29/09/2014 18:32 GMT+7

​Phải tính đến nguồn lợi thủy sản khi ồ ạt đóng tàu

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Đó là một trong rất nhiều đề xuất đã được đưa ra tại hội nghị khoa học “Vì sự phát triển bền vững của nghề cá”, do trường ĐH Nha Trang tổ chức ngày 29-9.

Tàu Hoàng Anh 01 - tàu cá vỏ thép đầu tiên được đóng theo chương trình hỗ trợ của nhà nước, đã trở lại vươn khơi vào sáng 25-9-2014, sau khi bị trục trặc phải đưa về sửa chữa, khắc phục một thời gian dài tại nhà máy của Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang - Ảnh: Phan Sông Ngân
Tàu Hoàng Anh 01 - tàu cá vỏ thép đầu tiên được đóng theo chương trình hỗ trợ của nhà nước, đã trở lại vươn khơi vào sáng 25-9-2014, sau khi bị trục trặc phải đưa về sửa chữa, khắc phục một thời gian dài tại nhà máy của Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang - Ảnh: Phan Sông Ngân

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT); chủ tịch, phó chủ tịch các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi; phó đại sứ Na-uy tại VN – bà Ragnhild Dybdahl và các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Huy Điền - phó tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản Bộ NNPTNT- đồng tình với kiến nghị cùng với việc nghiên cứu những mẫu tàu cá hiện đại, phù hợp với tập tính và nhu cầu khai thác của ngư dân, cần phải nghiên cứu, điều tra sản lượng các loài thủy sản để quy hoạch số lượng các loại tàu cần đóng phù hợp theo từng nghề khai thác thủy sản.

Trong tham luận “Định hướng mô hình phát triển bền vững đội tàu đánh cá VN”, PGS-TS Trần Gia Thái – trưởng khoa Kỹ thuật giao thông ĐH Nha Trang - cho biết đội tàu cá VN hiện có khoảng gần 120.000 tàu, trong đó hơn 90% là tàu vỏ gỗ cỡ nhỏ có chiều dài dưới 25m, trang bị đơn giản và thiếu đồng bộ. Do đó, chủ trương của nhà nước đầu tư, hỗ trợ để phát triển hiện đại hóa đội tàu cá xa bờ cỡ lớn là bước đột phá quan trọng để phát triển kinh tế biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc…

Tuy nhiên, tàu vỏ thép là loại tàu có công suất lớn, khai thác được thủy sản ở nhiều tầng khác nhau. Nếu không có nghiên cứu, điều tra về sản lượng thủy sản và quy hoạch cụ thể trước khi đóng mới các loại tàu lớn, tàu vỏ thép thì có thể sẽ trở thành một mối nguy cho sự phát triển bền vững của nghề cá. “Với cách làm ồ ạt như hiện nay để đóng mới 3.000 tàu vỏ thép thì liệu nguồn lợi thủy sản có đủ để khai thác hay không?”- PGS-TS Trần Gia Thái băn khoăn và cảnh báo. 

Theo TS Phạm Hồng Mạnh - khoa Kinh tế ĐH Nha Trang thì “trong chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân phát triển nghề cá cần phải xác định đối tượng được vay đóng mới các loại tàu nào (tàu vỏ gỗ, vỏ thép và vật liệu khác) cho phù hợp? Phải xác định số lượng các tàu được vay đóng mới theo từng nghề khai thác thủy sản cụ thể là bao nhiêu tàu...” 

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên