21/11/2014 10:12 GMT+7

Kinh tế Nhật suy thoái: Giao thương Việt - Nhật ảnh hưởng?

HIẾU TRUNG - N.BÌNH - T.V.NGHI
HIẾU TRUNG - N.BÌNH - T.V.NGHI

TT - Giới tài chính quốc tế nhận định cú tăng thuế tiêu dùng hồi tháng 4-2014 là nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái lần thứ tư kể từ năm 2008.

Điều này trái ngược với các dự báo lạc quan trước đó.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật cho biết kinh tế Nhật suy thoái vẫn chưa tác động gì đến ngành. Trong ảnh: sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật tại Công ty CP may Bình Minh - Ảnh: T.V.N.
Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nhật cho biết kinh tế Nhật suy thoái vẫn chưa tác động gì đến ngành. Trong ảnh: sản xuất hàng dệt may xuất khẩu sang Nhật tại Công ty CP may Bình Minh - Ảnh: T.V.N.

Dù bày tỏ lo ngại về viễn cảnh khó khăn tại thị trường Nhật, nhưng nhiều doanh nghiệp VN khẳng định hoạt động xuất khẩu sang thị trường này đến nay vẫn chưa bị ảnh hưởng.

Đòn giáng vào chính sách Abenomics

Vấn đề nội tại

Giới chuyên gia nhận định một vấn đề nghiêm trọng cản trở sự phát triển của nền kinh tế Nhật là tình trạng dân số già và tỉ lệ sinh quá thấp.

Khoảng 33% dân số Nhật trên 60 tuổi và hơn 1/4 trên 65 tuổi. Gánh nặng an sinh xã hội ngày càng lớn trong khi thị trường lao động bị thu hẹp.

Trong khi đó, các đời Chính phủ Nhật đều ngần ngại không muốn thực hiện cải tổ chính sách nhập cư để khuyến khích “nhập khẩu” người lao động nước ngoài.

Theo số liệu do Chính phủ Nhật công bố, GDP nước này liên tiếp sụt giảm 1,9% trong quý 2 và 0,4% trong quý 3-2014.

Truyền thông Nhật dẫn lời giáo sư kinh tế Koichi Hamada, cố vấn của Thủ tướng Shinzo Abe, mô tả đây là một “cú đòn toàn thân” nặng nề.

Khi lên nắm quyền hồi tháng 12-2012, ông Abe đã đặt mục tiêu đảm bảo tăng trưởng ổn định 3% mỗi năm.

Ông công bố các chính sách kinh tế được mệnh danh là Abenomics, dựa chủ yếu vào các gói kích thích kinh tế.

Tuy nhiên với việc nợ công Nhật phồng lên 10.460 tỉ USD, tương đương 245% GDP, các quan chức Bộ Tài chính Nhật kêu gọi ông Abe tăng thuế tiêu dùng để giảm nợ.

Tháng 4-2014, Chính phủ Nhật nâng mức thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% và có kế hoạch tiếp tục đẩy lên 10% trong tháng 12.

Khi đó, nhiều nhà kinh tế cho rằng lẽ ra chính phủ cần phải tập trung thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng thuế vẫn tăng, hậu quả là liều thuốc trị căn bệnh nợ công cao dẫn tới việc căn bệnh thứ hai của nền kinh tế Nhật là tăng trưởng yếu trở nên trầm trọng hơn.

“Liều thuốc mà Tokyo uống quá nặng” - nhà kinh tế David Stockton thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson đánh giá.

Tiêu dùng đóng góp 60% vào GDP Nhật. Việc thuế tiêu dùng tăng và thu nhập thực tế của người dân giảm 6% so với năm ngoái vì giá đồng yen hạ khiến tiêu dùng sụt giảm.

Ước tính tiêu dùng của các hộ gia đình Nhật sụt 5,2% kể từ quý 2-2014. Xuất khẩu Nhật vẫn đạt kết quả tốt, nhưng không đủ bù cho sụt giảm tiêu dùng.

Nhà phân tích Richard Katz của trang Oriental Economist Alert đánh giá biện pháp tăng thuế của chính quyền ông Abe không sai, nhưng không đúng thời điểm nên dẫn tới thảm họa.

Theo truyền thông Nhật, trong ngày 18-11 ông Abe tuyên bố tạm hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10% sang tháng 10-2015. “Cuộc sống của người dân sẽ không khá hơn nếu không có tăng trưởng kinh tế” - ông Abe thừa nhận.

Cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Yusuke Horiguchi cũng cho rằng Nhật cần phải ưu tiên tăng trưởng bền vững, chỉ sau khi hoàn thành mục tiêu này Tokyo mới nên tính đến các biện pháp thắt chặt tài chính bởi nợ công Nhật vẫn ổn định và nền kinh tế nước này không phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, ông Abe cũng sẽ ra lệnh cho nội các chuẩn bị một gói kích thích kinh tế mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng.

Giao thương Việt - Nhật chưa bị tác động

Dù lo ngại sức mua thị trường Nhật sẽ giảm sút, nhưng hầu hết doanh nghiệp VN đang xuất các mặt hàng chủ lực sang Nhật hiện nay như dệt may, thủy sản, nông sản cho biết tình hình vẫn đang trong tầm kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Văn Kịch - tổng giám đốc Công ty CP thủy sản Cafatex, đơn hàng của công ty qua thị trường này có chậm lại, đặc biệt từ tháng 11-2014.

“Đây là thời điểm các nhà nhập khẩu chốt nhập hàng Noel, Tết dương lịch, nên lượng có sụt giảm. Nhưng so với mọi năm, mức giảm năm nay nhiều hơn do sức mua thị trường Nhật đang rất chậm” - ông Kịch nói.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thanh Lâm, phó giám đốc Saigon Food, đơn vị đang xuất hàng thủy hải sản qua Nhật, cho hay những doanh nghiệp làm hàng gia công không bị tác động nhiều do giá các hợp đồng được chốt từ trước và khá ổn định.

“Hiện nay, các nhà nhập khẩu Nhật đang trong tình trạng vừa chờ đợi vừa nghe ngóng, giãn tiến độ đặt hàng nhưng công ty không ảnh hưởng nhiều vì thị trường nội địa đang bắt đầu vào mùa cao điểm cuối năm” - bà Lâm nói.

Với ngành dệt may, ông Nguyễn Hữu Toàn, giám đốc Công ty CP may Sài Gòn 2, nhận định: “Sự mất giá của đồng yen tạm thời vẫn chưa ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng dệt may sang Nhật, bởi các doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng đồng USD để giao dịch”.

Hiện các hợp đồng đơn hàng của Sài Gòn 2 đến cuối năm sang thị trường Nhật vẫn được giữ ổn định theo hai phương thức gia công và FOB.

“Ngay cả với phương thức FOB, khi chúng tôi nhập khẩu nguyên liệu về VN để sản xuất đều được tính vào trong giá thành theo giá USD, vốn đã được nhà đặt hàng chấp thuận nên cũng không có sự biến động gì quá lớn” - ông Toàn nói.

Cũng theo ông Toàn, các đơn hàng cho năm 2015 đang thỏa thuận với khách đặt hàng từ Nhật đều được công ty giữ nguyên quan điểm “không hạ giá”, nên việc tỉ giá giữa USD/yen có diễn biến xấu trong thời gian tới cũng không gây tác động gì nhiều đến doanh nghiệp.

Còn chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM (Agtek) Phạm Xuân Hồng cho hay đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thành viên của Agtek vẫn đang đàm phán đơn hàng năm 2015 “rất ổn”.

“Tôi không rõ họ có giảm lượng đặt hàng ở đâu hay không nhưng với thị trường VN, phần lớn số lượng đặt hàng từ Nhật vẫn được duy trì ở mức cao, nhiều khi còn không đủ năng lực cung ứng như họ mong muốn” - ông Hồng khẳng định.

Ông Phan Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), cho rằng những doanh nghiệp sử dụng vốn vay đồng yen đang có lợi, đồng yen giảm giá trên thế giới so với các loại ngoại tệ khác, trong khi VND lại tăng giá.

“Nguồn vốn ODA sử dụng đồng yen của VN đang trong chiều thuận lợi, áp lực gánh nặng nguồn vốn vay của VN phần nào được xoa nhẹ. Đã có doanh nghiệp cân nhắc tăng cường vay đồng yen để đầu tư” - ông Khánh nói.

HIẾU TRUNG - N.BÌNH - T.V.NGHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên