04/12/2009 06:20 GMT+7

Nỗi lo nhập siêu

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN
Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN

TT - “Không chỉ nhập xe hơi, môtô từ Mỹ, thịt bò từ Argentina, hiện nay chúng ta còn nhập cả táo, lê từ Hàn Quốc, rau từ Ý... Đây là một trong những lý do góp phần đẩy nhập siêu gia tăng những tháng cuối năm” - một chuyên gia kinh tế đã nhận xét như vậy.

4dgGX45J.jpgPhóng to
Trái cây ngoại hiện được bán tràn ngập tại các siêu thị - Ảnh: N.BÌNH

Nhiều chuyên gia dự đoán với việc cho phép nhập khẩu vàng được mở trở lại trong tháng 11, con số nhập siêu cả năm 2009 sẽ cao hơn nhiều so với mức 10,2 tỉ USD mà Tổng cục Thống kê đưa ra trong 11 tháng qua.

Nhập phô mai hơn cả Trung Quốc

Cuối tuần qua Tập đoàn Lactalis International (Pháp) đã chính thức chỉ định Công ty Hoàng Lan (TP.HCM) là nhà phân phối chính thức các sản phẩm bơ, sữa, phô mai tại VN sau 10 năm thâm nhập thị trường. Thành tích ấn tượng của Hoàng Lan được lãnh đạo Tập đoàn Lactalis International nhấn mạnh là giúp tiêu thụ mỗi năm 500-600 tấn sản phẩm phô mai mang nhãn hiệu President tại thị trường VN, cao nhất châu Á và vượt qua cả mức tiêu thụ ở thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc!

Minh Sao - một công ty nhỏ chuyên nhập hàng hóa Hàn Quốc có trụ sở ở Hà Nội, mới hoạt động tại TP.HCM chừng một năm nay - cho biết số lượng hàng nhập về đã tăng 30%. Riêng hàng thực phẩm khô, rau củ quả mỗi tháng bình quân công ty này nhập về một container, dự kiến những tháng cuối năm sẽ tăng gấp hai lần. “Sau khi nhập thử thấy người tiêu dùng chấp nhận, công ty sẽ mở rộng nhập nho, táo, lê và rau từ Hàn Quốc để phục vụ mùa lễ tết. Trước đây, chúng tôi chủ yếu phục vụ thị trường Hà Nội, sau đó là khu vực Q.7, TP.HCM, bây giờ bắt đầu nhập hàng về cho các hệ thống siêu thị Co.op Mart, Big C...” - bà Lê Hoàng Thùy Linh, giám đốc Minh Sao, nói.

"Trong khi chúng ta còn đang phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu để phục vụ xuất khẩu, thì năm 2010 khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc thuế cơ bản chỉ còn 0-5%, lúc đó chúng ta phải cạnh tranh vất vả hơn với hàng tiêu dùng Trung Quốc "

Độ lớn thị trường, sức mua tăng ở mức hấp dẫn, dân số trẻ... là những yếu tố kéo các nhà sản xuất và xuất khẩu quốc tế đến VN những ngày qua chứ không chỉ dừng lại ở những con số dự báo trong các bản báo cáo nghiên cứu thị trường. Chỉ trong vòng một tháng qua, TP.HCM đã đón tiếp nhiều đoàn thương mại lớn của Ý, Đan Mạch, Brazil, Canada, Hàn Quốc, Indonesia... Ông Kitashima Satoshi, giám đốc Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại TP.HCM, nhận định: “Do thị trường Nhật Bản đang khó khăn, các doanh nghiệp Nhật Bản đẩy mạnh việc đi tìm thị trường bên ngoài. VN đang nổi lên như một địa điểm có sức mua hấp dẫn nên sẽ có sức hút các doanh nghiệp Nhật rất lớn”.

Năng lực cạnh tranh thấp

Tại Hội thảo kịch bản kinh tế VN năm 2010 vừa được tổ chức, các diễn giả không chỉ dự báo mức nhập siêu lớn năm nay mà còn cảnh báo viễn cảnh tương tự sẽ lặp lại trong năm sau. Theo dự báo của tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, giám đốc nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, mức nhập siêu năm 2009 khoảng 12-13 tỉ USD.

Đánh giá thành tựu kinh tế khi thực hiện các hiệp định mậu dịch tự do thời gian qua, nguyên bộ trưởng thương mại Trương Đình Tuyển nhận xét VN không chỉ nhập siêu lớn từ ASEAN mà cả với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, trong đó với Ấn Độ đến 300%. “Nhập siêu do năng lực cạnh tranh thấp, VN không tận dụng được ưu thế về mức cắt giảm thuế để xuất khẩu” - ông Tuyển nhận định.

Do không đủ nguyên liệu sản xuất trong nước, doanh nghiệp tìm đến nguồn cung cấp từ Trung Quốc ngày càng nhiều. Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu hàng điện tử, điện máy nói vui rằng đi dự hội chợ từ Quảng Châu đến Thượng Hải mới thấy doanh nghiệp VN dập dìu qua đây đóng hàng về VN bán. “Mới đây, để chuẩn bị cho một hội chợ ngành xây dựng, chúng tôi điện thoại cho bảy ông giám đốc thì có đến năm người nói đang ở Trung Quốc tìm mua hàng”, trưởng phòng tiếp thị một công ty tổ chức sự kiện nói.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, tình hình nhập siêu mấy năm qua không giảm nhiều vì cơ cấu sản xuất, việc đầu tư cho sản xuất trong nước chưa cải thiện. Nguyên liệu đầu vào cho ngành dệt may, giày da xuất khẩu, theo bà Phạm Chi Lan, không phải khó làm hay thiếu tài chính để đầu tư, nhưng do không đầu tư đến nơi đến chốn nên bao nhiêu năm qua tỉ lệ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu vẫn dừng lại ở mức cao, 70- 80%.

“Chẳng hạn, chúng ta nói nhiều về ngành công nghiệp phụ trợ nhưng làm chẳng bao nhiêu nên tình hình không chuyển biến. Nếu không cải thiện cơ bản về cơ cấu sản xuất trong nước thì tình hình nhập siêu sẽ vẫn như thế”, bà Phạm Chi Lan nhận xét.

Chuyên gia kinh tế PHẠM CHI LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên