01/11/2014 16:37 GMT+7

Sơn Đoòng: lựa chọn giữa ít và nhiều

Theo Chinhphu.vn
Theo Chinhphu.vn

Làm tuyến cáp treo Sơn Đoòng, Quảng Bình kỳ vọng đón lượng khách du lịch lớn gấp hàng chục lần con số 240 du khách/ năm đến khám khá hang động lớn nhất thế giới.

Đẳng cấp thế giới

Tour thám hiểm Sơn Đoòng đã được đặt kín lịch đến hết năm 2014. Ảnh: Ryan Deboodt

Tuy nhiên, đây cũng là một sự lựa chọn để tìm lời giải bài toán trước mắt và lâu dài của việc phát huy giá trị di sản này.

Với những gì đã được khám phá, Sơn Đoòng hiện đang là hang động lớn nhất, hoành tráng và lộng lẫy nhất thế giới, thương hiệu ở đẳng cấp thế giới của Du lịch Việt Nam.

Hiện Công ty Oxalis đang là DN duy nhất được tỉnh Quảng Bình cho phép tổ chức tour thám hiểm Sơn Đoòng với những yêu cầu có thể nói là ngặt nghèo: Mỗi tour chỉ tối đa 6 người nhưng cần tới 18 chuyên gia hỗ trợ và người dân phục vụ; hành trình 7 ngày-6 đêm với giá 3.000 USD/người; mỗi năm Oxalis chỉ tổ chức tối đa được cho khoảng 240 người và lịch đăng ký đã kín đến hết năm 2015.

Về câu hỏi tại sao một du khách phải vượt hàng nghìn km từ tận châu Âu xa xôi tới Việt Nam, tốn rất nhiều tiền chỉ để leo trèo khám phá rất mạo hiểm, vất vả, Phó Tổng Giám đốc Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan phân tích, không phải cứ bay hàng nghìn km đến Việt Nam, Quảng Bình là du khách có thể khám phá Sơn Đoòng ngay, nếu không đăng ký tour từ trước họ sẽ phải chờ đợi. Đây thực sự là nét độc đáo và niềm tự hào của du lịch Việt Nam.

Tour thám hiểm Sơn Đoòng thực sự là ước mơ, khao khát, là đích chinh phục của nhiều du khách thế giới. Tuy nhiên, với số lượng khách giới hạn và gần như cố định, mỗi năm Sơn Đoòng chỉ có thể mang về gần 1,5 tỷ đồng (chỉ riêng tiền tour), một con số có thể nói là nhỏ so với danh tiếng của một di sản ở tầm thế giới, nhất là khi so sánh với Vịnh Hạ Long hay Cố đô Huế.

Vì vậy, có thể hiểu lý do UBND tỉnh Quảng Bình đề xuất là tuyến cáp treo Sơn Đoòng sẽ giúp việc đi lại, khám phá hang động này dễ dàng hơn và thay vì chỉ có 240 du khách/năm, sẽ có hàng trăm ngàn, thậm chí cả triệu du khách tham quan Sơn Đoòng. Từ đó, tạo công ăn việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân kết hợp với bảo tồn di sản và khai thác tiềm năng kinh tế cho địa phương.

Thế nhưng với một di sản, liệu kinh tế có phải là lời giải, mục đích lớn nhất khi du lịch Việt Nam đã qua thời phát triển nóng để hướng tới cái đích phát triển bền vững?

Để sự hấp dẫn bí ẩn còn mãi

Mỗi tour thám hiểm Sơn Đoòng chỉ tối đa 6 du khách với 18 chuyên gia, người phục vụ. Ảnh: Ryan Deboodt

Thực tế phát triển du lịch Việt Nam đã cho thấy không ít tác hại từ cách làm thu hút du khách càng nhiều càng tốt, khiến điểm đến quá tải và nhanh chóng bị xuống cấp, hủy hoại. Và điều lo ngại của rất nhiều DN lữ hành là Sơn Đoòng cũng sẽ bước vào vòng xoáy đó.

Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng sức hấp dẫn của Sơn Đoòng đến từ vẻ đẹp tự nhiên và nét độc đáo. Tự phá bỏ thế mạnh của mình để đổi lấy lợi nhuận tức thời không phải là cách thức phát triển du lịch bền vững và khôn ngoan.

“Theo tôi được biết hiện chưa có một nghiên cứu chi tiết và đầy đủ về các giá trị địa chất-địa mạo, sinh thái hang Sơn Đoòng. Do đó, nếu chúng ta chưa khám phá hết giá trị của hang Sơn Đoòng để đưa ra phương án khai thác hiệu quả, bảo tồn hợp lý mà vội đưa vào khai thác ồ ạt thì không nên”, ông Hoan bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng Giám đốc Liên doanh TBT-TNT chuyên khách Nhật Bản cho rằng Sơn Đoòng hấp dẫn du khách bởi sự bí ẩn. Và một khi điều này không còn nữa thì hậu quả không chỉ là sự sụt giảm du khách quốc tế mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực xây dựng hình ảnh về một vẻ đẹp tiềm ẩn, cũng như cố gắng xây dựng đẳng cấp cho du lịch Việt Nam.

“Có thể cáp treo Sơn Đoòng sẽ hút du khách về Quảng Bình đông hơn, doanh thu nhiều hơn nhưng thương hiệu Sơn Đoòng và Phong Nha-Kẻ Bàng có thể sẽ giảm giá thê thảm bởi những ảnh hưởng đến môi trường khó có thể tránh được”, ông Nguyễn Văn Mỹ (Hiệp hội Lữ hành Việt Nam) nhận xét.

Còn theo bà Trần Hoàng Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại (thuộc UNESCO Việt Nam), Tổ chức này đã từng xem xét rút lại danh hiệu Di sản Thế giới khi địa phương, quốc gia có di sản không thực hiện đúng các cam kết trong Công ước về Di sản của UNESCO. Thậm chí, điều này còn có thể ảnh hưởng đến quá trình xem xét, công nhận các di sản khác tại quốc gia vi phạm cam kết.

Dù đang ở trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi, song rõ ràng dự án cáp treo Sơn Đoòng rất cần có sự tham gia, đóng góp ý kiến khách quan, xây dựng của nhà khoa học, các DN du lịch cũng như cộng đồng xã hội cùng tinh thần lắng nghe cầu thị của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ có như vậy, Sơn Đoòng mới không chỉ là báu vật của riêng Quảng Bình, của Việt Nam mà xứng đáng là di sản thiên nhiên quý giá của nhân loại.

Theo Chinhphu.vn
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên