07/07/2012 06:08 GMT+7

Đến lượt ngành chăn nuôi kêu cứu

TRẦN MẠNH
TRẦN MẠNH

TT - Nếu không có biện pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi, người dân sẽ bỏ chuồng trại và nguy cơ thiếu thịt, sốt giá thực phẩm vào cuối năm nay sẽ thành hiện thực.

Không để nông dân thua lỗ

m307qVOF.jpgPhóng to
Người nuôi heo khốn đốn do giá heo xuất chuồng giảm xuống dưới giá thành - Ảnh: TRẦN MẠNH

Tại hội nghị bàn giải pháp khắc phục khó khăn của ngành chăn nuôi ở TP.HCM ngày 6-7, ông Nguyễn Đăng Vang, chủ tịch Hội Chăn nuôi VN, cho biết cần có những giải pháp cấp bách để cứu người chăn nuôi trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.

Từ lỗ đến lỗ

Sau thời gian dài giảm liên tục, giá heo và gà hiện đều rơi xuống dưới giá thành. Đầu tháng 7, giá heo giảm chỉ còn 36.000-39.000 đồng/kg, mỗi ký heo bán đi người chăn nuôi lỗ 8.000 đồng. Tương tự ngày 6-7, giá gà công nghiệp chỉ còn 20.000 đồng/kg trong khi giá thành mức 30.000 đồng/kg. “Nếu tình hình này kéo dài thì người nuôi sẽ bỏ đàn hết, còn các công ty cũng phải tính lại phương án kinh doanh” - ông Nguyễn Thanh Phương, phụ trách chăn nuôi Công ty Emivest VN, cảnh báo.

Theo ông Nguyễn Đăng Vang, thiệt hại do người dân bán sản phẩm thấp hơn giá thành hiện lên tới 2.000-2.500 tỉ đồng/tháng và nếu kéo dài tới tháng 9, thiệt hại sẽ lên đến 5.000 tỉ đồng/tháng. “Nếu không ngăn chặn nhanh còn có thể kéo theo thiệt hại kép như đàn heo nái giảm quá đà, tết này sẽ thiếu thịt, giá cả tăng cao như đã xảy ra ở nửa đầu năm 2011” - ông Vang nói.

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do cung vượt cầu. Một chuyên gia cho biết giá heo, gà ở mức rất cao cuối năm 2011 đã kích thích người dân đầu tư mở rộng chăn nuôi. Trong khi đó nhu cầu lại giảm khá mạnh khi bước sang năm 2012, người tiêu dùng giảm mua do kinh tế khó khăn kéo dài. Thông tin chất kích nạc hồi tháng 3 và 4 cũng làm người tiêu dùng ngưng hoặc giảm tiêu thụ thịt heo.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Phương, thịt nhập khẩu là một trong những nguyên nhân chính làm giá gà trong nước giảm mạnh. “Mỗi tháng VN nhập trung bình 6.500 tấn thịt gà công nghiệp, quy đổi ra sẽ thành 3,24 triệu con gà/tháng, tương đương 25% tổng lượng gà tiêu thụ hằng tháng tại thị trường nội địa. Do đó Nhà nước nên có biện pháp hạn chế nhập khẩu thịt trong thời gian tới để cứu ngành chăn nuôi” - ông Phương nói.

Số liệu Cục Chăn nuôi cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, tổng lượng thịt nhập khẩu về VN đạt 41.310 tấn, trong đó thịt gà chiếm 38.900 tấn (94%) và thịt heo 2.400 tấn. Ngoài ra, theo Hiệp hội Chăn nuôi VN, thời gian qua mỗi ngày hàng chục xe (2 tấn/xe) chở gà già từ Trung Quốc về VN. “Đó là gà già sau khi hết vòng đời đẻ trứng họ không ăn nên bán rẻ cho VN. Lượng gà này góp phần tăng nguồn cung tại thị trường VN vốn đang dư thừa, đồng thời đây là nguồn dịch bệnh cần kiểm soát chặt chẽ” - ông Vang cho biết.

Giải cứu ngành chăn nuôi

Ông Vang đề nghị giải pháp cấp bách nhất là giảm nguồn cung để cân đối lại thị trường. Theo đó, các hộ gia đình nuôi heo nên giảm khoảng 15% heo cai sữa sang thành heo quay, còn các cơ sở giết mổ nên áp dụng quy trình cấp đông sâu để lưu trữ thịt trong 3-4 tháng.

Bộ NN&PTNT vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có điều kiện mua, bảo quản, chế biến thịt heo đông lạnh. Cụ thể, đối với doanh nghiệp tiêu thụ tươi và giết mổ cấp đông sẽ cho vay 20 triệu đồng/tấn sản phẩm, thời hạn ba tháng với lãi suất 0%. Với những doanh nghiệp chế biến sản phẩm đóng hộp sẽ được vay 30 triệu đồng/tấn sản phẩm trong thời hạn sáu tháng, lãi suất 0%.

Ông Nguyễn Quốc Trung, tổng giám đốc Công ty Japfa VN, cho biết Nhà nước cần bỏ thuế giá trị gia tăng ra khỏi ngành thức ăn chăn nuôi vì thuế này đánh trực tiếp vào người dân. “Chỉ cần bỏ thuế này ra thì giá thành chăn nuôi sẽ giảm được 5%” - ông Trung nói. Ông Nguyễn Đăng Vang cho biết sẽ kiến nghị vấn đề này lên Chính phủ, vì ở các nước Đông Nam Á chẳng có nước nào áp thuế giá trị gia tăng với thức ăn chăn nuôi.

Hơn nữa, theo phó giáo sư Lê Thanh Hải, ngành chăn nuôi cần có giải pháp căn cơ lâu dài thay vì giải quyết kiểu “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện tại. “Dịch bệnh năm nào cũng có nhưng Cục Thú y làm gì mà cứ để tình trạng lặp đi lặp lại. Quy hoạch chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi chủ yếu trên giấy. Nếu có quỹ phát triển chăn nuôi thì nay dùng tiền đó mua thịt heo rồi cấp đông sẽ giảm áp lực cho thị trường để đẩy giá lên, nhưng nhiều năm rồi vẫn chưa có” - ông Lê Thanh Hải bức xúc.

TRẦN MẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên