25/12/2014 12:55 GMT+7

Tạo động lực để doanh nghiệp lớn lên

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - kêu gọi một chương trình hành động để “tái khởi động khu vực KTTN”...

Khu vực kinh tế tư nhân đang rất cần sự hỗ trợ về vốn, công nghệ... Trong ảnh: sản xuất phụ kiện xe buýt tại Công ty Sao Việt (Vĩnh Long) - Ảnh: Đ.Dân
Ông Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Thanh Hương
Ông Vũ Tiến Lộc - Ảnh: Thanh Hương
Việc thu hút FDI thời gian qua được coi như một thành tích. Có lẽ việc phát triển khu vực DNNVV cũng cần được coi là một thành tích mà lãnh đạo các địa phương cần phấn đấu
Ông VŨ TIẾN LỘC

Trực tiếp chỉ đạo khảo sát thực trạng và soạn thảo kế hoạch hành động phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), ông Vũ Tiến Lộc - chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) - kêu gọi một chương trình hành động để “tái khởi động khu vực KTTN”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lộc nói:

- Sự thành công trong phát triển của VN, trong đó có việc đưa VN ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực KTTN. Năm 2000, khu vực KTTN đóng góp 22,9% trong tổng vốn đầu tư thì đến năm 2013 tỉ lệ này là 37,6%, tạo 76,7% tổng số việc làm phi nông nghiệp. Nhưng vị trí, vai trò của khu vực này đang có nhiều thay đổi, “sức khỏe” của khu vực này yếu đi rất nhiều sau những khó khăn vừa qua.

Chính phủ đã có khá nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nhưng phải nhìn thẳng vào thực tế là khó khăn hiện tại không chỉ còn ở một nhóm doanh nghiệp, một ngành nào.

Vì vậy, chúng tôi đề xuất một chương trình tái khởi động phát triển khu vực KTTN với những giải pháp đồng bộ, thống nhất và mạnh mẽ để không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh của cả cộng đồng doanh nghiệp mà còn tạo cơ hội, động lực để doanh nghiệp lớn lên.

* Thưa ông, khu vực KTTN đang chịu sức ép, không có sự bình đẳng ngay từ tiếp cận vốn, đất đai... so với khu vực FDI và doanh nghiệp nhà nước?

- Đầu những năm 2000, chúng ta quá chú trọng tập trung gia tăng số lượng doanh nghiệp mới. Doanh nghiệp tận dụng cơ hội khi cơ chế chính sách mở ra, bỏ qua cơ hội tăng cường năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã làm ăn bài bản và thành công. Nhưng khi nền kinh tế hội nhập, bắt đầu từ việc tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng có nhiều doanh nghiệp đuối sức vì công nghệ cũ, không đủ tài sản thế chấp để tiếp cận các nguồn vốn…

Ở khía cạnh môi trường chính sách, sự hậu thuẫn để DNNVV lớn lên đúng là còn thiếu. Khảo sát của VCCI cho thấy trong giai đoạn 2007-2012 lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 47 người còn 32 người. Năm 2012, quy mô vốn của doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 3,6%. Điều này phổ biến ở tất cả các ngành quan trọng cho thấy xu hướng: các doanh nghiệp nhỏ trong nước khó lớn thành doanh nghiệp vừa.

Hiện VN đã có quỹ bảo lãnh cho DNNVV. Tuy nhiên, vẫn không đủ nhiều DNNVV nhận được hỗ trợ. Vì vậy trong kế hoạch hành động phát triển KTTN, chúng tôi đã đề xuất dành nguồn lực thỏa đáng và sớm đưa vào vận hành quỹ DNNVV. Quỹ này sẽ không chỉ bảo lãnh mà trực tiếp cho vay với cơ chế đơn giản và thân thiện hơn với DNNVV.

Bên cạnh đó, chúng ta phải tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi và minh bạch. Một khi khu vực tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực thì chưa thể tạo được một khu vực doanh nghiệp tư nhân phát triển lành mạnh.

* Kế hoạch hành động phát triển KTTN của VCCI nêu cần có Luật hỗ trợ DNNVV. Luật này nên quy định gì, thưa ông?

- Để xây dựng khuôn khổ chính sách cho Chính phủ VN thực hiện mục tiêu phát triển khu vực KTTN nhằm xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững và tự chủ, chúng tôi đã đề xuất sáu nhóm hành động, trong đó nghiên cứu và xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV.

Chúng ta đã có nhiều chương trình, cơ chế hỗ trợ nhưng rõ ràng VN cần có đột phá chính sách mạnh mẽ hơn. Luật hỗ trợ DNNVV, theo chúng tôi, có mục tiêu thống nhất khuôn khổ pháp lý về chính sách phát triển DNNVV để việc hỗ trợ DNNVV không chỉ là mong muốn, mà là trách nhiệm của các cấp chính quyền.

Luật hỗ trợ DNNVV và các nghị định hướng dẫn cần có cơ chế, chính sách mạnh để DNNVV phát triển, khuyến khích doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp lớn hỗ trợ các DNNVV tham gia mạng lưới sản xuất của họ, khuyến khích hỗ trợ chuyển giao công nghệ, chắp mối kinh doanh, tăng khả năng doanh nghiệp VN tham gia các chuỗi cung ứng...

Điều này sẽ tạo điều kiện để các đơn vị kinh doanh phi chính thức chuyển thành doanh nghiệp và trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có tiềm năng phát triển thành doanh nghiệp vừa và lớn thông qua mở rộng thị trường, hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi cung ứng.

Cần gói tín dụng khoảng 200.000 tỉ đồng

Ông Trần Hoàng Ngân - ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng để thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, bên cạnh cải thiện môi trường kinh doanh cần có một gói tín dụng có thể đến 200.000 tỉ đồng cho khu vực này. Ông Ngân nói:

Ông Trần Hoàng Ngân - Ảnh: Đình Dân
Muốn có được niềm tin này, Chính phủ phải tạo được môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và hơn hết là đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế 
Ông TRẦN HOÀNG NGÂN

- Vấn đề của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN) hiện nay là vốn, công nghệ và thị trường. Để cạnh tranh được với khối FDI thì khu vực tư hiện nay cần đổi mới công nghệ, điều này họ cần vốn với lãi suất thấp và ổn định lâu dài. Tuy nhiên sau khủng hoảng, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang vướng vào điều kiện vay.

Vừa rồi mình có hai tổ chức hỗ trợ DNNVV là quỹ bão lãnh tín dụng (ở các địa phương) và quỹ phát triển DNNVV. Hay chương trình kết nối giữa chính quyền địa phương làm cầu nối cho DN tiếp cận với ngân hàng (NH) để giải quyết nhu cầu vốn vay… Mặc dù hiệu quả đạt được còn nhỏ so với nhu cầu DN nhưng cũng tạo ra tiền lệ hỗ trợ DNNVV tiếp cận vốn.

* Nhu cầu vốn của DNNVV đang rất lớn, nhưng cái họ cần là vốn rẻ và lãi suất ổn định trong thời gian dài. Làm sao để có được điều này, thưa ông?

- Hiện nay các NH thương mại còn sợ rủi ro nên phải có cam kết của NH Nhà nước bằng một nguồn tài chính ổn định. Theo tôi, Chính phủ nên đưa ra gói tín dụng 100.000-200.000 tỉ đồng dành riêng cho các DNNVV trong khu vực tư nhân có nhu cầu vay để đổi mới công nghệ. Gói này sẽ được đưa ra thị trường với hình thức NH Nhà nước đưa vốn qua các NH thương mại cho DN vay trung, dài hạn 5-10 năm với lãi suất khoảng 6%/năm.

NH Nhà nước đưa nguồn vốn cố định cho NH thương mại 3% trong vòng năm năm, NH thương mại sẽ dựa vào đây cho DN vay 6%/năm. Như vậy nguồn này NH thương mại không còn sợ rủi ro vì lãi suất đã được NH Nhà nước bảo lãnh. Ở đây NH Nhà nước cũng buộc phải kiểm soát lạm phát để lãi suất không bị đẩy lên cao gây thiệt hại cho họ.

Tôi khẳng định nguồn tiền này có cơ sở vì hiện nay dư địa cho vay của NH Nhà nước còn lớn và chưa kể đây là cơ hội để mở rộng tín dụng giải quyết nợ xấu.

* Theo ông, mức lãi suất 6-7%/năm có đủ sức cạnh tranh không khi DN nước ngoài tiếp cận được vốn rẻ hơn mức này? Chưa kể hiện nay nhiều gói tín dụng đưa ra nhưng DN rất khó tiếp cận vì điều kiện cho vay quá nhiêu khê?

- Lạm phát hiện nay của các nước trong khu vực Asean đang tương đồng với nhau về mức 2,75% nên lãi suất của NH trung ương dao động 3-4%/năm và lãi suất NH cho vay dao động 5-7%/năm. Vì vậy cơ hội cho VN đưa lãi suất về mức thấp như vậy để đưa vốn rẻ ra DN với mức 6-7%/năm là tương xứng với khu vực.

Tiền cho vay sẽ được NH giải ngân theo hợp đồng mua máy móc nên rất đơn giản về mặt thủ tục. Mặt khác, đây là chương trình phát triển gắn liền với trách nhiệm và quyền lợi của chính quyền địa phương nên không sợ nhiêu khê. Để thực hiện được điều này, các trung tâm xúc tiến, sở khoa học công nghệ hay các tổ chức hành chính liên quan cần vào cuộc để giúp DN có thể mua được máy móc thiết bị và tiếp cận vốn.

Mặt khác, lâu nay DN toàn mua máy rẻ của Trung Quốc nên phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, chuyên gia Trung Quốc và đây là cơ hội để chúng ta đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhiều DN cho biết giờ có tài chính họ sẽ mua máy Nhật.

* Điều khu vực kinh tế tư nhân đang cần không chỉ là vốn mà thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh cũng cần phải thay đổi để thúc đẩy phát triển của khối này?

- Đúng vậy, ngoài vốn thì thứ các DN trong nước đang cần nhất là niềm tin. Có niềm tin thì họ mới đem vốn của họ đưa vào đầu tư sản xuất. Muốn có được niềm tin này, Chính phủ phải tạo được môi trường pháp lý rõ ràng, minh bạch và hơn hết là đảm bảo sự công bằng giữa các thành phần kinh tế.

Ở đây về cơ bản họ đã có niềm tin dù niềm tin này đòi hỏi thời gian, nhưng kinh tế vĩ mô đã được điều khiển ổn định ba năm nay (từ năm 2011 đến nay), lạm phát được kiềm chế, ổn định tỉ giá.

Ngoài ra môi trường pháp lý đã sửa Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp, ban hành theo đó Luật quản lý vốn nhà nước, Luật đầu tư công, Luật phòng chống tham nhũng. Niềm tin còn ở chỗ phải quyết liệt phòng chống tham nhũng, ổn định tài chính quốc gia, kiểm soát nợ công.

X.TOÀN - Đ.DÂN thực hiện

 

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên