30/05/2015 08:24 GMT+7

Minh bạch trước khi muốn tự chủ

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Các doanh nghiệp hào hứng trước quy định tự chứng nhận xuất xứ. Tuy nhiên để làm được việc này, DN phải có một bộ phận chuyên trách vấn đề C/O thật chuyên nghiệp.

Trong khi chờ Bộ Công thương ban hành thông tư hướng dẫn việc doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ (C/O) cho hàng hóa xuất khẩu sang Lào, Indonesia và Philippines thay vì phải xin cấp C/O (form D) cho từng lô hàng như hiện nay, không ít doanh nghiệp là nhà sản xuất - nhưng có hàng hóa xuất khẩu - tỏ ra khá hào hứng.

Bà Kim Uyên, phụ trách xuất nhập khẩu Công ty CP Garmex Sài Gòn, cho hay với mức phí 20.000-50.000 đồng/bộ hồ sơ do Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI, chi nhánh TP.HCM) hoặc tại văn phòng 2 (Bộ Công thương, TP.HCM) cấp khi làm thủ tục cấp C/O, mỗi năm chi phí hành chính mà Garmex trả cho khoản này tầm 25-30 triệu đồng. Chi phí mẫu đơn cấp C/O không lớn, nhưng doanh nghiệp sẽ được lợi rất lớn nhờ tiết kiệm thời gian nếu tự thực hiện việc chứng nhận” - bà Kim Uyên nói.

Với các doanh nghiệp có lượng hàng xuất khẩu trên hàng trăm triệu USD/năm, tất nhiên chi phí hành chính khi làm thủ tục cấp C/O sẽ lớn hơn khá nhiều. Hiện doanh nghiệp mất một ngày đợi VCCI cấp cho các form A hoặc B, và mất khoảng ba ngày đợi Bộ Công thương cấp cho các form E, D hoặc AK.

So với nhiều năm trước, các doanh nghiệp cho rằng việc cấp C/O từ các cơ quan chức năng hiện đã thông thoáng và thoải mái hơn rất nhiều. “Nhưng nếu để mình tự làm thì tính tự chủ của doanh nghiệp sẽ được phát huy tối đa” - giám đốc một doanh nghiệp cho biết.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thu Hương, giám đốc Trung tâm Xác nhận chứng từ thương mại (VCCI), cho rằng về mặt kỹ thuật, các doanh nghiệp sẽ chờ Bộ Công thương hướng dẫn cách thực hiện việc tự chứng nhận. Nhưng đổi lại, doanh nghiệp phải có một bộ phận chuyên trách vấn đề C/O thật chuyên nghiệp.

“Bộ máy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng phải hết sức minh bạch, lành mạnh thì mới dám chọn cách thực hiện này. Nếu không, họ vẫn có thể chọn cách đến cơ quan chức năng như hiện nay” - bà Thu Hương nói.

Với cơ chế doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất xứ mà họ đưa ra, cũng như các hóa đơn chứng từ đi kèm, rõ ràng dù được chủ động, linh hoạt, thuận lợi lẫn tiết kiệm vì “tự mình làm cho chính mình”, nhưng rủi ro sẽ tìm đến doanh nghiệp nếu bản thân cố tình gian lận hoặc nghiệp vụ về quy tắc xuất xứ còn “mù mờ”.

Một cơ chế giám sát mà cơ quan quản lý cũng phải tính đến trong suốt quá trình doanh nghiệp thực hiện, kể cả khâu hậu kiểm, là vô cùng cần thiết. Vì nếu chỉ cần một doanh nghiệp tự chứng nhận C/O bị phát hiện gian lận “thì không chỉ cá nhân doanh nghiệp đó bị ảnh hưởng, mà nguy cơ cả một ngành sản xuất sẽ bị “vạ lây” do các nước nhập khẩu có thể từ chối luôn C/O tự chứng nhận của cả ngành hàng đó” - bà Thu Hương cảnh báo.

“Tôi nghĩ cơ quan chức năng phải có chính sách kiểm tra định kỳ, thậm chí đột xuất và cần có mức phạt rất nặng để ngăn chặn những... hành vi xấu có thể xảy ra. Đừng để vì một con sâu mà phải đổ nguyên cả nồi canh thì thật đáng tiếc” - ông Đ.T., tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thép, nói.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên