07/10/2015 00:03 GMT+7

Vừa xuống Nội Bài, Thứ trưởng Bộ Công thương trả lời về TPP

Q. TRUNG - C.V.KÌNH
Q. TRUNG - C.V.KÌNH

TTO - Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh với báo chí tại sân bay Nội Bài sau khi trở về từ cuộc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở thành phố Atlanta (Mỹ).

Ông Trần Quốc Khánh, thứ trưởng Bộ Công thương, trưởng đoàn đàm phán TPP, khi vừa về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) - Ảnh: Cầm Văn Kình

Thứ trưởng Khánh chia sẻ rằng Việt Nam đã có đóng góp lớn khi nỗ lực cùng tất cả các nước kết thúc đàm phán, trong đó có cả các vấn đề đàm phán đa phương.

Ông Khánh cho biết Việt Nam đã kết thúc đàm phán dệt may với Hoa Kỳ và Mexico vào nửa đêm 4-10, tức là sáng 5-10 (giờ VN). Sau đó vào lúc 3g30, Việt Nam kết thúc đàm phán với Hoa Kỳ về quyền sở hữu trí tuệ. Đến 4g20 giờ Atlanta (3g20 chiều giờ Hà Nội), thì cuộc đàm phán song phương giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ kết thúc.

Thời điểm nút thắt nhất là lúc tìm thoả thuận cho vấn đề thời gian bảo hộ độc quyền dữ liệu thực nghiệm cho sinh dược. Đến chiều 4-10, khi nhận thấy tất cả các nước đều thống nhất về vấn đề này, thì chúng ta biết TPP sẽ đạt được.

Ông Khánh cho biết Việt Nam có nhiều lợi ích khi tham gia TPP như có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nhiều hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng mới sẽ được hình thành trong khu vực TPP. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, tạo thêm công ăn việc làm, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, qua đó giúp tránh phụ thuộc quá mức vào thị trường Đông Á.

Về ngành dệt may và da giầy, ông Khánh cho biết Việt Nam sẽ có cơ hội lớn vì thuế nhập khẩu dệt may và da giầy trong các thị trường quan trọng như Hoa Kỳ sẽ được đưa về 0%. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của Việt Nam là sự cạnh tranh sẽ khắc nghiệt hơn.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho rằng tham gia TPP là sức ép rất lớn để bắt buộc các quan chức nhà nước phải thay đổi tư duy, lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm phục vụ, vì TPP là một hiệp định tiêu chuẩn cao, trong đó tiêu chuẩn về minh bạch hoá, chống tham nhũng rất cao. Cụ thể sức ép ở đây là tạo thuận lợi hơn cho chương trình cung ứng, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Khánh khẳng định Việt Nam đủ sức vào TPP vì đã có 20 năm kinh nghiệm hội nhập quốc tế. Tuy vậy, ông cũng thừa nhận sẽ có những ngành khó khăn, đặc biệt là nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi.

“Dù kết quả đàm phán chưa được công bố nhưng chúng ta có ít nhất 10 năm chuẩn bị, trước khi thuế được hạ về 0%. Chúng tôi rất hi vọng chúng ta sẽ nỗ lực tái cơ cấu nông nghiệp, làm sao cho nông nghiệp của chúng ta lớn hơn nữa, để chúng ta có thể chiến thắng trên sân nhà. Không có lý do gì, chúng ta lại không chiến thắng trên sân nhà,” ông Khánh tự tin nói.

Trả lời câu hỏi làm sao các doanh nghiệp tận dụng được TPP, ông Khánh cho biết mỗi doanh nghiệp nhìn TPP với một góc độ khác nhau, không có câu trả lời chung cho doanh nghiệp thuỷ sản hay doanh nghiệp dệt may.

“Các doanh nghiệp chúng ta rất năng động. Nếu họ có tư duy đúng đắn, tư duy hết sức tiến công thì sẽ tận dụng được. Dù nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nếu doanh nghiệp xác định được rằng mình phải tự làm những gì mình có thể làm được trước khi kêu gọi sự giúp đỡ của nhà nước thì chúng ta chắc chắn sẽ thành công,” ông Khánh nói.

Q. TRUNG - C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên