27/12/2014 11:38 GMT+7

​Đừng để “quýt làm cam chịu”

QUỲNH KHÔI
QUỲNH KHÔI

TT - Chỉ trong vòng chưa đến một tháng, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp khởi kiện chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp hàng loạt mặt hàng xuất khẩu từ VN, từ sợi polyester, thép đến gạch granite...

Các doanh nghiệp xuất khẩu sợi VN có nguy cơ bị mất thị trường do bị kiện - Ảnh: T.V.N.

Đáng nói, nguyên nhân để Thổ Nhĩ Kỳ đưa các mặt hàng xuất khẩu nói trên vào tầm ngắm, thậm chí sử dụng đích danh cụm từ “điều tra lẩn tránh thuế” trong các quyết định điều tra, là do nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu từ VN có nguồn gốc từ Trung Quốc sản xuất. 

Chẳng hạn đối với gạch granite, Thổ Nhĩ Kỳ xác định kể từ năm 2010, lượng nhập khẩu sản phẩm bị điều tra từ VN đã tăng lên đáng kể, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc có xu hướng giảm. Lượng nhập giảm từ Trung Quốc từ năm 2006, do Thổ Nhĩ Kỳ đã áp thuế chống bán phá giá mặt hàng này với mức thuế 174 USD/tấn.

Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu gạch granite từ VN vào Thổ Nhĩ Kỳ là 0%. Và rất nhiều doanh nghiệp sản xuất gạch granite trong nước cho biết họ vẫn chưa có sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng thống kê từ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy trong năm 2013, VN đã xuất khẩu sang nước này khoảng 29 triệu USD, chiếm 16% trong tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này.

Chính vì vậy trong quyết định khởi xướng điều tra, phía Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc “ngoài nguồn hàng tự sản xuất của các doanh nghiệp VN còn có thêm nguồn hàng do mua lại từ một số công ty sản xuất gạch granite của Trung Quốc. Nên cần xem xét liệu có khả năng tồn tại việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá với gạch granite của Trung Quốc không?”.

Theo bà Trần Thị Thu Hương - giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại, Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), tình trạng gian lận thương mại, lợi dụng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) từ VN để xuất đi các nước ngày một nhiều “và không phải bây giờ mới được cảnh báo”.

Để giảm thiểu tối đa các rủi ro từ việc “đi đường vòng” nhằm lẩn tránh thuế nói trên, từ đó dẫn đến nguy cơ VN bị mất vĩnh viễn các thị trường xuất khẩu tiềm năng, theo bà Hương, giai đoạn tiền cấp giấy phép đầu tư cần được quan tâm và siết chặt hơn nữa.

Chẳng hạn ngay từ khâu cấp giấy phép đầu tư, Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ phải đưa ra những cảnh báo cho bên Cục Đầu tư nước ngoài để có được thông tin về danh mục những mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại cao cho các địa phương, cũng như ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp trên khắp cả nước được biết.

Từ đó, các địa phương sẽ đối chiếu danh mục hàng hóa và thực tế cấp giấy phép để chủ động kiểm tra kỹ hơn hồ sơ cấp phép đối với các mặt hàng đang nằm trong diện “tình nghi”.

Hay một “chốt chặn” quan trọng khác là Tổng cục Hải quan. Nếu hải quan đã được cung cấp danh mục các mặt hàng cần lưu ý nhập khẩu “thì cần kiểm soát thật kỹ đầu vào vì có không ít doanh nghiệp khi nhập khẩu thành phẩm hoặc bán thành phẩm vẫn khai là nguyên liệu” - bà Hương khuyến nghị.

Tuy nhiên, với cơ chế giám sát hiện nay, khi hải quan phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu về gian lận thương mại thì mới áp dụng biện pháp kiểm tra chặt. Từ đó, cảnh báo sớm từ các cơ quan khác cũng mất đi tác dụng khi tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” xuất hiện.

QUỲNH KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên