12/04/2009 12:23 GMT+7

Chi tiêu hợp lý thời khủng hoảng

Theo LY LAMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo LY LAMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, chi tiêu như thế nào cho hợp lý là một câu hỏi không dễ trả lời. Tùy trường hợp cụ thể, một cá nhân, tổ chức, hay một đất nước, mà khái niệm “hợp lý” ấy có thể khác nhau.

erB6si9a.jpgPhóng to
Tranh: Hoàng Tường
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, chi tiêu như thế nào cho hợp lý là một câu hỏi không dễ trả lời. Tùy trường hợp cụ thể, một cá nhân, tổ chức, hay một đất nước, mà khái niệm “hợp lý” ấy có thể khác nhau.

Thời gian qua, ở cả Việt Nam và thế giới, trên các phương tiện truyền thông đều đề cập đến “kích cầu tiêu dùng” và “kiểm soát chi tiêu”. Nghe khá mâu thuẫn, bởi đúng là có kích cầu tiêu dùng mới kích thích sản xuất, giúp kinh tế phát triển để vượt qua khủng hoảng, nhưng nếu không kiểm soát chi tiêu thì rất dễ trở tay không kịp một khi những rủi ro không lường trước giáng xuống đầu mình.

Về chi tiêu sinh hoạt, người Việt trước nay có thường vung tay quá trán? Khủng hoảng, mức tiêu dùng của xã hội có giảm và cơ cấu hàng tiêu dùng có gì đổi thay? Chi tiêu công - một phần rất quan trọng trong tổng chi của nền kinh tế - nên có những điều chỉnh gì trong tình hình hiện nay? Trong gần hai giờ đồng hồ bàn luận sôi nổi, sáu khách mời tham dự cuộc tọa đàm tháng 4 của Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần, tổ chức tại Press Café, đã cố gắng mổ xẻ vấn đề, đặc biệt là những gì liên quan đến kinh tế vi mô lẫn vĩ mô, xuất phát từ việc “chi tiêu hợp lý trong thời khủng hoảng” ấy.

Tâm lý - cái chung và cái riêng

Câu chuyện thời sự quốc tế và trong nước suốt mấy tháng qua là những gói giải pháp “kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế” của các quốc gia, đồng thời khuyến khích tiêu dùng và lên án sự bảo hộ mậu dịch. Bởi nếu mỗi cá nhân, quốc gia chỉ lo cho sự an toàn riêng thì cuộc khủng hoảng trên bình diện quốc gia, quốc tế rất dễ kéo dài. Nói vậy, nhưng làm được vậy có dễ không?

Chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng kể một câu chuyện mới đây, rằng ở Mỹ có một người dùng 100.000 USD đi mua vàng, đem về nhà cất. Ông ta cho biết trước sau gì ông cũng nghỉ hưu, khi ấy sẽ chẳng ai lo cho ông ngoài chính mình, bởi những quỹ hưu trí, bảo hiểm, sức khỏe… mà ông đã tham gia đang dở sống dở chết và ông không còn tin rằng chúng có khả năng giúp cho mình sau này. Mua vàng về cất trong nhà yên tâm hơn. Ông Dưỡng nhấn mạnh:

- Người đàn ông này chắc chắn không phải là trường hợp cá biệt. Trong năm 2008, tỷ lệ mua két sắt ở Mỹ tăng 43%. Nó nói lên một điều là rất nhiều người muốn giữ cái gì đó cho riêng mình. Còn trên cương vị tổng thống, ông Obama kêu gọi những công trình của Mỹ nên xài hàng Mỹ. Như vậy, từ người lãnh đạo cao nhất đến những người Mỹ bình thường đều đang nhắm đến bài toán cá nhân. Khủng hoảng toàn cầu là mối lo chung, ai cũng nói rằng phải cùng nhau giải quyết cái chung đó, nhưng từng con người, từng quốc gia đều lo giải quyết cái riêng cả. Nước Mỹ cũng là một trong hàng trăm quốc gia trên thế giới đang kêu gọi hãy đẩy mạnh tiêu dùng để cứu kinh tế thế giới.

Đấy là bài toán mang tính xã hội nhưng gắn liền với bài toán của từng cá nhân. Mọi người đều biết là nếu ai cũng chỉ lo cho riêng mình, thì cái chung còn lâu mới phục hồi, nhưng có ai dám vung tay ra không? Ai cũng biết là cần phải xài thêm, khó khăn chưa đến nỗi như thế, hãy cùng chi xài cho kinh tế tốt hơn lên... Nhưng khi thu nhập của mình đã giảm hoặc có thể sẽ giảm thì phải tính lại, không mua cái này nữa, để từ từ vài tháng sau xem sao. Trừ những người thu nhập tăng trong thời khủng hoảng, còn thì ai cũng phải suy nghĩ vậy thôi.

Một thí dụ điển hình, ở hội nghị G20 vừa diễn ra, có vấn đề quan trọng là “giải cứu thế giới”, kích cầu tiêu dùng…, nhưng nhìn vào bàn tiệc sẽ thấy nó đơn giản hơn rất nhiều so với mọi năm. Có chứng cứ thực tế nào thuyết phục hơn thế về sự “đẩy mạnh tiêu dùng” mà họ đang kêu gọi?

nP4y4WfN.jpgPhóng to EIJE0Y9n.jpg
Ông Phan Chánh Dưỡng: “Phải thiết kế một chiến lược phát triển mới, sao cho mười năm sau có thể thay đổi được cơ cấu kinh tế như hiện nay” Bà Nguyễn Thị Tâm: “Khi xài tiền nhiều, người ta mới có động lực để kiếm nhiều tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu của mình”

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Tâm, giám đốc Công ty Hồn Việt cho rằng tâm lý đám đông đã ảnh hưởng đến quyết định của mỗi cá nhân. Nó có tính lây lan rất mạnh, nhanh chóng trở thành một dòng chảy, một xu hướng. Một khi cả thế giới nháo nhác lên vì nạn thất nghiệp, cố gắng tiết kiệm chi tiêu, thì những người có tiền cũng trở nên e dè, không dám phô trương. Tâm lý này đặc biệt có ảnh hưởng đối với thế hệ lớn tuổi. Có thể người ta muốn mua một món đắt tiền mà họ thực sự cần, nhưng do “nhìn trước ngó sau” nên cuối cùng đã không dám, sợ bị cho là hoang phí.

Thế nào là chi tiêu hợp lý?

Ai cũng biết, người ta chỉ chi tiền cho một sản phẩm hay dịch vụ khi họ “cần” hoặc khi “muốn”. Và đương nhiên, phải có lý do người ta mới tiêu xài, tức đã có sẵn tính hợp lý. Vậy có nên đặt ra khái niệm “hợp lý” ở đây? Chuyên viên kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng một khoản chi tiêu có khi rất hợp lý về mặt kinh tế nhưng lại không hợp lý về mặt cá nhân, và ngược lại. Tuy nhiên, chi tiêu của Chính phủ bắt buộc phải hợp lý về kinh tế, khác với tiêu dùng cá nhân, trước hết phải hợp lý với ngân sách của riêng họ. Đó là nói chung, còn trong điều kiện khó khăn hiện nay, chuyện chi tiêu này có gì cần thay đổi? Ông Sơn nói:

- Trong suy thoái, không phải tất cả đều nghèo đi, mà cũng có trường hợp có người giàu lên. Người thất nghiệp dĩ nhiên phải dè sẻn, bởi muốn xài cũng không có tiền mà xài. Người thu nhập giảm cũng phải tiết kiệm, tự hợp lý hóa khoản chi dựa trên ngân sách của mình. Người có tiền thì vẫn nên tiêu xài bình thường và bất cứ chi tiêu nào cũng được coi là hợp lý, trừ những gì có hại cho sức khỏe. Giàu lên thì người ta xài nhiều hơn, vậy mới tốt. Có thể với người khác là không hợp lý, như sắm một chiếc chuyên cơ chẳng hạn, nhưng miễn người bỏ tiền ra thấy cần thiết là được.

Nhưng với chi tiêu công, tính hợp lý phải thể hiện rõ ràng. Kinh tế suy thoái thì nguồn thu từ thuế giảm nhưng phải chi nhiều hơn (để kích thích tăng trưởng kinh tế). Có những dự án trước đây do chống lạm phát không làm, giờ nên tiến hành để tạo công ăn việc làm. Sự hợp lý ở chỗ phải tiết kiệm và phải ưu tiên, khuyến khích việc dùng hàng hóa sản xuất trong nước. Cường quốc như Mỹ mà còn kêu gọi dùng hàng Mỹ thì tại sao chúng ta không làm như vậy? Muốn duy trì sản xuất, giữ công ăn việc làm trong nước, thì phải ủng hộ, mua hàng của nước mình. Khu vực kinh tế nhà nước cần phải tiết kiệm, chỉ nhập khẩu những hàng hóa thực sự cần thiết, chứ không tràn lan như trước.

8pBcwkUq.jpgPhóng to 1I7tqXJU.jpg
Ông Huỳnh Bửu Sơn: “Với chi tiêu công, tính hợp lý phải thể hiện rõ ràng” Ông Trần Sĩ Chương: “Trong giai đoạn khó khăn, hợp lý là mua cái gì mình cần, chứ không phải mua cái gì mình muốn”

Chuyên viên kinh tế Trần Sĩ Chương thì ngắn gọn hơn: “Trong giai đoạn khó khăn, hợp lý là mua cái gì mình cần, chứ không phải mua cái gì mình muốn”. Ông Chương cũng lưu ý rằng mỗi món hàng mình chi xài đều sẽ có tác động ảnh hưởng dây chuyền tới những công đoạn dịch vụ, sản xuất khác.

Tưởng chừng sự lý giải về “tính hợp lý” như vậy là… hợp lý và sẽ nhận được sự đồng thuận, nhưng không, ngay lập tức, ông Lý Quí Trung, nhà sáng lập và điều hành chuỗi nhà hàng Phở 24 đã lên tiếng:

- Đôi khi hợp lý quá cũng không tốt. Cứ nghe khủng hoảng kinh tế, tình hình khó khăn, rồi ai ai cũng tiết kiệm thì không nên. Nhiều nền kinh tế đã và đang khuyến khích người dân tiêu dùng. Như ở Úc, chính quyền cho các hộ gia đình có con nhỏ vài ngàn đô để xài. Làm vậy để xóa đi một tâm lý đáng ngại, là nhiều người chưa bị ảnh hưởng gì hết nhưng vẫn cứ cắt giảm chi tiêu, cho nó… hợp thời. Ngay như nhà tôi cũng vậy, cái gì bà xã tôi cũng đang muốn cắt giảm. Vô hình trung điều đó có thể khiến hoạt động sản xuất kinh doanh sút giảm, ngưng trệ. Theo tôi, tiết kiệm thì đúng nhưng đừng để trở thành quá đáng.

Ông Chương muốn cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng lần này: “Chúng ta nên cân nhắc đến yếu tố “không dự đoán được”, nghĩa là có thể bây giờ anh biết chắc rằng khủng hoảng chưa ảnh hưởng đến mình, nên chưa điều chỉnh mức tiêu dùng. Nhưng nếu không thể biết cuộc khủng hoảng ấy khi nào kết thúc và nó có thể sẽ ảnh hưởng đến ai, có mình trong đó hay không, thì nên chăng bắt đầu tiết kiệm từ bây giờ, chứ đừng ỷ lại là nước chưa đến chân thì chưa cần phải nhảy. Cuộc khủng hoảng này không phải là chuyện chu kỳ, ba tháng, sáu tháng hay một năm, mà phải từ ba đến năm năm”.

Về điều này, ông Sơn đồng quan điểm với ông Trung, khi cho rằng phải có người tiêu dùng thì người sản xuất mới sống được. Nếu mọi người đều tiên liệu tương lai sẽ u ám hơn, để thắt chặt chi tiêu, thì nền kinh tế sản xuất sẽ thế nào? Một nền kinh tế đang suy thoái hoặc lạm phát, thường người dân đều có yếu tố tâm lý đó. Họ kỳ vọng trong tương lai giá cả mọi thứ sẽ giảm, nên tự động giảm tiêu dùng, dừng việc mua sắm. Không chỉ nhà cửa, xe hơi, mà cả quần áo, vải vóc… người ta đều nghĩ đừng nên mua bây giờ, mà để chậm chậm sẽ rẻ hơn. Tất cả tạo một tâm lý chung, khiến mức tiêu dùng chậm lại, sản xuất cũng chậm lại theo. Thậm chí, người ta còn sa thải lao động để thu hẹp quy mô sản xuất, vì dự đoán hàng sản xuất ra sẽ không bán được.

Ông Trung liền tiếp tục: “Chính vì vậy, nhiều nước mới khuyến khích người dân tiêu dùng, ai bị giảm thu nhập sẽ được bù cho số tiền giảm đi đó. Nếu nước ta không thể cấp tiền trực tiếp được như thế, thì có thể giảm thuế để khuyến khích người tiêu dùng giữ nhịp độ mua sắm”. Theo ông Trung, dù đang khủng hoảng nhưng ở Việt Nam không có nhiều người bị giảm lương, bởi văn hóa kinh doanh của nước ta không cho phép giới chủ “mạnh tay” như ở các nước khác.

Ông nói: “Công ty tôi cũng như của bạn bè tôi đều không giảm lương nhân viên. Mấy tháng trước, nhiều người ra nước ngoài về đều có cảm nhận “sao người Việt Nam lạc quan quá”, khi thấy ở nước người dân chúng đang lo lắng, thắt chặt chi tiêu, trong khi nước mình mọi việc vẫn bình thường. Tuy nhiên, chính tâm lý lạc quan như vậy mới tốt, chứ không phải chỉ do cuộc khủng hoảng đến với nước ta chậm hơn các nước, nên dân mình chưa lo. Nhưng rồi dần dần, chúng ta cũng bị cuốn vào cơn lốc lo lắng đó. Theo tôi, sự suy sụp nhanh của kinh tế Mỹ cũng có phần góp không nhỏ của tâm lý.

Bà Nguyễn Thị Tâm tán thành và đưa thêm một luận điểm: “Theo tôi, khi xài tiền nhiều thì người ta mới có động lực để kiếm nhiều tiền, nhằm đáp ứng nhu cầu của mình. Còn nếu cứ thắt chặt chi tiêu, dần dần người ta trở nên trì trệ, thấy cuộc sống vậy cũng ổn rồi, không còn ý chí tiến thân nữa. Điều đó có thể khiến cho mỗi cá nhân và cả xã hội sẽ phát triển chậm lại”.

Mức cầu tiêu dùng của người Việt Nam còn rất thấp

a5XpRTVo.jpgPhóng to
Bà Bùi Hạnh Thu: “Đã có một sự chuyển dịch mua sắm, từ đa dạng sang tập trung vào những mặt hàng thiết yếu”

Từ đầu đến giờ, các phân tích, ý kiến đưa ra mới chỉ dựa vào suy luận, từ nước người đến nước mình. Còn muốn biết đích xác mức tiêu dùng của người Việt Nam hiện nay thế nào, từ đó kết luận rằng có nên “điều chỉnh cho hợp lý” hay không, hẳn không ai rõ hơn bà Bùi Hạnh Thu, Phó tổng giám đốc Liên hiệp HTX thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), bởi vì hệ thống CoopMart chiếm một thị phần quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Bà nói:

- Theo tôi, phải có một cái nhìn tổng thể về mức cầu tiêu dùng của người dân, mới thấy là có cần phải tiết kiệm hơn hay không. Muốn vậy, phải có số liệu phân tích cơ cấu tiêu dùng của từng nước, từng khu vực, nếu không sẽ rất phiến diện. Nhưng nói gì đi nữa, thì chi tiêu của nước mình so với châu âu hay Mỹ vẫn còn một khoảng cách rất xa. Tiêu dùng của dân mình còn rất giản đơn, thua kém rất nhiều nước.

Tôi mới có dịp qua Mỹ, đến nhà một người quen, cả nhà đang thất nghiệp, hưởng trợ cấp, vậy mà mức sống vẫn cao, bày bàn ăn vẫn có giấy lót, trong tủ lạnh, bếp vẫn đầy đủ những thực phẩm tốt nhất cho nhu cầu chăm sóc cơ thể, cho sinh hoạt hàng ngày. Chỉ một số ít dân thành thị của nước ta mới có mức tiêu dùng cỡ đó. Còn với đại bộ phận dân Việt Nam, nhu cầu vẫn rất đơn giản. Đâu mấy ai có trang phục theo mùa, rồi đi nghỉ đông, nghỉ hè ở nước này nước nọ?

Tiêu dùng nước ta chủ yếu dành cho nhu cầu thiết yếu và chuyện cơm áo gạo tiền vẫn là bài toán hóc búa đối với đa số các gia đình. Đặc biệt, các khoản chi tiêu cho con ăn học đang chiếm một khoản rất lớn trong ngân quỹ gia đình, nên không ai bảo ai thì mọi người cũng đã phải tiết kiệm để lo cho tương lai con cái.

Bởi vậy, nếu cứ quá lo ngại về khủng hoảng, mà không khuyến khích tiêu dùng, theo tôi sẽ gây khó khăn thêm cho nền kinh tế. Hiện không phải dân mình không có tiền, một bộ phận lớn trong dân vẫn còn rất nhiều tiền. Nhưng mấy chục năm chiến tranh, không hội nhập… khiến đa phần người dân có thói quen tiêu dùng tiết kiệm. Tại Singapore, Nhật, Thái Lan, Trung Quốc…, những nước cũng đang chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, vẫn thấy người ta tay xách nách mang hàng hóa đi ra từ các trung tâm thương mại lớn. Còn nước ta, đa số chỉ dám mua sắm trong các siêu thị bán lẻ và các chợ.

Bản chất tiêu dùng của người dân là chưa hề hoang phí, chỉ một số rất ít người có tiền tiêu xài thả giàn. Có đi đến những vùng sâu, vùng xa, mới thấy dân mình còn nghèo lắm. Bột giặt tốt, nước xả vải chưa dám dùng. Tôi nghĩ định hướng tiêu dùng là đúng đắn trong giai đoạn này, nhưng phải làm sao để vẫn thúc đẩy sản xuất và để người tiêu dùng an tâm.

Bà Nguyễn Thị Tâm rất đồng ý với lập luận này, nên tiếp lời: “Người tiêu dùng Việt Nam chưa hề tiêu xài hoang phí, đa số chỉ dừng lại ở những nhu cầu thiết yếu, ăn, mặc, ở, đi lại, tức là ở thang nhu cầu thấp nhất của Maslow. Lĩnh vực tư vấn tâm lý của tôi cũng bị xếp vào loại xa xỉ, dù đúng ra trong thời buổi kinh tế khó khăn này, người ta rất cần được chăm sóc về mặt tinh thần, được tư vấn để vượt qua stress, hay được định hướng cho cuộc sống. Với đại đa số người dân, đó là cái gì rất xa vời, không cần quan tâm”.

Dựa vào mức tăng trưởng doanh thu rất cao trong thời gian qua của hệ thống CoopMart, bà Thu cho rằng điều đó chứng tỏ sức mua trong dân vẫn còn rất lớn, đặc biệt Việt Nam là một quốc gia đông dân, nên vẫn là một thị trường đầy tiềm năng. Tuy nhiên, đã có một sự chuyển dịch mua sắm từ nhóm hàng này qua nhóm hàng khác, từ đa dạng chuyển sang tập trung vào những mặt hàng thiết yếu, những cái “không thể không mua được”. Chẳng hạn hàng may mặc thì tập trung vào đồ lót, quần áo trẻ con, đồng phục học sinh, trang phục công sở, chăn drap gối mền.

Nhóm hàng đồ dùng gia đình thì tập trung vào những dụng cụ nấu bếp, bớt đi những dụng cụ đắt tiền hơn như máy nướng bánh, nướng thịt. Trong thực phẩm, thay vì mua những món “ăn chơi” như chả giò, khách hàng chuyển qua mua những loại “ăn thiệt”, tự đem về chế biến. Mỹ phẩm, nước hoa có giảm nhưng không đáng kể, vì như bà Thu nhận định, chi tiêu của dân mình vốn đã tiết kiệm rồi nên không giảm thêm được nữa.

Ông Trung góp thêm thông tin rằng trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, ăn uống thì phân khúc cao cấp bị tác động mạnh, còn phân khúc trung bình vẫn không ảnh hưởng, thậm chí còn tăng. Ông Chương lý giải những ý kiến trên bằng một số liệu, rằng tiêu dùng ở Mỹ chiếm đến 64% GDP, trong khi nước ta chưa đến 20%. Người ta chỉ phải điều chỉnh khi trước đó đã vung tay quá trán.

Về tiêu dùng cá nhân của Việt Nam, chưa hề có tình trạng đó, mà chỉ thấy biểu hiện ở khu vực công, vì vậy, có điều chỉnh chăng thì chỉ ở khu vực này. Đầu tư công chưa đúng vì chưa thực hiện tốt công tác nghiên cứu, dự báo. Cứ mua, cứ sản xuất, hàng chất đầy kho mà chẳng cần biết có bán được không. Nếu vẫn giữ mức đầu tư đó nhưng có định hướng chiến lược rõ ràng, thì vừa có ý nghĩa kích cầu vừa có hiệu quả kinh tế.

Kiểm soát tốt chi tiêu công và tăng cường hệ thống an sinh xã hội

Ông Trần Sĩ Chương lưu ý, bên cạnh việc chi tiêu công, các chính sách đưa ra với mục tiêu “kích cầu” trong thời gian qua cũng nên xem lại. Theo ông, kích cầu ngoài tác dụng tâm lý và chính trị ra, thì chỉ như một liều thuốc có tác dụng nhất thời cho con bệnh nặng, để hy vọng người bệnh bừng tỉnh mà vượt qua.

Nước Mỹ trước đây vung tay quá trán, nên trên nguyên tắc không thể tiếp tục vay nợ để trị dứt vấn đề nợ được, mà phải thắt lưng buộc bụng. Nhưng họ không còn cách nào khác ngoài việc phải xài tiền để ổn định tình hình. Vả lại, Mỹ làm được điều này vì họ có thể xài tiền thoải mái và buộc thế giới phải đưa tiền cho họ xài. Khi vay nợ mới, ta phải tăng năng suất lên một mức sao cho lợi nhuận thu được từ việc đầu tư khoản vay mới này đủ để trả lãi cho nợ cũ và nợ mới, cộng thêm phần vốn trả dần nữa. Liệu có ai làm được điều đó, khi mà năng suất lao động đã và sẽ đi xuống trong vòng 5- 6 năm tới?

Bởi vậy, những nước khác không nên bắt chước, mà tùy vào việc “chẩn bệnh” kinh tế nước mình để đưa ra chính sách phù hợp. Riêng Việt Nam, như đã đề cập, dân mình chưa hề vung tay quá trán, vì vậy các chính sách của Chính phủ trong giai đoạn này nên hướng đến vấn đề an sinh xã hội. Thất nghiệp là tình trạng có thật, vì nước xuống thì thuyền phải xuống, dù ở Việt Nam, những hệ quả của tình trạng thất nghiệp không nhiều, nhờ vào tính tương thân tương ái của cộng đồng.

Về gói tài trợ lãi suất ngắn hạn thời gian qua, ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng nó không có nhiều tác dụng kích thích kinh tế ngay lập tức, chuyện giãn nộp thuế thu nhập cũng tốt nhưng hiệu quả không lớn. Nhà nước nên phục hồi những dự án công, xây dựng cơ sở hạ tầng, như chuyện xây nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, ông nhận xét: “Cần phục hồi các dự án công, nhưng phải làm có hiệu quả. Nhìn vào thu chi ngân sách của nước ta, có thể thấy sự khiếm hụt chủ yếu rơi vào khâu đầu tư công. Hiệu quả kém của đầu tư công khiến nền kinh tế phải gánh chịu lạm phát, năng lực cạnh tranh quốc gia kém, chỉ số ICOR cao…

Để giải quyết công ăn việc làm trong hoàn cảnh suy giảm kinh tế hiện tại, có thể tiếp tục triển khai các dự án này, nhưng trong tương lai, Nhà nước phải đi theo hướng cân bằng ngân sách, nhường những dự án đầu tư, kể cả đầu tư hạ tầng, cho khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài, để tăng cường hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí và tham nhũng.

JiMcVZbM.jpgPhóng to
Ông Lý Quí Trung: “Cứ nghe khủng hoảng kinh tế, tình hình khó khăn, rồi ai ai cũng tiết kiệm thì không nên”
“Phải chấp nhận chuyện căët giảm lao động như là bài toán cần thiết trong hoạt động kinh doanh khi khó khăn, không nên kêu gọi một cách cứng nhăëc giới chủ đừng căët giảm nhân viên, bởi kinh doanh đang gặp khó khăn mà giữ nhiều nhân viên thì sẽ tăng chi phí, làm ăn thua lỗ. Khi ấy, chúng ta sẽ có nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, một loại ung nhọt của nền kinh tế - Ông Lý Quí Trung đề nghị - Thay vào đó, hãy hỗ trợ khu vực tư nhân để những đơn vị có khả năng sẽ nhận những người thất nghiệp này”.

Các khách mời đều thống nhất rằng chuyện sa thải nhân công sẽ chẳng có gì đáng nói, nếu có một tấm lưới an sinh xã hội tốt. Còn như nước ta hiện nay, bị rơi khỏi guồng máy sản xuất, kinh doanh là người làm công sẽ gặp nguy hiểm ngay. Bà Thu đề nghị những chi tiêu công nên tạo nền tảng căn bản cho kinh tế - xã hội. Đào tạo lao động có tay nghề là một ví dụ.

Bà nói: “Mỗi lần chúng tôi mở một siêu thị mới, nhận lao động tốt nghiệp phổ thông trung học vào, nhưng các em chưa biết làm gì hết. Đó là bởi chúng ta chưa có một nơi đào tạo cho các em kỹ năng giao tiếp, cách thức bán lẻ hiện đại… Những sự đầu tư mang tính định hướng phát triển xã hội như vậy rất cần được Nhà nước quan tâm”.

Rất bình tĩnh lắng nghe những ý kiến cho thấy tác động của cuộc khủng hoảng đối với tâm lý tiêu dùng của nước ta không lớn lắm, do mức nhu cầu còn thấp, ông Phan Chánh Dưỡng cho đây là một điều may mắn, nhưng dưới một góc độ khác, điều đó lại cho thấy về cơ bản công cuộc đổi mới chưa làm đổi thay nhiều về cơ cấu kinh tế của đất nước. Sự chưa thay đổi đó đã giữ cả thói quen tiêu dùng, cơ cấu xài tiền, tâm lý con người…

Ông nói: “Phải thẳng thắn nhìn nhận điều này để thay đổi, chứ nếu vẫn giữ tư duy cũ thì thêm mấy chục năm nữa đất nước vẫn không cất cánh được. Phải có một đánh giá và thiết kế một chiến lược phát triển mới, sao cho mười năm sau có thể thay đổi được cơ cấu kinh tế như hiện nay”. Ông Chương đồng tình: “Cũng giống như giai đoạn 1997-1998 chúng ta tự hào không bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, vì mình khi ấy như một miếng ván trên biển, biển động mạnh chỉ làm lật ghe thuyền chứ không làm lật ván.

Mười năm sau, chúng ta mới tiến được một bước, như nhiều miếng ván ghép lại, nên vẫn chưa bị sóng lớn đánh chìm. Tôi đồng ý với anh Dưỡng, nhưng thêm một điều là nếu muốn phát triển nhanh, thì phải thực hiện cho chóng, chứ nếu chỉ phát triển từ nhiều miếng ván lên thành một chiếc thuyền con, thì với chu kỳ sóng tới (to hơn), chuyện bị lật là đương nhiên”.

Từ việc phân tích những vấn đề vi mô để nhìn ra và cảnh báo về những vấn đề mang tính vĩ mô như thế, các vị khách mời cũng chỉ muốn góp một tiếng nói chuyển đến các nhà hoạch định chính sách trong việc giúp đất nước nhanh chóng vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển. Đó cũng là mục đích của cuộc tọa đàm tháng 4 này.

Theo LY LAMDoanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên