24/04/2015 15:01 GMT+7

Nên bán vốn nhà nước ở Vinamilk?

C.V.K. - T.V.N. - LÊ THANH ghi
C.V.K. - T.V.N. - LÊ THANH ghi

TTO - Câu chuyện bán bớt vốn doanh nghiệp (DN) đang "nóng" lên. Bán cho ai, mức giá nào, những thương hiệu Việt sau này sẽ ra sao? Tại sao phải bán?

Quy trình vắt sữa bò tại trang trại chăn nuôi bò sữa Vinamilk Nghệ An - Ảnh: T.T.D.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính DN - Bộ Tài chính, cho biết kế hoạch bán bớt vốn nhà nước tại 432 DN nhà nước trong hai năm 2014-2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2013. 

Thời gian qua, số DN đã giảm vốn nhà nước là hơn 170 đơn vị. Như vậy từ nay đến hết năm sẽ còn khoảng 260 DN phải tiếp tục bán vốn nhà nước như kế hoạch đặt ra.

* Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - VAFI):

Nên bán vốn nhà nước ở cả Vinamilk, Đạm Phú Mỹ...

Đến nay, sau rất nhiều năm cổ phần hóa, đã có nhiều DN được cổ phần hóa, nhưng đa số DN được quan tâm thì tỉ lệ cổ phần được bán ra lại rất ít, chỉ 10-20%.

Muốn thu hút được các nhà đầu tư chiến lược tốt thì tỉ lệ cổ phần nhà nước nắm giữ càng ít mới có thể bán giá cao. Bởi nhà đầu tư chỉ có thể mua giá cao khi họ có quyền quyết định, hoặc có ý kiến đủ mạnh để DN hiệu quả lên, có tương lai.

Chứ mua rồi mà lãnh đạo DN vẫn thế, vẫn theo cách làm cũ thì nhà đầu tư không mặn mà. Đặc biệt, sẽ khó thu hút được đối tác chiến lược là những DN lớn nước ngoài, có trình độ khoa học công nghệ cao...

Theo tôi, những ngành nghề không ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, không nhạy cảm thì Nhà nước không nên nắm giữ nhiều mà bán đến mức tối đa để trao quyền kinh doanh cho xã hội.

Không nên chỉ cổ phần hóa những DN khó khăn mà phải bán cả những DN mạnh, đang làm ăn tốt. Đó là các DN như Vinamilk, các doanh nghiệp trong ngành phân bón như Đạm Cà Mau, Đạm Phú Mỹ, các tổng công ty thương mại, du lịch, các tổng công ty xây dựng...

Chính phủ có chủ trương đẩy nhanh việc bán vốn tại Tổng công ty CP Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và một số DN nhà nước khác.

* Ông Trần Ngọc Thơ (trưởng khoa tài chính Đại học Kinh tế TP.HCM):

Giá trị DN phải được định giá đúng

Không chỉ một, mà thậm chí cần phải thuê 2-3 tổ chức tài chính lớn, uy tín để việc định giá DN chính xác, xác định mức giá hợp lý nhất. Việc định giá này vô cùng quan trọng vì liên quan đến việc cổ đông đứng đằng sau thương vụ này là ai.

Giá bán liệu đã đúng với giá trị thực của DN hay chưa? Có bị bán thấp vì rơi vào “sân sau” của ai đó không? Cũng không nên phân biệt nhà đầu tư chiến lược là trong nước hay nước ngoài, hoặc có quá nhiều tiêu chí ràng buộc trong quá trình lựa chọn.

* Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM):

Thêm nguồn thu đầu tư vào phát triển hạ tầng

Việc thoái vốn tại các DN mà Nhà nước giữ phần vốn quá lớn là đúng, cần thiết phải làm trong bối cảnh hiện nay. Cần khẳng định rõ quan điểm là Nhà nước cần rút khỏi vai trò là nhà đầu tư kinh doanh.

Từ đó, Nhà nước mới thực hiện được đúng vai trò của mình là tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, giảm rủi ro, giảm chi phí, tăng độ an toàn cho môi trường hoạt động kinh doanh chung.

Càng thoái vốn nhanh thì việc cổ phần hóa tại những doanh nghiệp như Sabeco mới đi vào đúng thực chất, mới nhanh chóng đưa doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy luật của nền kinh tế thị trường.

Mặt khác, với nguồn thu có được từ việc thoái vốn, Nhà nước sẽ có thêm kinh phí để đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội...

* Ông Đặng Quyết Tiến, phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính: 

​5 năm nữa, Nhà nước chỉ còn nắm vốn tại 200 DN

Tính đến hết năm nay, cũng theo ông Tiến, số DN mà Nhà nước nắm giữ vốn 100% sẽ còn khoảng 600 đơn vị. 

Mục tiêu đặt ra là chúng ta lại tiếp tục giảm vốn nhà nước hay nói cách khác là Nhà nước bán phần vốn của mình cho các thành phần kinh tế khác tham gia và đến năm 2020, Nhà nước chỉ nắm khoảng 200 DN mà thôi.

Tuy nhiên, tỉ trọng số vốn nhà nước giảm tại nhiều DN chỉ rất nhỏ, phải chăng Nhà nước vẫn muốn nắm giữ DN? 

Ông Tiến khẳng định Nhà nước nắm giữ là để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của toàn dân. Chúng ta không bán vốn, tài sản nhà nước bằng mọi giá. Không phải chúng ta thiếu tiền.

Ông Tiến cho hay thời gian qua có rất nhiều công ty vật tư nông nghiệp ở một số địa phương sau khi bán DN cho tư nhân, vì lợi nhuận mà nhà đầu tư quay ra kinh doanh thương mại chứ không cung cấp phân bón, thuốc trừ sâu cho nông dân.

Cuối cùng để đảm bảo nguồn hàng cung cấp vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, địa phương lại phải quay sang thành lập trung tâm khuyến nông. Nhất là việc bán vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty lớn nắm những lĩnh vực then chốt như điện, hàng không… phải rất thận trọng.

“Nếu mục tiêu bán vốn không phải vì để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn thì chúng ta có thể bán ào ào. Khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm có rất nhiều tiền sẽ mua ngay. Họ mua và sẽ bán DN ngay khi thấy có lợi chứ không phải đầu tư lâu dài với mục đích là phát triển DN. Thực tế có những cuộc phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), người mua không hề biết gì về DN cả” - ông Tiến nêu.

Cũng theo ông Tiến, tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là Nhà nước là sẽ bán toàn bộ vốn tại các công ty nhỏ, không nắm lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. 

Đồng thời, đối với những lĩnh vực, ngành nghề mà tư nhân làm được thì chúng ta giảm tối đa, thậm chí giảm toàn bộ tỉ lệ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Đơn cử trường hợp của Tổng công ty Công nghiệp ôtô Việt Nam (Vinamotor), 100% vốn nhà nước tại doanh nghiệp này đã được rao bán. Không có lý do gì để Nhà nước năm giữ vốn tại ngành ôtô vì hiện nay tư nhân làm rất tốt như Trường Hải đã xuất khẩu ôtô rồi.

Mặt khác, nếu cổ đông sau khi mua lại không phải kinh doanh ôtô mà đầu tư vào lĩnh vực khác thì cũng không sao vì ôtô không phải là ngành then chốt của nền kinh tế.

Điều đó cho thấy chỉ đạo của Chính phủ đã rất quyết liệt, chỉ còn là trách nhiệm thực hiện của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Nếu không quyết tâm làm, không vì lợi ích chung của đất nước thì không thể thực hiện được mục tiêu giảm vốn nhà nước trong doanh nghiệp được.

Hiện nay tại các cảng biển trọng yếu như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và Sài Gòn, Nhà nước chỉ giữ tỉ lệ vốn là 51% thay vì 75% như quyết định trước đó. Trong ảnh: cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng - Ảnh: Lưu Gia

C.V.K. - T.V.N. - LÊ THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    " />