16/09/2014 05:30 GMT+7

​Mua, bán nợ xấu bằng “tiền tươi, thóc thật”

C.V.KÌNH - L.THANH thực hiện
C.V.KÌNH - L.THANH thực hiện

TT - Thủ tướng vừa có chỉ đạo đến ngày 30-9, Ngân hàng Nhà nước phải trình phương án xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Sau gần một năm thành lập, VAMC đã mua gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu, nhưng con số thực bán không đáng kể - Ảnh: Thanh Đạm
Sau gần một năm thành lập, VAMC đã mua gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu, nhưng con số thực bán không đáng kể - Ảnh: Thanh Đạm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Trần Đình Thiên - viện trưởng Viện Kinh tế VN - cho rằng cơ chế xử lý nợ xấu hiện nay là không triệt để và sẽ khiến tình trạng tiếp tục nhùng nhằng. 

Ông Thiên nói:

"VAMC không xử lý được nợ. Cuối cùng ngân hàng sẽ vẫn phải tự bỏ tiền ra xử đám nợ xấu này. Nó thành vòng tròn luẩn quẩn khiến lãi suất cho vay doanh nghiệp không thể hạ, họ vẫn khó khăn, không trả được nợ"

TS Trần Đình Thiên

- Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thành lập được một năm, đến nay có thể thấy đóng góp của VAMC khá hạn chế, có “dọn dẹp” được phần nào sự tắc nghẽn để khai thông các luồng vốn. Đến nay, VAMC chỉ “cào nợ” lại một đống rồi để đấy. Do vậy, nợ vẫn nằm đó, cơ bản không được xử lý, thậm chí còn khiến nợ xấu tăng lên.

Nói cách khác, VAMC là dồn nợ về để chờ cấp cứu. Sau một năm, trong số gần 60.000 tỉ đồng nợ xấu mà VAMC mua về, số nợ đã thực bán, nghĩa là được xử lý đúng theo thị trường, chỉ được vài phần trăm.

* Nhưng nhiều ngân hàng đã bán được nợ xấu cho VAMC. Chúng ta đang mong các nhà đầu tư nước ngoài vào và VAMC sẽ bán được nợ xấu đi?

- Tôi không cho rằng như thế. Nếu thị trường Việt Nam thật sự có điều kiện và tiềm năng để giải quyết nợ xấu đúng nghĩa thì nhà đầu tư nước ngoài đã vào rồi. Thực tế, cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC khó cho sự tham gia của cơ chế thị trường. Cách định giá trị nợ xấu đang có vấn đề.

Nhiều người nói rằng trong đống nợ xấu nói chung có một lượng không nhỏ số nợ xấu không có khả năng thu hồi. Đó là loại nợ quá xấu chứ không phải nợ xấu thông thường nữa. Thế nhưng, VAMC lại mua nợ theo kiểu “không tốn tiền” nên dễ định giá nợ không chuẩn. 

Trên thực tế, VAMC đã định giá nợ rất cao - nợ được “mua” với mức giá hơn 70% giá trị sổ sách. Có thể nói VAMC đánh đồng các loại nợ, không phân loại nợ và định giá cao. Mặt khác, cách xử lý nợ mà VAMC đang triển khai còn khiến nợ xấu gia tăng.

Theo quy định, sau năm năm mua khoản nợ của một ngân hàng về mà không bán được, VAMC sẽ “trả lại” cho ngân hàng chủ nợ. Như thế, nợ xấu vẫn còn nguyên đó. Tài sản xấu, sau năm năm bị “ế”, chắc chắn càng trở nên xấu hơn.

Thêm nữa, cách xử lý nợ xấu của VAMC cũng khiến lãi suất cho vay hiện nay khó hạ thấp cho dù lạm phát giảm mạnh và lãi suất huy động cũng hạ thấp đáng kể. Vấn đề ở chỗ khi “gửi” nợ cho VAMC giữ, hằng năm ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro tương đương 20% giá trị khoản nợ xấu đã gửi.

Nghĩa là dù nợ đã chuyển cho VAMC nhưng VAMC không bán được thì ngân hàng vẫn phải tốn phí một khoản lợi nhuận tương đương với số lãi suất mà 20% số dự phòng rủi ro đáng ra có thể mang lại. Để bù lại thiệt hại này, ngân hàng khó hạ lãi suất vay. 

TS Trần Đình Thiên - Ảnh: Việt Dũng
TS Trần Đình Thiên - Ảnh: Việt Dũng

* Vậy liệu có cơ chế nào để có thể xử lý được nợ?

- Theo tôi, chỉ cần thay đổi cơ chế của VAMC đã có thể thay đổi tình hình. Đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tỏ ý quan tâm, thậm chí đã có chuyên gia khẳng định nếu giá nợ xấu được xác định bằng 10% mệnh giá thì chỉ hai năm ông ta có thể huy động xử lý hết sạch nợ xấu của VN.

Tất nhiên đây là cách nói có phần cực đoan, song phản ánh một thực tế: cơ chế thị trường có thể giải quyết vấn đề và chỉ bằng cơ chế này mới giải quyết được vấn đề.

Trước hết, VAMC vẫn có thể mua nợ xấu nhưng phân loại nợ tốt hơn. Nghĩa là giá nợ xấu mua phải theo thị trường. Có thể khoản nợ xấu 100 tỉ nhưng định giá tùy theo mức độ xấu, có thể nó chỉ còn 50%, 30% hay 20%, thậm chí 10% thôi. Cũng có thể là 70-80% nếu nợ xấu đó còn “tốt”.

Nợ xấu là tài sản, nếu tài sản đó giá hợp lý thì nhiều người sẵn sàng mua, như thế mới giải phóng được. Ngoài ra, muốn xử lý được nợ xấu Nhà nước phải có quy định, cơ chế để thị trường nợ vận hành.

Nguyên lý là phải “tiền tươi, thóc thật” thì việc mua bán thật mới diễn ra được. Chứ như VAMC hiện nay nhận nợ về nhưng cơ bản chẳng bỏ ra đồng nào, chỉ làm chức năng “coi kho, canh nợ” thì khó.

* Nhưng nếu định giá như thế thì nhiều ngân hàng sẽ sốc, không chấp nhận, vì thiệt hại lớn quá?

- Phải tuân theo nguyên tắc thị trường. Nếu cứ để nợ không bán theo giá đó thì có nguy hiểm, có khả năng gây thiệt hại hơn không? Khi có nợ xấu không đòi được, ngân hàng cũng phải chấp nhận chịu thiệt. Bây giờ cần cắt lỗ để tiến lên.

Bán rẻ một chút mà giải tỏa nhanh được “cục máu đông” thì tốt chứ, tốt cho doanh nghiệp, ngân hàng và cho cả nền kinh tế. Nhà nước cũng cần nghiêm khắc chỗ này.

Theo tôi, điều quan trọng cần phải triển khai mua nợ thì cần phải phân loại nợ một cách nghiêm túc. Trường hợp nào nợ bê bết, đáng “chết” thì phải tìm cách xử lý luôn, buộc ngân hàng chấp nhận mất luôn khoản nợ xấu đó, thậm chí bán được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

* Có ý kiến cho rằng nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, không trả được nợ. Nay Nhà nước dùng tiền mua lại khoản nợ này là lấy tiền của dân đi cứu doanh nghiệp làm ăn yếu kém?

- Tại thời điểm khó khăn hiện nay - tôi xin nhấn mạnh điểm này - phải đặt vấn đề: đây là cứu cả hệ thống chứ không phải cứu những doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Lãi suất năm 2012 tăng quá mạnh, doanh nghiệp thua lỗ, khó khăn. Họ không trả được nợ thì ngân hàng cũng sẽ suy yếu.

Tình hình các ngân hàng có nợ xấu không xử lý được khiến lãi suất không thể hạ thấp hơn, tiếp tục gây khó cho doanh nghiệp và từ đó ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế. Do vậy, những lúc nền kinh tế gặp khó khăn bất thường như thế này là phải tìm giải pháp bất thường, hay “khác thường” càng tốt, để xử lý.

Không nên chỉ đặt vấn đề sợ cứu một ai đó mà khiến tình hình cứ nhùng nhằng. Muốn cứu doanh nghiệp để dần xóa nợ xấu thì phải hạ lãi suất cho vay xuống thấp hơn nữa.

* Vậy phải lấy tiền ở đâu để mua, bán nợ xấu?

- Có hai cách: thứ nhất là đẩy mạnh việc bán bớt tài sản nhà nước, đặc biệt tại các doanh nghiệp làm ăn có lãi như các công ty bia, sữa... Trong bối cảnh kinh tế chưa ấm lên, việc bán cổ phần lúc này có thể không được giá như mong đợi. Nhưng lúc nào có giá lúc đó.

Lúc nền kinh tế khó thì phải bán, khó thì phải bán rẻ để mà “cấp cứu”. Giá lúc này là việc khôi phục tăng trưởng cho nền kinh tế chứ không đơn thuần chỉ là đắt rẻ cổ phần. Cách thứ hai là có thể đi vay để xử lý nợ.

Vừa rồi, Việt Nam được thăng hạng tín nhiệm thêm hai bậc nên cạnh tranh hơn. Sự kiện này giúp chúng ta đi vay cũng thuận lợi hơn, lãi suất có thể ưu đãi hơn. Điều kiện hiện nay khá thuận lợi cho xử lý nợ xấu, không nên để nó tiếp tục nhùng nhằng, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế.

Nên học kinh nghiệm các quốc gia đi trước

Theo TS Trần Đình Thiên, VN không thể ảo tưởng trong việc xử lý nợ xấu vì bài học của Nhật Bản còn đó. Những năm 1990, kinh tế của Nhật còn tốt hơn mình nhiều, niềm tin vào hệ thống ngân hàng rất cao, kỷ luật tài chính rất tốt.

Tuy nhiên, Nhật Bản cũng không thể trong vài ba năm mà xử lý được nợ xấu. Họ đã phải mất 20 năm. Chúng ta đi sau nên rút kinh nghiệm từ Nhật Bản.

C.V.KÌNH - L.THANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên