25/05/2015 18:00 GMT+7

​Thương lái Trung Quốc vỗ từng quả dưa thì làm gì có bình đẳng

LÊ KIÊN ghi
LÊ KIÊN ghi

TTO - "Bài toán nông nghiệp cần có đánh giá, phân tích kỹ hơn và định hướng giải pháp phải căn cơ hơn. Đừng đổ lỗi cho bà con nông dân".

Đại biểu Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế trung ương
Đại biểu Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế trung ương

Dành phần lớn thời gian phát biểu tại phiên thảo luận tổ Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội để phân tích câu chuyện đang nóng trong lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ - Trưởng ban Kinh tế trung ương đã nói như vậy trong chiều 25-5.

Đất Quảng Nam trồng dưa hấu là tối ưu nhất rồi

Ông Vương Đình Huệ nói: "Những tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp so với cùng kỳ nhiều năm nay, xuất khẩu nông sản sụt giảm, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Qua báo chí chúng ta thấy bộ nọ ngành kia phải đi bán hành tím, dưa hấu, rồi ách tắc trên cửa khẩu. Chúng tôi cũng đã có đoàn lên tận cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để khảo sát”.

Theo ông Vương Đình Huệ, vấn đề đặt ra là bài toán nông nghiệp cần có đánh giá, phân tích kỹ hơn và định hướng giải pháp phải căn cơ hơn.

“Nhiều người nói rằng chuyện dưa hấu, hành tím vừa rồi chủ yếu là do vấn đề quy hoạch, kế hoạch. Tôi nghĩ không hẳn là như vậy. Ví dụ như với đất cát của bà con Quảng Nam thì chỉ trồng dưa hấu thôi chứ có trồng được cây gì khác nữa đâu, trồng dưa hấu là tối ưu nhất rồi. Chúng tôi lên cửa khẩu thì thấy bán dưa hấu sang Trung Quốc cũng chưa đáng bao nhiêu, trong khi thị trường Trung Quốc còn rộng lớn lắm.

Trong khi đó vải thiều, nhãn Hưng Yên người ta mua hết từ lúc mới ra hoa (khi ra hoa người ta ước cây này hai triệu, cây này ba triệu và đặt tiền luôn), khi thu hoạch được phân loại tại vườn, đóng gói và lên xe chở sang Trung Quốc rất ngon lành. Thanh Long cũng được thu hoạch, phân loại tại vườn nên không ách tắc lắm.

Riêng dưa hấu khối lượng vận tải lớn mà giá trị thì cực nhỏ, chở cả xe sang chợ của Trung Quốc người ta lại vỗ từng quả dưa để chọn. Thông quan cũng khó khăn, mỗi ngày cửa khẩu Tân Thanh chỉ thông quan được khoảng 300 mà số lượng lên đến 600-700 thì ách tắc. Cho nên vấn đề đâu chỉ là sản xuất, mà vấn đề còn là công nghệ thu hoạch, bảo quản, vận tải, tiêu thụ…, tôi nghĩ những chuyện này chúng ta hoàn toàn có thể làm được” - Trưởng ban KInh tế trung ương nói.

“Tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề liên kết trong sản xuất nông nghiệp, mà quan trọng nhất là liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân. Nơi nào nông dân có doanh nghiệp chống lưng thì vấn đề tiêu thụ ổn. Ví dụ như những cánh đồng mẫu lớn của bà con nông dân gắn với Công ty bảo vệ thực vật An Giang, hoặc sữa gắn với Vinamilk thì sản xuất rất ổn định, thị trường bền vững” - ông Huệ nói.

Theo ông Vương Đình Huệ, cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, gắn với các hợp đồng nông sản. "Dưa hấu xuất khẩu dựa vào 12 doanh nghiệp rời rạc, không có sự liên kết, cũng không có hợp đồng nông sản với nông dân, chỉ là đi gom hàng rồi vận chuyển sang Trung Quốc bán" - ông Huệ nói.

Chưa có bình đẳng thương mại

Theo Trường ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ, câu chuyện bình đẳng thương mại tại cửa khẩu cũng đặt ra rất nhiều vấn đề. "Cửa khẩu Tân Thanh thì chúng ta gọi là cửa khẩu chính nhưng Trung Quốc chỉ coi là cặp chợ thôi, tức là bên họ có một chợ bên ta có một chợ. Làm sao mà bình đẳng được trong khi bên kia có chợ mà bên ta không có chợ”.

“Các đại biểu có thể hình dung là sản phẩm của ta mà lại phải mang sang bên kia biên giới bán cho thương lái Trung Quốc, để cho thương lái Trung Quốc vỗ từng quả dưa thì làm sao có bình đẳng thương mại. Hiện nay không có bình đẳng thương mại ở Tân Thanh, đây cũng là nguồn gốc của việc ách tắc các mặt hàng như dưa hấu, hải sản tươi sống…”, ông Huệ nhấn mạnh.

Theo ông Vương Đình Huệ, cần có chính sách đầu tư hạ tầng tại các cửa khẩu thương mại, đặc biệt là các khu trung chuyển hàng hóa, kho bãi đáp ứng yêu cầu bảo quản hàng hóa. "Ví dụ như ở Tân Thanh nếu chúng ta có chợ, người Trung Quốc phải sang mua hàng hóa Việt Nam tại chợ Việt Nam thì làm gì có chuyện chúng ta bị thương lái họ ép như thế?” - Ông Huệ nói.

“Trong khi hàng của họ sang qua cửa khẩu rồi cứ đàng hoàng tiến vào đất của ta, bởi tất cả hàng hóa của họ đều có hợp đồng thương mại. Trong khi 12 cái ông đầu nậu dưa hấu của chúng ta chẳng thấy xuất hiện, chỉ thấy những người chở thuê sang tận đất người ta rồi giá cả thế nào cũng chẳng biết. Nếu người Trung Quốc phải sang Việt Nam mua hàng Việt Nam và chúng ta sang Trung Quốc mua hàng Trung Quốc thì mới có bình đẳng thương mại” - ông Huệ phát biểu.

Ông Huệ thừa nhận đây không phải là vấn đề quy hoạch, cũng đừng đổ lỗi cho bà con, đây là lỗi của chúng ta. Cần phải tổ chức lại thương mại trong nước, gắn với thương mại biên giới. 

LÊ KIÊN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên