25/10/2014 10:41 GMT+7

​Phải cẩn trọng với di sản

LÊ NAM - L.GIANG ghi
LÊ NAM - L.GIANG ghi

TT - Sau khi Tuổi Trẻ đặt vấn đề “cáp treo vào Sơn Ðoòng, nên không?”(23-10), bên cạnh một số ý kiến ủng hộ, nhiều chuyên gia và người làm du lịch đã bày tỏ lo lắng.

Du khách khám phá hang động Sơn Đoòng - Ảnh: Phong Nguyên

Họ lo rằng việc xây dựng cáp treo sẽ phá vỡ cảnh quan môi trường độc đáo của hang động này.

* Ông TRƯƠNG HOÀNG PHƯƠNG (giám đốc Công ty Exotic VN):

Không nên làm cáp treo

Những người đưa ra ý tưởng này chỉ đơn thuần nhìn ở khía cạnh kinh tế, chưa quan tâm nhiều đến thiên nhiên và đặc trưng riêng có của ngành du lịch, trong đó có du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm.

Làm cáp treo với mục đích đưa một lượng lớn du khách đến với khu vực này, kéo theo đó là cơ sở hạ tầng để đáp ứng lượng khách lớn như thế: mở đường, xây khách sạn, nhà hàng, nguồn nhân lực và hàng loạt dịch vụ khác...

Con người sẽ can thiệp trực tiếp vào môi trường rất đặc trưng của hang, mà chính môi trường này mới làm nên danh tiếng của hang, khi đó Sơn Ðoòng sẽ không còn là Sơn Ðoòng nữa.

* Ông NGUYỄN CHÂU Á (giám đốc Công ty du lịch Olaxis - hiện đang độc quyền đưa du khách đến hang Sơn Ðoòng):

Khách đến Sơn Ðoòng rất riêng

Khách muốn đến tham quan Sơn Ðoòng phải mất một ngày rưỡi đi bộ và trung bình một du khách phải có ba người hỗ trợ (khuân vác, đầu bếp, hướng dẫn viên, chuyên gia hang động...) khi tham gia tour này.

Giá tour cho chương trình năm ngày bốn đêm khoảng 3.000 USD nhưng hiện danh sách chờ lên đến gần 1.000 người (chưa đặt chỗ chính thức vì chưa có lịch khai thác cho năm 2015). Ðây là một trong những tour hiếm hoi ở VN và ASEAN mà khách phải chờ để được trải nghiệm.

Phần lớn du khách là người nước ngoài, họ đã lên kế hoạch ưu tiên để thực hiện tour này ngay khi đặt chỗ của họ được đồng ý. Khách mua tour này thích thiên nhiên, khám phá, trải nghiệm của tour kiểu “một lần trong đời” chứ không đơn thuần là đến hang lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành xong tour, ai cũng hãnh diện vì mình đã nằm trong số rất ít người thực hiện được chuyến hành trình có một không hai này.

Nhờ có tour Sơn Ðoòng, lượng khách đến nhiều hơn, họ chẳng những đến Sơn Ðoòng mà còn đến nhiều nơi khác nữa. Theo số liệu thống kê của chúng tôi, trước đây thời gian trung bình khách nước ngoài ở lại Phong Nha - Kẻ Bàng là 0,8 đêm nhưng sau khi mở tour này đã tăng lên đến 3-4 đêm. Họ ở lại nhiều hơn để đi các điểm khác như hang Én, hang Tối, Phong Nha, Thiên Ðường... và xuống biển.

Ðiều làm nên sự nổi tiếng của Quảng Bình, lôi kéo sự quan tâm không chỉ khách nội địa mà còn là khách quốc tế chính là sự độc đáo và đặc trưng của hang Sơn Ðoòng. Nếu nói không đồng ý khai thác cáp treo, nhiều người cho rằng mình đang khai thác nên ngăn cản nhưng theo tôi, khai thác nhưng phải bảo vệ cảnh quan, môi trường, sinh thái...

* Bà BÙI VIẾT THỦY TIÊN (giám đốc Công ty du lịch  Asian Trails):

Nên phân ra nhiều khu vực

Chưa có cơ hội đến hang Sơn Ðoòng nhưng đã đọc qua các tài liệu về khu vực này, tôi biết rằng đây là một hệ thống hang rất lớn, hùng vĩ và rất đẹp. Tuy nhiên, không phải du khách nào cũng hội đủ yếu tố sức khỏe, tâm lý và cả khả năng tài chính để đến được nơi này. Ðây cũng là điều đáng tiếc nếu những du khách khác không có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc biệt này của hang Sơn Ðoòng.

Do đó, theo tôi, vẫn có thể thực hiện việc làm cáp treo để tạo điều kiện cho du khách bình thường có thể tham quan chiêm ngưỡng một phần khu vực hang. Riêng những khu đặc trưng, thật đẹp xin dành cho các tour du lịch đặc thù phục vụ những du khách có kỹ năng thám hiểm, yêu thích mạo hiểm và sẵn sàng chi trả giá tour cao để chiêm ngưỡng những nơi đẹp nhất của hang này.

Ðiều này sẽ cân đối và đáp ứng được nhu cầu đa dạng của nhiều nhóm khách tham quan và mang lại doanh thu cho địa phương. Quan trọng là cách làm thế nào cho đúng và không tàn phá môi trường thiên nhiên đặc thù, vốn là điểm nhấn của khu vực này.

* Ông NGUYỄN HỮU HOÀI (chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình):

Ðiều cốt lõi vẫn là bảo tồn di sản

Với Phong Nha - Kẻ Bàng, điều cốt lõi nhất, hơn cả về kinh tế, vẫn là bảo tồn di sản. Bởi đây là di sản thế giới chứ không chỉ riêng của Quảng Bình hay VN. Do đó, dù đã thống nhất chủ trương cho phép khảo sát thăm dò xây dựng cáp treo, nhưng trước khi quyết định làm hay không làm, chúng tôi sẽ tham vấn từ UNESCO, Bộ VH-TT&DL và các chuyên gia khác.

Nếu không làm thì thôi, còn làm thì làm ở quy mô nào, vị trí nào, làm đến đâu và làm như thế nào... chứ không phải làm lấy được, làm ào ào trước mắt, để rồi di sản bị ảnh hưởng lâu dài, đặc biệt là đối với hang Sơn Ðoòng.

* Ông NGUYỄN VĂN KỲ (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Bình):

Phải khai thác, nhưng không được làm hỏng di sản

Tôi nghĩ di sản thế giới không phải chỉ để biết trong hồ sơ và ngắm suông, mà còn phải để làm kinh tế, mang lại lợi ích cho xã hội và phục vụ người dân. Tuy nhiên, việc đầu tiên phải bảo đảm là không được làm hư hỏng di sản, không được phá vỡ cảnh quan môi trường của di sản. Nếu không bảo đảm được việc đó thì không nên làm.

* Ông LÊ THANH TỊNH (giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng):

Tôi đồng ý với dự án cáp treo

Theo báo cáo của Tập đoàn Sun Group với UBND tỉnh, nếu được xây dựng, phần lớn tuyến cáp đi song song với đường Hồ Chí Minh nhánh tây, nên ít phải làm đường công vụ, và sự tác động vào môi trường thấp. Khi chưa nghe thuyết minh về dự án này, tôi cũng rất phân vân, lo ngại di sản bị hư hại. Nhưng qua báo cáo của Tập đoàn Sun Group, tôi đồng ý cao với dự án làm cáp treo.

Dự án cáp treo: 3.000-4.500 tỉ đồng

Theo báo cáo tiền khả thi của Tập đoàn Sun Group với UBND tỉnh Quảng Bình, toàn tuyến cáp treo dự kiến có bốn đoạn, tổng cộng dài 10,6km. Tổng vốn đầu tư 4.500 tỉ đồng. Nếu không xây dựng đoạn 4, tổng vốn đầu tư sẽ là 3.000 tỉ đồng.

Đoạn 1: Nhà ga xuất phát trước cửa động Tiên Sơn, vượt dãy núi cao trên động và băng qua thung lũng Sinh Tồn. Đến khu vực cầu Trạ Ang trên đường Hồ Chí Minh, nhánh tây sẽ là nhà ga số 2. Đoạn này dài 6,78km. Độ chênh cao 64m. Thời gian đi 20 phút. Công suất bình thường: 1.500 người/102 cabin, công suất tối đa: 2.400 người/164 cabin.

Đoạn 2: Từ nhà ga Trạ Ang bẻ góc 150O đi đến cửa sau hang Sơn Đoòng. Dài 3,82km. Độ chênh cao 142m. Thời gian đi 20 phút.

Đoạn 3: Từ nhà ga ở cửa sau hang Sơn Đoòng vượt trên sống lưng núi Sơn Đoòng đến nhà ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng, dài 1,75km. Độ chênh cao 250m. Thời gian đi 6 phút. Công suất thiết kế 500 người/14 cabin, công suất tối đa 1.000 người/28 cabin.

Đoạn 4: Từ ga ở miệng hố sụt thứ hai của hang Sơn Đoòng sẽ đưa khách xuống đáy hố sụt thứ hai. Ở đây, du khách ngồi trong cabin hoặc được ra ngoài chiêm ngưỡng vườn Địa Đàng, là một rừng cây mọc trong hố sụt. 

Tổng cộng thời gian đi từ ga đầu đến hết ga cửa sau Sơn Đoòng là 80 phút. Nếu tuyến cáp treo này được xây dựng sẽ là cáp treo đơn dài nhất thế giới.

(Nguồn: Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng)

 

LÊ NAM - L.GIANG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên