02/05/2011 06:01 GMT+7

Mít, chuối... hút hàng

V.TR. - T.TÚ
V.TR. - T.TÚ

TT - Mít, chuối, đu đủ... vốn là những loại cây được nông dân trồng xen trong vườn để ăn chơi chứ không phải trồng chuyên để bán. Thế nhưng các loại trái cây này hiện đang “sốt” vì không đủ hàng để xuất khẩu.

B09sq5bG.jpgPhóng to
Đóng gói chuối già xuất khẩu tại Công ty Long Giang - Ảnh: Thanh Tú

Rất nhiều nông dân đã đổi đời nhanh chóng nhờ những loại cây ăn trái trồng chơi này.

Trồng chơi ăn thiệt

Có 0,9ha trồng mít loại Dương Linh (có nguồn gốc từ Thái Lan), ông Hồ Văn Lập, ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), cho biết vừa thu được gần 50 triệu đồng từ tiền bán trái. Với giá mít bán cho thương lái hiện nay 27.000-28.000 đồng/kg, ông Lập cho biết năm nay sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng từ bán mít trái và 150 triệu đồng từ bán giống. Đây là con số khá cao nếu so với các loại cây trồng khác.

Bắp, chanh dây cũng “sốt”

Ông Nguyễn Xuân Huy, giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Long Giang, cho biết thị trường Trung Quốc cũng đang chuộng trái chanh dây và bắp tươi VN. Hai loại cây này cũng rất dễ trồng, đầu tư thấp nhưng hiệu quả rất cao.

Chanh dây hiện được trồng phổ biến ở các tỉnh miền Đông. Công ty thu mua chanh dây giá 25.000 đồng/kg, còn bắp tươi 12.000 đồng/túi 4kg.

Dừa nước cũng đang được Trung Quốc nhập khẩu mạnh. Cơm dừa nước đóng gói nilông hút chân không có giá tới 45.000 đồng/kg.

Theo ông Đoàn Văn Toản - phó chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, giống mít Dương Linh có đặc điểm múi vàng như nghệ, giòn, ngọt, khô và không có mủ nên rất được thị trường ưa chuộng. Những năm đầu trọng lượng trái đạt khoảng 20kg, nhưng càng về sau trái càng to, có thể đạt tới 40kg/trái. Từ vườn mít đầu tiên ông Lập nhân giống, đến nay toàn xã có tới 50ha mít Dương Linh.

Giá mít tăng cao như hiện nay do nhiều thương lái tìm mua mít để bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Không chỉ mít, hiện các thương lái và doanh nghiệp cũng đang “đổ bộ” vào các khu vườn cây ăn trái ở vùng sâu, vùng xa nhiều tỉnh phía Nam tìm mua chuối. Chuối xiêm, chuối già, chuối cau, chuối sứ... đều được thu gom hết với giá rất cao: 6.000-8.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Xuân Huy, giám đốc Công ty CP chế biến nông sản Long Giang (Tiền Giang), cho biết thời gian qua chuối VN đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Trung Quốc. “Để có đủ 60 tấn thành phẩm đóng ba container xuất sang Trung Quốc mỗi tuần, chúng tôi phải đặt hàng mấy chục thương lái ở khắp các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ để thu gom” - ông Huy cho hay.

Một loại trái cây vốn chỉ được bán số lượng rất ít ở các chợ là đu đủ cũng đang hút hàng mạnh. Theo ông Huỳnh Văn Nhịn, ở xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), thương lái tìm tới tận vườn của ông mua đu đủ với giá 7.000 đồng/kg. Hiện ông Nhịn trồng 300 cây đu đủ xen trong vườn sầu riêng. Lứa trái đầu tiên đã đem về cho ông tới 50 triệu đồng.

Theo nhiều hộ dân trồng sầu riêng ở huyện Cai Lậy, đu đủ rất dễ trồng, cho trái nhanh và giá cao hơn sầu riêng nên tính ra lợi nhuận từ cây này đang cao gấp đôi cây sầu riêng. Cũng vì sầu riêng khó chăm sóc mà lợi nhuận ngày càng giảm nên ông Nguyễn Văn Tèo cùng xóm với ông Nhịn đã quyết định đốn bỏ sầu riêng để trồng 400 cây đu đủ lai F1 Sinta. Vụ đầu tiên vừa thu hoạch ông Tèo bán được 15 tấn, lãi ròng 50 triệu đồng. Hiện nay sắp vào đợt thu hoạch thứ hai, thương lái trả giá 7.000 đồng/kg nhưng ông không bán vì giá ở chợ tới 10.000 đồng/kg.

Biểu đồ xuất khẩu rau củ quả

zy3RYtsw.jpgPhóng to

(*) 4 tháng đầu năm, (**) tính đến 15-4-2011

Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: Như Khanh

Thiếu hàng xuất

Theo ông Nguyễn Minh Châu - viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (Bộ NN&PTNT), nhu cầu tiêu thụ mít, chuối, đu đủ... ở nhiều nước hiện rất lớn. Năm 2010, tại Festival trái cây VN lần 1 ở Tiền Giang, ông Châu đã thông tin và khuyến cáo nông dân chú ý trồng những loại cây này.

Trong khi nhu cầu nhập khẩu chuối, đu đủ, mít của thế giới ngày càng lớn thì nông dân các tỉnh phía Nam vẫn giữ thói quen... trồng chơi vài cây hoặc vài chục cây xen trong vườn cây ăn trái khác, nên thiếu hàng xuất khẩu là đương nhiên.

“Ngay cả nguồn nguyên liệu cung cấp cho Công ty Vinamit chế biến mít sấy khô hiện cũng không đủ, nên công ty này phải nhập mít từ Ấn Độ. Đây là cơ hội rất tốt cho nông dân chuyển đổi một số loại cây ăn trái kém hiệu quả sang cây mít” - ông Châu khuyến cáo.

Ông Châu phân tích sở dĩ Trung Quốc, châu Âu nhập khẩu nhiều chuối, đu đủ là do hai loại trái cây này có hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao. Cây dễ trồng, không phun thuốc bảo vệ thực vật nên về cơ bản đây là loại trái cây sạch, an toàn cho sức khỏe. Do đó, ông Châu cho rằng nông dân nên chú ý trồng chuối và đu đủ chuyên canh với diện tích lớn chứ không nên trồng xen như hiện nay.

Hiện Viện Cây ăn quả miền Nam đã có giống chuối cấy mô trồng một năm cho thu hoạch đồng loạt, đồng đều về chất lượng. Viện cũng sắp cho ra đời một giống đu đủ mới lai tạo thành công có chất lượng rất cao, ruột màu vàng (hiện ở VN phổ biến giống đu đủ Đài Loan ruột tím) kháng bệnh tốt.

Giữa tháng 5-2011, chôm chôm sẽ vào Mỹ

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu trái cây tươi của VN sang các thị trường khó tính tiếp tục thuận lợi. Trong bốn tháng đầu năm 2011, xuất khẩu thanh long sang Mỹ đạt 600 tấn, bằng 70% tổng lượng xuất khẩu của cả năm 2010.

Bên cạnh thanh long, chôm chôm VN cũng đã được Mỹ cho phép nhập khẩu, dự kiến lô hàng đầu tiên sẽ xuất sang Mỹ vào giữa tháng 5 -2011.

Ngoài Mỹ, trái thanh long của VN đã có mặt tại hai thị trường khó tính khác là Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo thống kê, xuất khẩu thanh long sang Nhật Bản trong bốn tháng đầu năm nay đạt 200 tấn, riêng thị trường Hàn Quốc mới xuất khẩu nên đạt 40 tấn.

Cũng theo Cục Bảo vệ thực vật, cuối tháng 4 vừa qua một đoàn chuyên gia của New Zealand đã tới VN để kiểm tra các khâu chuẩn bị xuất khẩu xoài tươi vào thị trường này.

Bước đầu các chuyên gia New Zealand đánh giá cao sự chuẩn bị của VN và dự tính đến đầu năm 2012, trái xoài của VN có thể được xuất khẩu vào thị trường này sau khi được xử lý bằng cả hai phương pháp là chiếu xạ (như thị trường Mỹ) và xử lý hơi nước nóng (như với Nhật Bản và Hàn Quốc)

V.TR. - T.TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên