03/05/2015 17:36 GMT+7

​ADB: Thúc đẩy mạnh cải cách thể chế châu Á

THANH TUẤN (từ Baku, Azerbaijan)
THANH TUẤN (từ Baku, Azerbaijan)

TTO - Tư duy lại tiềm năng và mô hình tăng trưởng của châu Á là chủ đề chính của phiên thảo luận đầu tiên của Hội đồng thống đốc Ngân hàng ADB trong phiên thảo luận ngày 3-5.

 

Bộ trưởng tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro phát biểu tại hội nghị - Ảnh: THANH TUẤN

Nhu cầu thay đổi về cấu trúc kinh tế, tư duy lại cách thức tăng trưởng đang là nhu cầu chung của các nước khi một loạt thay đổi bên ngoài và nội tại đang diễn ra.

Sau khủng hoảng, ở một loạt nước các vấn đề như nợ tăng cao, mô hình phát triển không còn phù hợp đã và đang bộc lộ.

Các lãnh đạo và chuyên gia nhận định một đặc điểm chung của châu Á là nhiều nước đều dựa vào xuất khẩu tài nguyên hoặc xuất khẩu hàng hóa thô cho phát triển trong thời gian dài và giờ cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng này.

Những diễn biến của kinh tế thế giới trong mấy năm gần đây, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính, cho thấy nhu cầu cần hơn nữa chuyển mô hình từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững và chất lượng.

Bộ trưởng tài chính Azerbaijan Samir Sharifov nói nước ông đã tăng trưởng liên tục 10%/năm suốt thập kỷ vừa rồi, nhưng giờ đang gặp những khó khăn do giá dầu giảm.

Chiến lược của Azerbaijan giờ là đa dạng hóa kinh tế, chuyển sang các nguồn năng lượng tái sinh và sẽ dùng dầu để hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế khác.

“Tăng cường cải cách và mở rộng thương mại. Tăng cường vai trò của thị trường” - chủ tịch Nakao nhấn mạnh các yếu tố mà ông cho là quan trọng nhất của cải cách lúc này.

Chủ tịch ADB chỉ ra tăng trưởng giờ ngày càng dựa vào tiêu thụ nội địa và hợp tác trong khu vực mà ông lấy ví dụ là cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ đi vào hoạt động cuối năm nay.

Bộ trưởng tài chính Indonesia Bambang Brodjonegoro cũng thừa nhận giờ là lúc “chuyển từ tăng trưởng nhanh sang tăng trưởng bền vững” mà theo ông cần tập trung vào mấy yếu tố: ổn định vĩ mô và chính sách tài khoá; tránh nền kinh tế chỉ xuất khẩu nguyên liệu, hàng hóa thô và thay đổi cấu trúc tăng trưởng kinh tế.

Trong khu vực Đông Nam Á, một bài học của Indonesia là từ cuối 2014 họ đã bỏ hẳn trợ cấp đối với xăng dầu để theo đúng diễn biến của thị trường.

“Khoản tiền trợ cấp đó chúng tôi đưa vào đầu tư cho cơ sở hạ tầng vì đó là lĩnh vực chúng tôi còn quá kém” - ông Brodjonegoro nói.

Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lâu Kế Vĩ thừa nhận một thực tế là kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại.

“Giống như các nước khác, chúng tôi cũng phải tiến hành các cải cách thể chế. Từ cuối năm ngoái chúng tôi chấp nhận mô hình tăng trưởng mới: tăng trưởng chậm lại, thay đổi thể chế kinh tế và chấp nhận giải quyết các hậu quả của mô hình kinh tế cũ” - ông Lâu nói.

Phó thủ tướng Nhật Bản Taro Aso nhấn mạnh tới việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt với giáo dục người trẻ và phụ nữ. Với giáo dục con người, ông nhấn mạnh yêu cầu con người được đào tạo với trình độ công nghệ cao mà để đạt được phải cần có giáo dục tốt. Ông cũng thừa nhận “cải cách thể chế là điều rất quan trọng”.

Trong khu vực, Indonesia với chính sách của Tổng thống Jokowi và Ấn Độ với những cải cách của Tổng thống Modi đang rất được chú ý với những bước đi quyết liệt.

Ở Ấn Độ, một loạt cải cách đối với thị trường lao động và cải cách đất đai đang được tiến hành trong khi mô hình kinh tế cũng được hướng nhiều hơn tới phát triển sản xuất.

“Chúng tôi phải cởi trói cho doanh nghiệp và giải phóng cho sản xuất” - Bộ trưởng tài chính Rajiv Mehrishi nói. Ông thừa nhận để làm được vậy sẽ cần có những chính sách rất cứng rắn để đẩy được cải cách kinh tế vĩ mô.

THANH TUẤN (từ Baku, Azerbaijan)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: ADB Azerbaijan