13/01/2009 07:00 GMT+7

Thuế TNCN với người lao động: Không hợp đồng, thiệt đủ đường

T.TUYỀN
T.TUYỀN

TT - Với lý do chưa thể quản lý được nên Bộ Tài chính đã đưa ra những quy định không thuận lợi cho người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), nhất là những trường hợp nơi làm việc không ổn định, không có hợp đồng lao động, làm thời vụ như công nhân xây dựng, sinh viên...

Quy định khai và tính thuế

Cá nhân có hợp đồng lao động

Hằng tháng giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc rồi mới tính thuế TNCN để tạm nộp, cuối năm quyết toán.

Cá nhân có hợp đồng lao động và có nơi làm thêm

Tương tự như trên, nhưng phần thu nhập ở nơi làm thêm chưa được tính để giảm trừ gia cảnh hằng tháng, vẫn phải tạm nộp thuế 10%, cuối năm quyết toán.

Cá nhân không hợp đồng lao động, có mã số thuế

Khấu trừ 10% trên thu nhập, cuối năm quyết toán mới được giảm trừ gia cảnh.

Cá nhân không hợp đồng lao động, không mã số thuế

Khấu trừ 20% trên thu nhập. Nếu không kê khai và đăng ký mã số thuế thì không thể giảm trừ gia cảnh và quyết toán thuế.

Bên cạnh đó, nhiều người cho thuê nhà cũng đang kêu vì có những khoản chi phí rất hợp lý nhưng vẫn không được cho tính vào chi phí trước khi tính thuế TNCN.

Khó cho người làm thời vụ

Một viên chức nhà nước có hai người phụ thuộc, được giảm trừ gia cảnh 7,2 triệu đồng nhưng lương chỉ có 2,5 triệu đồng/tháng nên không phải tạm nộp thuế hằng tháng. Viên chức này đi làm thêm, thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Cộng cả thu nhập trong và ngoài là 6,5 triệu đồng thì viên chức này cũng chưa phải nộp thuế. Nhưng do quy định của Bộ Tài chính nên viên chức này vẫn phải nộp thuế cho khoản làm thêm theo mức tạm khấu trừ 10% trên thu nhập, cuối năm cộng các nguồn thu nhập để quyết toán, dư thì hoàn lại.

Tương tự, những người làm thời vụ, không có hợp đồng lao động thì quanh năm không được giảm trừ gia cảnh ngay trong tháng, nhận thu nhập trên 500.000 đồng/lần là phải tạm nộp thuế 10%. Đến cuối năm, những người này phải trở về nơi cư trú để quyết toán thuế mới được tính giảm trừ. Đây cũng là một trở ngại vì những người này thường phải làm ăn xa, trong khi thu nhập của họ chưa đến ngưỡng chịu thuế. Tới đây, những người này phải có thói quen giữ chứng từ khấu trừ thuế để cuối năm đi quyết toán thuế nếu không muốn bị... mất tiền.

Sẽ đơn giản hơn cho những trường hợp này nếu hằng tháng tổng hợp thu nhập để tính thuế và được khấu trừ ngay. Nhưng như thế sẽ rối cho cơ quan thuế khi phải kiểm soát thu nhập của cá nhân có từ nhiều nguồn khác nhau. Cứ tạm trừ, cuối năm cá nhân phải khai thu nhập từ các nguồn kèm theo chứng từ đã khấu trừ thuế, như thế sẽ dễ dàng hơn cho cơ quan thuế. Khoản nào có chứng từ khấu trừ hợp lệ thì được tính vào, không thì “bóc ra”, thuế thì đã tạm thu rồi. Khi đó để được giảm trừ gia cảnh, cá nhân phải chứng minh mình có thu nhập và đã tạm nộp thuế.

Không mã số, thiệt đủ đường

Nhưng căng nhất là trường hợp làm việc không cố định, không có hợp đồng lao động nhưng cũng không đăng ký mã số thuế thì cứ mỗi lần nhận thu nhập, cá nhân sẽ bị khấu trừ thuế tới 20%. Sinh viên B. đi làm thêm được 1 triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) nhưng không đăng ký để có mã số thuế, mỗi lần nhận lương bị trừ 200.000 đồng (2,4 triệu đồng/năm). Nếu sinh viên này vẫn không đăng ký để có mã số thuế thì khó quyết toán thuế, cũng không được giảm trừ gia cảnh nên số tiền tạm trừ 20% (2,4 triệu đồng) không được hoàn lại. Nếu có mã số thuế, sinh viên này được giảm trừ gia cảnh và không phải nộp thuế, vì chỉ riêng khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân đã lên đến 48 triệu đồng/năm trong khi thu nhập chỉ 12 triệu đồng/năm.

Theo các chuyên gia thuế, quy định này nhằm buộc cá nhân phải đăng ký mã số thuế, qua đó cơ quan thuế sẽ quản lý được cá nhân nộp thuế. Tuy nhiên, rơi vào trường hợp này phần lớn là người có thu nhập thấp như công nhân xây dựng, sinh viên làm thêm... làm việc xa nhà, do hoàn cảnh nên không có điều kiện quyết toán thuế và có tâm lý ngại đụng chạm đến giấy tờ...

Chuyện dài của người cho thuê nhà

Có những khoản chi phí rất hợp lý nhưng Bộ Tài chính lại không cho cá nhân được tính vào chi phí trước khi tính thuế. Đó là trường hợp người có nhà cho thuê, sau đó đi thuê nhà khác để ở.

Ông C. cho thuê nhà giá 25 triệu đồng/tháng, sau đó đi thuê nhà khác với giá 10 triệu đồng/tháng để lấy chỗ cho gia đình ở. Ông chỉ được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc mà không được trừ chi phí đã bỏ ra khi đi thuê lại nhà khác để ở.

Cơ quan thuế giải thích ông C. đã được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và người phụ thuộc. Về chi phí khi cho thuê nhà, cơ quan thuế cho trừ các khoản chi phí hợp lý trước khi tính thuế như lãi vay ngân hàng. Riêng tiền đi thuê lại nhà để ở thì không được chấp nhận. Trường hợp ông C. cơ quan thuế nói số tiền 10 triệu đồng không liên quan đến doanh thu cho thuê nhà nên không được tính là chi phí hợp lý.

Theo ông C., đương nhiên ông phải được giảm trừ gia cảnh vì đó là quy định của Luật thuế TNCN. Nhưng ông cũng phải được trừ chi phí đi thuê lại nhà vì để có được thu nhập khai thuế, ông phải nhường chỗ ở tốt hơn để cho thuê nên phải đi thuê lại nhà khác để ở. Như vậy, chi phí đi thuê lại nhà khác là một khoản chi phí hợp lý. Ông C. nói chẳng lẽ trường hợp của ông để có thể được khấu trừ chi phí thuê nhà thì phải lập công ty!? Ông cho thuê nhà sau đó đi thuê lại nhà khác để làm văn phòng và được tính vào chi phí hợp lý. Nhưng như thế thì quá sức của ông và quá rắc rối...

Thông tư 84 của Bộ Tài chính về thuế TNCN chỉ cho giảm trừ gia cảnh hằng tháng với người có hợp đồng lao động. Người không có hợp đồng lao động nếu mỗi lần nhận thu nhập trên 500.000 đồng thì đơn vị trả thu nhập phải khấu trừ 10% nếu cá nhân đó có mã số thuế, hoặc 20% nếu cá nhân đó không có mã số thuế. Rơi vào trường hợp này chủ yếu là người có thu nhập thấp như công nhân xây dựng, sinh viên, người đi làm thêm để tăng thu nhập...

T.TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên