05/05/2015 08:33 GMT+7

​Thủ tục và tỉ giá làm khó xuất khẩu

C.V.KÌNH
C.V.KÌNH

TT - Các mặt hàng nông, thủy sản đang giảm mạnh về lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu...Tại sao? Lám gì để hỗ trợ doanh nghiệp?

Thu hoạch cà phê ở xã biên giới Ia Krai, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai - Ảnh: Tiến Thành

Ngày 4-5, Bộ Công thương đã làm việc với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản bàn giải pháp hỗ trợ xuất khẩu các mặt hàng nông, thủy sản vốn đang giảm mạnh về lượng cũng như kim ngạch xuất khẩu...

Theo cục phó Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công thương, trong bốn tháng đầu năm, tổng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của VN đạt khoảng 8,5 tỉ USD, giảm trên 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thủy sản giảm 15%, cà phê giảm hơn 38%...

Tỉ giá, chất lượng... khiến giảm xuất khẩu

Ông Nguyễn Viết Vinh, Hiệp hội Cà phê, cho biết giá cà phê năm 2015 có diễn biến “lạ”, dù thiếu hụt cung và tiêu thụ thế giới tăng nhưng giá vẫn thấp. Nguyên nhân, theo ông Vinh, là do “vấn đề tỉ giá”. Ông Vinh cho biết Brazil - đối thủ cạnh tranh lớn của VN, và cả Indonesia đều giảm tỉ giá để hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời đề nghị giảm tỉ giá VND từ 1-1,5% để hỗ trợ xuất khẩu, nhất là trong lúc đang khó khăn.

Theo ông Chu Xuân Ái, Bộ Công thương cần tìm hiểu xem liệu có “rào cản thuốc bảo vệ thực vật thật không” đối với trà VN khi xuất sang thị trường Đài Loan.

Ông Ái cho biết “có nghe” được thông tin có chính trị gia Đài Loan làm trà ở Trung Quốc, muốn hạn chế bớt trà VN. Đặc biệt, ở Đài Loan từng có thông tin trà Lâm Đồng trồng trên đất nhiễm dioxin nhưng thực tế không có.

Bản thân hàng xuất khẩu của doanh nghiệp này cũng đều kiểm tra trước khi xuất khẩu và không có vi phạm nhưng vẫn bị thông báo sản phẩm có dư lượng hai, ba loại chất không được phép.

“Rất khó hiểu” - ông Ái nói. 

Báo cáo của Bộ Công thương cũng đánh giá do giá dầu thô giảm, nhiều quốc gia đã duy trì chính sách giữ giá đồng nội tệ ở mức thấp để thúc đẩy xuất khẩu, khiến xuất khẩu của VN gặp bất lợi.

Cụ thể, theo bộ này, 90% thủy sản VN dùng đồng USD để thanh toán trong khi đầu năm tỉ giá USD biến động mạnh, các nhà nhập khẩu đã liên tục yêu cầu đàm phán để giảm giá. Đặc biệt, thị trường Mỹ gặp rất nhiều khó khăn, trong khi tôm VN lại bị áp thuế chống bán phá giá, cá tra cũng bị rà soát thuế chống bán phá giá khiến xuất khẩu giảm.

Ông Chu Xuân Ái, giám đốc Công ty Tôn Vinh, chuyên sản xuất và xuất khẩu trà, nêu thực tế chất lượng trà ở VN vấp phải vấn đề thuốc trừ sâu. Công nhận hàng của công ty mình bị trả lại, ông Vinh cho biết rất băn khoăn khâu tổ chức sản xuất vì cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu và hỗ trợ kỹ thuật, nhưng dân cứ đợi trà ra búp mới phun thuốc, nên “chúng tôi bán nhiều, dính nhiều”. Theo ông Ái, tỉ lệ sản xuất trà theo VietGAP đang giảm đi, cùng với đà giảm ngân sách hỗ trợ.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu thủy sản giảm mạnh còn do giá thành một số mặt hàng thủy sản của VN khá cao, và đề nghị cần có lãi suất thấp hơn cho các doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản.

Cũng theo ông Nam, kinh phí xúc tiến thương mại của VN cho nông sản, thủy sản ngày càng co hẹp, trong khi các quốc gia cạnh tranh với VN như Thái Lan, Ấn Độ đầu tư lớn hơn cho hoạt động này. “Cần đầu tư mạnh cho hoạt động xúc tiến thương mại và tránh dàn trải” - ông Nam nói và cho rằng đi xúc tiến thương mại mà chỉ có gian hàng, trưng bày sản phẩm rồi ngồi là... không ổn.

Giảm thủ tục, thuế... để tăng xuất khẩu nông sản

Ngoài chuyện tỉ giá, ông Nguyễn Viết Vinh cho rằng phải giảm bớt thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp, “nếu không gỡ sẽ rất gay”, trong đó trước hết là giảm thủ tục kiểm dịch. “Nhiều nước không yêu cầu kiểm dịch, nhưng VN vẫn cứ kiểm dịch mới cho xuất khẩu. Họ không yêu cầu kiểm dịch thì ta bớt đi, đỡ mất phí” - ông Vinh nói.

Trong khi đó theo ông Chu Xuân Ái, cơ chế thuế VAT cho trà hiện mỗi tỉnh một kiểu. Có tỉnh trà sơ chế được tính thuế VAT 0%, thành phẩm 5%, nhưng có tỉnh như Yên Bái tính tất cả là 10%. Ông Ái cũng nêu tình trạng doanh nghiệp nào có tiền mới có thông tin chi tiết từ các cơ quan chức năng, nếu không là thông tin chung chung.

Trước tình trạng năm nào cũng thế, triền miên ách tắc dưa hấu ở cửa khẩu dù đã biết trước, ông Lê Văn Ánh, Hiệp hội Rau quả, chỉ rõ nguyên nhân là quá tải ở cửa khẩu. Vì vậy, ông đề nghị bàn với phía bạn mở thêm cửa khẩu. “Vì với nông nghiệp không thể tránh khỏi mùa vụ” - ông Ánh nêu.

Ngoài ra, ông Ánh đề nghị các bộ giám sát việc giảm chi phí vận tải, vì giá xăng dầu giảm nhưng cước phí vận tải biển, vận tải nội địa... lâu nay chưa thấy hạ. Ông Ánh cũng kiến nghị cần áp thuế VAT cho hàng xuất khẩu bằng 0% để khuyến khích xuất khẩu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng “xuất khẩu thủy sản của VN sụt giảm mạnh”, đặc biệt đối với các thị trường lớn như Nhật, Mỹ, EU... là vấn đề đáng lưu tâm bởi đây là những thị trường chủ chốt, đang tiêu thụ một phần quan trọng nông, thủy sản xuất khẩu VN. Sắp tới, theo lộ trình, các thị trường trên cũng là các thị trường trọng điểm VN có cam kết mở cửa, hội nhập.

Riêng vấn đề về tỉ giá, ông Tuấn Anh cho biết Bộ Công thương sẽ đánh giá định lượng về việc tỉ giá ảnh hưởng thế nào đến năng lực cạnh tranh của hàng VN, từ đó sẽ có kiến nghị đến Chính phủ. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng nêu sẽ làm việc với các bộ, ngành để xem xét giảm các chi phí cho doanh nghiệp, nếu vượt thẩm quyền sẽ báo cáo Thủ tướng. 

C.V.KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên