08/02/2010 06:03 GMT+7

Chọn mâm ngũ quả tết

MY LĂNG - MỸ THƯƠNG
MY LĂNG - MỸ THƯƠNG

TT - Mâm ngũ quả không chỉ là nghi lễ truyền thống mà còn thể hiện khả năng của gia chủ. Những người thích “hàng độc” thường tìm một nghệ nhân để đặt hàng theo yêu cầu của mình.

LbVWWdOt.jpgPhóng to
Hai nhân viên của Trung tâm dịch vụ cưới Pha Lê (Q.Bình Thạnh) kiểm tra lần cuối cặp long phụng chuẩn bị giao cho khách hàng - Ảnh: My Lăng

Tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có hơn mười nghệ nhân chuyên thực hiện dịch vụ này. Những ngày cận tết, họ tất bật không ngơi tay để hoàn thành hợp đồng cho khách. Hàng loạt khung cho mâm quả rất kỳ công và tốn nhiều thời gian bởi làm bằng tay được ráo riết hoàn thành.

“Chọn mặt gửi vàng”

Trong căn nhà chật cứng những mô hình, nghệ nhân Sáu Ngà mướt mồ hôi “đánh vật” với cặp long phụng dài 5m. Năm nào cũng vậy, ngoài kết mâm quả cho các gia đình, ông Sáu Ngà còn nhận kết rồng phụng cho các xí nghiệp tổ chức hội xuân.

Lọt thỏm giữa cau, tỏi, hành, ớt và hàng trăm món rau củ khác, “vua mâm quả” Chín Dúp (ấp Thới Tứ) nói: “Mấy năm nay năm nào tôi cũng chỉ nhận chưng mâm quả cho 20 hộ gia đình. Nhận nhiều quá sợ làm không đẹp và không kịp, ảnh hưởng đến danh tiếng của mình”.

Còn theo nghệ nhân Lê Văn Cành (ấp Nam Thới), đơn đặt hàng chưng mâm quả ngày tết năm nay vẫn theo các mẫu truyền thống như: “Long phụng hòa minh”, “Sắt cầm hảo hiệp”, “Tùng lộc”, “Tứ linh”, “Phước Lộc Thọ”, “Long lân”, “Long hổ”... Nhiều nghệ nhân khẳng định đặt hàng trước tết một tháng là thời điểm tốt nhất. Khi đó, khách hàng có thể yêu cầu những mẫu mã mới, giá cả cũng phải chăng.

Vài năm gần đây có khá nhiều cửa hàng, dịch vụ làm mâm ngũ quả tết, trong đó nhiều trung tâm dịch vụ cưới cũng mở thêm dịch vụ này. Tuy nhiên, do ít thông tin quảng cáo nên nhiều người dù có nhu cầu cũng khó tìm được nơi cung cấp dịch vụ có chất lượng.

Ông Nguyễn Tấn Pha - chủ Trung tâm dịch vụ cưới Pha Lê trên đường Lê Quang Định (Q.Bình Thạnh) - cho biết: “Những năm trước đến 25 tết mới có người đặt làm cặp long phụng và kết tháp trái cây (mâm ngũ quả kết thành hình tháp). Nhưng năm nay mới 19 tháng chạp đã có người đặt hàng. Chúng tôi phải từ chối nhiều người, chỉ dám nhận 15 cặp long phụng và bảy tháp trái cây vì sợ không làm kịp”.

Khách của Trung tâm dịch vụ cưới Pha Lê đa số là mối quen: những gia đình khá giả, những người Hoa làm kinh doanh và một số nghệ sĩ. Đặc biệt, có cả một vài khách là người nước ngoài hoặc Việt kiều. “Họ phải tiếp khách nhiều nên muốn có một bàn thờ trang trọng trong ngày tết. Ngoài 15 nhân viên chính thức, trung tâm còn huy động thêm mười nhân viên thời vụ làm thêm vào thứ bảy, chủ nhật mới kịp giao cho khách vào 30 tết” - ông Pha nói.

ivrIy5cl.jpgPhóng to
Nghệ nhân Chín Dúp làm một mâm ngũ quả - Ảnh: Mỹ Thương

Chiều theo “gu thượng đế”

Theo ông Pha, dù công sức và thời gian kết một cặp long phụng nhiều hơn một tháp trái cây (cao khoảng 8 tấc) nhưng đều có giá 2 triệu đồng. Mỗi cặp long phụng cao chừng 1m, được kết từ một số loại lá, ớt và nhiều loại trái cây. Trên bàn thờ, rồng (long) được đặt bên trái, còn phượng (phụng) đặt bên phải. Rồng và phượng tượng trưng cho sự thăng hoa, đi lên, may mắn...

Còn tháp trái cây, theo ông Pha: “Năm nay vẫn theo xu hướng truyền thống là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung. Có thể kết hợp thêm thanh long hoặc thơm (dứa). Chỉ khác ở chỗ cách sắp xếp lạ: mỗi loại trái cây kết thành một đường, tất cả xoắn lấy nhau tạo thành một thế vững chắc và nhìn rất đẹp mắt”. Ông Pha khẳng định phải chọn những loại trái cây cứng, tươi để giữ được trong mấy ngày tết.

“Chúng tôi dựa vào “gu” của từng người, theo phong cách Tây hay ta mà đưa ra lựa chọn phù hợp nhất. Khi làm xong, nhân viên sẽ đến giao hàng tận nhà. Đa số khách đều nhờ mình tư vấn cách sắp xếp mâm ngũ quả. Thật ra rất đơn giản: “đông bình (bình hoa) tây quả (tháp trái cây), rồng trái, phụng phải” - ông Pha cho biết.

Ông Huỳnh Quang Lĩnh, phó chủ nhiệm CLB Mỹ thuật Nhà văn hóa Thanh niên, cho biết: “Ngay từ 20 tháng chạp đã có người đặt chúng tôi làm mâm ngũ quả để cúng tất niên. Có ngày chúng tôi phải chia lực lượng ra ba nơi, từ khu du lịch Đầm Sen, khu du lịch Văn Thánh đến... bãi biển Long Hải để phục vụ khách hàng”.

Mâm ngũ quả chọn những trái căng tròn và không đơn lẻ. Mũi của các quả phải quay ra bên ngoài, mỗi loại quả hướng về một phương nhưng cuống phải xoay vào trong (trừ dừa). Tùy theo sở thích và yêu cầu từng khách hàng mà nhóm của Quang Lĩnh sẽ sắp xếp theo kiểu thông thường hay kết thành tháp hoặc rồng phượng. Chi phí mỗi mâm ngũ quả từ 1,5-2 triệu đồng. Nhân viên làm trực tiếp ngay tại nhà khách hàng. Ông Lĩnh cho biết tháp trái cây có ưu thế giữ được lâu hơn, có những tháp chưng đến hết tết vẫn tươi.

Còn đặt hàng tại các nghệ nhân giá từ 800.000-1,5 triệu đồng tùy địa điểm làm và yêu cầu của khách. Ngoài ra, khách hàng còn được tư vấn để có một bàn thờ chưng mâm quả đẹp nhất. Nhiều nghệ nhân cho biết giá mâm quả năm nay tăng không nhiều so với những năm trước. Nhưng với nhu cầu tăng cao trong dịp tết thì giá vẫn có thể bị đẩy lên.

Nghệ nhân Sáu Ngà dự đoán: “Những ngày cận tết đơn đặt hàng nhiều, giá hoa quả tăng. Giá một mâm ngũ quả có thể tăng gấp đôi. Nếu khách hàng yêu cầu trái cây ngoại thì giá có thể tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên những người thật sự hiểu về mâm quả vẫn chọn những loại sản vật của vùng sông nước, càng quê càng tốt”.

Theo ông Huỳnh Lê Phong (Q.Gò Vấp), mặc dù mâm quả giá khá cao nhưng đảm bảo yêu cầu về hình thức và chất lượng lại tiết kiệm thời gian đi chợ. Tuy nhiên, nếu không kiểm tra hàng cẩn thận, nhiều dịch vụ vẫn cung cấp các loại trái cây không rõ nguồn gốc hoặc đã giập nát.

Đa dạng mâm ngũ quả

Đại cát, Như ý, Phát lộc, Phát tài... là tên những kiểu mâm ngũ quả trong catalogue mà nhóm của Quang Lĩnh đưa ra để khách lựa chọn.

Ông Lĩnh cho biết: “Nếu ở nhà khách có trồng cây ra trái thì chắc chắn phải lấy đưa vào vì tốt hơn mua ở chợ. Tên và kiểu từng mâm ngũ quả theo yêu cầu hoặc đặc điểm gia đình của khách. Chẳng hạn, gia đình quá giàu thì chọn mâm “Công thành danh toại”,Hiển vinh sinh ý”. Với gia đình bình dân thì tư vấn cho họ chọn mâm “Đại cát”, “Sinh ý hưng long”. Mâm “Thọ tỉ Nam sơn” hay “Trường thọ” (kèm theo bức tượng ông Thọ) thì dành cho những gia đình có người già cần chúc thọ. Gia đình nhiều thế hệ nên chọn mâm “Đa phúc”, còn gia đình vợ chồng trẻ thì chọn mâm “Vàng son”, tất cả mỗi loại trái cây đều là đôi.

Còn với khách hàng là công ty thì dựa theo đặc thù kinh doanh của họ. Chẳng hạn, nếu công ty hoạt động về lĩnh vực dịch vụ nên chọn mâm “Sinh ý hưng long”, công ty hoạt động về bất động sản thì chọn mâm “Đa lộc đắc địa” kèm theo câu đối treo hai bên “Đa lộc, đa tài, đa phú quý/ Đắc thời, đắc lợi, đắc nhân tâm”...

MY LĂNG - MỸ THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên