29/07/2015 12:08 GMT+7

Tăng ngân sách TP.HCM: Lợi nhiều hơn thiệt

TRẦN VŨ NGHI thực hiện
TRẦN VŨ NGHI thực hiện

TT - Sau khi Tuổi Trẻ đưa ý kiến về việc cần tăng ngân sách cho TP.HCM nhằm tạo thêm động lực phát triển TP được đúng tầm vóc, năng lực của mình, nhiều bạn đọc ủng hộ đề xuất này.

Bến Lức - Long Thành là dự án có chi phí cao nhất so với các đường cao tốc khác. Mỗi kilômet cao tốc Bến Lức - Long Thành tốn khoảng 554 tỉ đồng. Trong ảnh: thi công cọc nhồi đoạn qua huyện Cần Giờ (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa
Bến Lức - Long Thành là dự án có chi phí cao nhất so với các đường cao tốc khác. Mỗi kilômet cao tốc Bến Lức - Long Thành tốn khoảng 554 tỉ đồng. Trong ảnh: thi công cọc nhồi đoạn qua huyện Cần Giờ (TP.HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, khẳng định: “Vấn đề cần tăng ngân sách nhà nước (NSNN) cho TP.HCM không phải bây giờ mới được đề cập, mà đã được nói nhiều trong những năm gần đây.

Trong một nghiên cứu mới nhất mà chúng tôi thực hiện cách đây vài tháng, khi so sánh với các thành phố của các quốc gia trong khu vực, TP.HCM hầu như không đạt được bất cứ chỉ tiêu nào về phát triển đô thị, kể cả theo hướng ngang bằng hay tiệm cận với các thành phố khác trong khu vực dù TP.HCM hiện là địa phương dẫn đầu cả nước về mọi mặt.

Kết quả này làm chúng tôi rất trăn trở bởi mức độ đòi hỏi về sự phát triển của TP.HCM đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt ở phương diện ngân sách".

* Ông nhận định như thế nào khi nhiều ý kiến cho rằng việc phân bổ NSNN theo kiểu “cào bằng” trong thời gian qua đã không tạo động lực phát triển cho các địa phương?

- Theo dữ liệu quyết toán ngân sách năm 2012, TP.HCM thu ngân sách hơn 235.000 tỉ đồng nhưng chỉ được chi ngân sách 53.600 tỉ đồng, trong khi Hà Nội chỉ thu 176.000 tỉ đồng nhưng được chi ngân sách lên đến 77.500 tỉ đồng.

Nếu xét về con số tương đối, tỉ lệ chi so với thu ngân sách của TP.HCM xếp kế cuối, tức thứ 62/63 tỉnh thành cả nước, chỉ trên được mỗi Bà Rịa - Vũng Tàu! Trong khi đó, theo tôi, lý tưởng nhất là phần chi ngân sách của TP.HCM ít nhất phải được tương xứng với tỉ lệ GDP mà TP.HCM đóng góp cho cả nước.

Vấn đề của chúng ta hiện nay là “chiếc bánh” ngân sách được chia sẻ cho 63 tỉnh, thành trong khi chỉ có 13 tỉnh, thành đóng góp cho “chiếc bánh” này (có ngân sách chuyển về cho trung ương), 50 tỉnh còn lại phụ thuộc chi bổ sung cân đối từ trung ương.

Nhưng nghịch lý ở chỗ nhiều địa phương không có nguồn thu ngân sách nộp về cho trung ương nhưng lại có mức chi ngân sách cao hơn rất nhiều so với các địa phương có nguồn thu đóng góp cho trung ương.

Ví dụ, trong dự toán ngân sách năm 2015, tổng thu ngân sách dự toán của tỉnh Điện Biên là 727 tỉ đồng, nhưng mức chi dự toán khoảng 4.600 tỉ đồng, nghĩa là chi nhiều gấp 6 lần (600%) mức thu, trong khi TP.HCM chỉ là 16%.

Do đó, theo tôi, giải pháp để giải quyết mâu thuẫn trong phân bổ ngân sách là cần rà soát nghiêm túc các cân đối và phân bổ theo hướng tạo động lực cho tất cả các địa phương, kể cả các địa phương phát triển lẫn địa phương chưa phát triển. Vì hiện nay động cơ khuyến khích phát triển của chúng ta đang đi ngược hướng, càng làm ra nhiều càng bị phạt, càng làm không tốt, yếu kém thì càng được thưởng.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: Duyên Phan
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: Duyên Phan

* Có ý kiến cho rằng ngân sách nên tập trung phát triển cho TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thay vì chỉ riêng cho TP.HCM?

- Cơ chế phân bổ NSNN hiện nay đang theo hai mục tiêu, vừa công bằng nhưng vừa phải hiệu quả, trong đó Nhà nước đang đặt trọng số công bằng (tỉnh/thành nào cũng có) cao hơn trọng số hiệu quả (tập trung nguồn lực tài chính về nơi có khả năng mang lại hiệu quả).

Tôi không thiên lệch về thái cực nào nhưng tập trung nhiều hơn vào phương diện hiệu quả với tỉ lệ hiệu quả - công bằng ước lệ là 80 - 20. Đứng trên bình diện tổng thể quốc gia, chúng ta không thể dành toàn lực cho bài toán hiệu quả mà không quan tâm khía cạnh công bằng.

Nếu chỉ tập trung phát triển mà không giải quyết bài toán phân phối cũng không được, vì có nguy cơ làm nảy sinh các vấn đề xã hội, mà chi phí giải quyết đôi khi lại lấy mất đi phần hiệu quả. Tôi xin nhấn mạnh Nhà nước phải chấp nhận đánh đổi khi quyết định, chứ không thể vừa muốn cái này và cũng muốn được cái kia.

Như vậy, ưu tiên của Nhà nước là làm sao “chiếc bánh” ngân sách phải được to hơn, thay vì chỉ chú trọng vào việc cắt được nhiều lát bánh, nhưng chỉ cắt trên một chiếc bánh nhỏ. Muốn vậy, việc tăng ngân sách cho TP.HCM sẽ lợi nhiều hơn cho trung ương.

Có thể trong ngắn hạn trung ương mất đi một phần ngân sách nhất định. Nhưng bù lại, TP.HCM sẽ giải quyết được rất nhiều các nút thắt tăng trưởng của mình, lấy đà để phát triển mạnh hơn nữa. Lúc đó “chiếc bánh” ngân sách mà TP.HCM có đóng góp sẽ to hơn rất nhiều, Nhà nước sẽ được lợi vô cùng, đặc biệt nếu xét trên khía cạnh phát triển lâu dài.

* Ông có cho rằng TP.HCM nên tiếp tục đi vay để đầu tư, ngay cả khi được chi đủ ngân sách?

- So với các địa phương khác, đúng là TP.HCM vẫn có lợi thế hơn trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư của xã hội. Chính vì vậy, những dự án đầu tư nào có thể thu hút được nguồn lực bên ngoài (xã hội hóa, tư nhân hóa, hợp tác công tư), TP.HCM nên tận dụng ưu thế này để đầu tư vào hạ tầng giao thông, cảng biển...

Việc vay nợ sẽ tạo yếu tố tích cực là giảm bớt gánh nặng ngân sách cho hiện tại, tạo động lực giám sát từ bên thứ ba, giúp chủ đầu tư sử dụng vốn cẩn trọng và hiệu quả hơn, loại bỏ các dự án kém hiệu quả. Nhưng đổi lại, nó sẽ tạo ra gánh nặng nghĩa vụ nợ trong tương lai, cũng như phát sinh tâm lý ỷ lại (moral hazard), đặc biệt khi được bảo lãnh của Chính phủ. Bởi sẽ có tâm lý nhiệm kỳ, tức dồn trách nhiệm cho nhiệm kỳ sau.

Để tình trạng này không xảy ra, tốt nhất phải có một cơ chế giám sát thật đặc biệt, với trách nhiệm giải trình lẫn ràng buộc rõ ràng cho người đứng đầu.

Cũng nói thêm là nếu nhìn vào không gian tài khóa của TP.HCM, chúng ta còn rất nhiều dư địa để tiếp tục đi vay. Vì quy mô thị trường trái phiếu chính quyền địa phương của VN nhìn chung còn rất thấp so với các nước trên thế giới, trong khi nhu cầu vay của TP.HCM rất lớn, năng lực của TP.HCM cũng đủ sức đảm bảo nghĩa vụ tài chính này.

Cứ thử so sánh, nếu để Điện Biên đi vay, ngoài lãi suất cao (do yếu tố rủi ro đầu tư cao), cuối cùng TP.HCM cũng sẽ trả nợ thay. Bởi lẽ khả năng Điện Biên không thể trả được nợ là rất lớn, khi đó ngân sách trung ương phải gánh, nói cách khác là TP.HCM và một số tỉnh khác phải trả thay.

Nhưng nếu TP.HCM đi vay, lãi suất sẽ thấp hơn vì chắc chắn xếp hạng tín nhiệm của TP.HCM phải cao hơn Điện Biên nhiều, nhờ đó giúp giảm gánh nặng tài chính cho NSNN. Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là phải kiểm soát được gánh nặng vay nợ nếu không muốn bị đổ vỡ dây chuyền như trường hợp các địa phương của Trung Quốc.

* Nếu chi NSNN được tăng lên, theo ông, TP.HCM nên tập trung đầu tư vào các hạng mục nào?

- Nút thắt lớn nhất mà TP.HCM cần gỡ là cơ sở hạ tầng, gồm cơ sở hạ tầng cứng (kết cấu hạ tầng) và cơ sở hạ tầng mềm, tức tri thức và khoa học công nghệ.

Nếu có nguồn lực tài chính, tôi nghĩ TP.HCM cần nâng cấp và đồng bộ hóa cơ sở hạ tầng cứng để tạo sự kết nối tốt, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ngoài ra, TP.HCM cũng cần tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng mềm. Chỉ đầu tư cho khoa học công nghệ, tri thức mới có thể giúp TP.HCM bứt phá lên được, ít nhất là tiệm cận với các thành phố trong khu vực thay vì chỉ bằng lòng với vị trí dẫn đầu trong nước như hiện nay.

Ông Trần Du Lịch (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM):

TP.HCM đã từng được phân bổ tới 32% nguồn thu nội địa

Không chỉ ở TP.HCM, từ lâu đã có quan điểm là muốn hầu hết các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu phải có giai đoạn tập trung nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng “đi trước một bước”. Nôm na gọi là đầu tư để tạo nguồn thu, lợi tức cho Nhà nước trong tương lai, và phải nuôi dưỡng nguồn thu này.

Tuy nhiên, nhiều năm qua đề xuất này vẫn chưa thể thực hiện được do tư tưởng “cào bằng” trong phân bổ ngân sách. Nhưng ngay cả khi không “cào bằng”, quan điểm của tôi là không chỉ tập trung phát triển riêng cho TP.HCM mà cần tập trung phát triển cho cả một vùng kinh tế trọng điểm nhằm tạo một bước phát triển nhanh hơn. Như vậy sẽ tạo ra nguồn thu lớn cho đất nước về mặt lâu dài, tức đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu. Và tôi nghĩ nên nhìn ở góc độ này hơn là chỉ tập trung phát triển riêng cho TP.HCM.

Với Luật ngân sách mới vừa được Quốc hội thông qua, sắp tới cũng cần phải làm rõ hơn một số điểm, vì trong Luật ngân sách mới có đề cập đến việc ổn định nguồn phân chia ngân sách trong năm năm.

Nghĩa là sắp tới TP.HCM phải tính toán làm sao cho phù hợp, vì thực tế TP.HCM đã từng được phân bổ tới 32% nguồn thu nội địa nhưng sau đó có bị giảm dần xuống do nguồn chi của các nơi khác “phình to” ra, bắt buộc phải ngắt bớt của TP để chia. Do đó, quan điểm của tôi khi thiết lập Luật ngân sách mới là cố gắng làm sao rạch ròi được phần của địa phương để bảo đảm được các khoản, hạng mục đầu tư.

Tuy nhiên, theo Luật ngân sách mới, tôi được biết sẽ cho phép TP.HCM được vay bằng 60% tổng nguồn thu giao cho địa phương, nên khả năng tăng thêm nguồn ngân sách cho TP là có. Và nguồn ngân sách này cần dốc toàn lực cho đầu tư hạ tầng, giao thông, khắc phục và phòng chống triệt để tình trạng biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng ngập lụt gần như vẫn chưa kiểm soát được. Đây là vấn đề lớn của TP cần được giải quyết triệt để, chứ không thể theo hướng tạm bợ được.

TRẦN VŨ NGHI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên