mà mọi người vẫn thường nhắc hằng ngày chính xác là “điểm kinh doanh tự phát” hay còn gọi là chợ cóc, chợ tạm, chợ vỉa hè chưa bao giờ được thừa nhận nhưng lại đang phát triển khá mạnh.

Chợ này xuất hiện len lỏi giữa khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân đi làm, bận rộn không có thời gian ghé vào siêu thị hay đi chợ truyền thống.

Các điểm tự phát này hoạt động không có một cơ quan chức năng nào quản lý, không đóng tiền thuế... làm thất thu ngân sách nhà nước một khoản tiền khá lớn, không chỉ vậy việc phát triển tự phát còn gây ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vấn đề dẹp “chợ tự phát” được TP.HCM đề cập và triển khai từ lâu nhưng đến nay không có hiệu quả mà ngày càng phát triển một cách rầm rộ khiến tình trạng quản lý an ninh trật tự khó đảm bảo, ùn tắc giao thông, chưa kể đe dọa đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, cạnh tranh thiếu lành mạnh với tiểu thương trong chợ truyền thống.

Làm sao để dẹp “chợ tự phát” luôn là câu hỏi lớn đối với cơ quan chức năng từ nhiều năm nay. Nhiều ban quản lý chợ từng cho rằng chính tập quán mua sắm “tiện đâu mua đó” của người tiêu dùng đã giúp chợ tự phát hình thành, vì vậy để dẹp chợ này thì cũng nên bắt đầu từ lý do đó.

Khi nào người tiêu dùng còn chấp nhận mua thực phẩm từ các chợ này, không để ý nguồn gốc ở đâu thì không bao giờ xóa được chợ cóc, chợ tạm.

Việc cần làm là nâng cao nhận thức của người dân về thói quen mua sắm văn minh, an toàn. Thứ hai là phải đẩy mạnh phát triển hệ thống các cửa hàng tiện lợi hiện đại. Sau khi dẹp chợ cóc thì tìm mặt bằng cho người buôn bán nhỏ, tạo công ăn việc làm có thu nhập... “Nhưng để gom họ vào đây cũng khó do họ ngại thuế má, tính linh động trong buôn bán cũng kém hơn” - vị cán bộ trên cho biết.

Hiện Sở Công thương TP.HCM đang khẩn trương hoàn thiện đề án quy hoạch thị trường bán lẻ TP.HCM, trong đó vai trò của chợ tạm cũng được đề cập.

Kiến nghị dẹp 100% chợ tự phát

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh vừa đề xuất UBND TP kiến nghị Chính phủ cho phép thí điểm thành lập cơ quan quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM.

Cơ quan này trực thuộc UBND TP có đủ nhân sự, năng lực, quyền hạn để có thể kiểm soát an toàn thực phẩm từ khâu nuôi, trồng đến bàn ăn. Trên cơ sở đó hướng tới việc thành lập mô hình quản lý thực phẩm, dược phẩm tập trung như tại các nước Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan...

Sở Y tế cũng kiến nghị xây dựng các tiêu chí hành chính về an toàn thực phẩm để kiểm soát, ngăn chặn thực phẩm không an toàn vào TP; tiếp tục thực hiện đề án xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo “chuỗi thực phẩm an toàn” trong giai đoạn 2016-2020.

Đặc biệt Sở Y tế kiến nghị phải giải tỏa 100% các chợ tự phát, đồng thời kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ truyền thống.

TS Nguyễn Minh Hòa: Nên chuyển sang hình thức mới

Vì sự tiện lợi và nhu cầu nên tôi nghĩ việc TP.HCM muốn dẹp 100% chợ tự phát là rất khó khả thi. Thực tế chứng minh dù TP có xây chợ mới, dẹp các chợ cũ nhưng nó vẫn cứ tồn tại, đó là chưa kể nhiều chợ tự phát mọc lên ở những khu dân cư mới.

Vì vậy, thay vì ta nghĩ cần phải dẹp hết các chợ tự phát này thì nên chuyển sang một hình thức mới phù hợp mà giá trị thay thế tương đương với giá trị cũ.

Nói về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, ai cũng biết tại nhiều chợ tự phát kém, hàng hóa không rõ nguồn gốc, khó kiểm soát chất lượng... nhưng thực tế vì sao vẫn có nhiều người mua. Bởi vì nó phù hợp với túi tiền, cuộc sống, thậm chí thời gian của nhiều người, nhất là tầng lớp công nhân lao động.

 

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên