16/05/2007 03:58 GMT+7

Vay thêm 1 tỉ USD, rót vào đâu?

 NHƯ HẰNG
 NHƯ HẰNG

TT - Dự kiến tháng 9-2007, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để vay 1 tỉ USD từ nước ngoài. Đây là lần thứ hai Chính phủ vay tiền để các doanh nghiệp nhà nước vay lại. 1 tỉ USD này được đầu tư vào đâu và cần phải làm gì để có vay có trả?

n7DGfggr.jpgPhóng to
Nhiều triệu USD đã được Chính phủ rót cho Tập đoàn Vinashin. Trong ảnh: Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn (thuộc Vinashin) vừa hạ thủy tàu chở container - Ảnh: T.V.N.
TT - Dự kiến tháng 9-2007, Chính phủ sẽ phát hành trái phiếu để vay 1 tỉ USD từ nước ngoài. Đây là lần thứ hai Chính phủ vay tiền để các doanh nghiệp nhà nước vay lại. 1 tỉ USD này được đầu tư vào đâu và cần phải làm gì để có vay có trả?

Vinashin đầu tư lãi 8%/năm

Theo Tập đoàn kinh tế Vinashin, tổng số vốn tập đoàn thực nhận từ đợt phát hành 750 triệu USD trái phiếu quốc tế của Chính phủ trong năm 2005 chỉ là 731,45 triệu USD (sau khi được chiết khấu). Vinashin trả 51,56 triệu USD tiền lãi mỗi năm chia làm hai kỳ thông qua tài khoản tại Ngân hàng BIDV.

Số tiền này được Vinashin phân bổ cho 180 dự án thuộc đề án phát triển giai đoạn 2006-2010 của Vinashin đã được Thủ tướng phê duyệt. Trong đó 50% số tiền để nâng cấp, mở rộng, đầu tư mới các nhà máy đóng và sửa chữa tàu, 30% dành cho đầu tư các dự án nhằm nội địa hóa sản phẩm công nghiệp tàu thủy (như sản xuất thép, động cơ...), trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vỏ container tại Cụm công nghiệp tàu thủy Lai Vu với công suất 30.000 TEU/năm, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2007. Số 20% còn lại sẽ được Vinashin đầu tư cho các dự án phát triển đội tàu, gồm tàu container, tàu hàng rời, tàu hàng tổng hợp, tàu chở dầu thô... với tổng trọng tải khoảng 300.000 DWT.

Theo một lãnh đạo của Công ty tài chính Vinashin, tính đến 30-4, số tiền đã giải ngân cho các dự án là 7.400 tỉ đồng (khoảng hơn 462 triệu USD), trong đó số tiền đã thu hồi từ nguồn khấu hao cơ bản của các dự án đã đi vào hoạt động có hiệu quả là trên 650 tỉ đồng. Số tiền này đã được Vinashin tái đầu tư cho các dự án đang cần vốn. Riêng số tiền chờ giải ngân cho các dự án được phân bổ vốn được giao cho Công ty tài chính Vinashin quản lý, chủ yếu sử dụng để cho các đơn vị thành viên vay vốn lưu động phục vụ sản xuất (số dư nợ tính đến 30-4 là 3.700 tỉ), số còn lại được gửi tại các ngân hàng. “Gộp chung lại, thu nhập từ hoạt động bảo toàn và phát triển nguồn vốn chờ thanh toán năm 2006 đạt trên 8%/năm, lớn hơn lãi suất trái phiếu quốc tế phải trả cho các nhà đầu tư” - ông này khẳng định.

Trả lời câu hỏi Vinashin đã dự trù kế hoạch trả nợ khi trái phiếu đáo hạn như thế nào, ông cho biết Vinashin đã tính toán các dự án đầu tư có thời gian thu hồi vốn dưới 10 năm. Giá trị đơn đặt hàng của Vinashin tính đến tháng tư đã đạt trên 10 tỉ USD, trong đó khoảng 65% là cho xuất khẩu.

Rót vào đâu?

Gần hai năm trước, khi phát hành trái phiếu quốc tế để cho Vinashin vay lại, Chính phủ cũng đã từng tính toán rằng những đợt sau các doanh nghiệp sẽ là chủ thể phát hành trái phiếu ra thị trường, Chính phủ chỉ giữ vai trò là người bảo lãnh. Tuy nhiên, đến nay điều này đã không trở thành hiện thực, vì theo Bộ Tài chính, các “đại gia” như Tập đoàn điện lực VN, PetroVietnam... đều chưa hội đủ điều kiện để tự đứng ra vay. Vì vậy, lần này Chính phủ lại đứng ra vay 1 tỉ USD thông qua phát hành trái phiếu. Dự kiến trái phiếu có thời hạn 15-20 năm sẽ được phát hành trong tháng chín. Hiện Bộ Tài chính đang chuẩn bị “đề bài” để mời thầu bảo lãnh phát hành là các tổ chức tài chính quốc tế. Số tiền đem về sẽ được giao “một cục” cho ba doanh nghiệp nhận vốn chứ không giải ngân theo nhu cầu.

Khoảng 700 triệu USD trong số vốn 1 tỉ USD huy động sẽ được rót vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Với số tiền này, xem như khoản vốn đầu tư 2,5 tỉ USD dành cho Dung Quất đã được Chính phủ cân đối đủ. “Việc cho Dung Quất vay lại là điều dĩ nhiên vì nếu không phát hành trái phiếu quốc tế, Chính phủ cũng phải sắp xếp từ các nguồn khác để lo cho dự án này” - một quan chức của Bộ Tài chính nói.

Riêng khoản vay 240 triệu USD cho Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines), ông cho biết sẽ được Vinalines dùng để sắm đội tàu vận tải. Phương án đầu tư khai thác đội tàu này đã được Bộ Giao thông vận tải và một số cơ quan chức năng khác đánh giá là khả thi, có khả năng hoàn vốn trong vòng

5-7 năm. Báo cáo của Vinalines (không chú thích đã được kiểm toán hay chưa) cho biết năm 2006 tổng công ty đạt doanh thu 11.241 tỉ đồng, trong đó lợi nhuận là 551 tỉ đồng. Vốn nhà nước tại Vinalines tính đến ngày 31-12-2005 ước đạt 3.300 tỉ đồng, tăng 46% so với năm 2000.

Phần còn lại 60 triệu USD dự kiến được giao cho Tổng công ty Sông Đà để thực hiện dự án Nhà máy thủy điện Xê Ca Mản 3 tại Lào. Nhà máy này sắp xây dựng xong, khoản tiền cho vay lại của Chính phủ chủ yếu sẽ được dùng cho việc mua sắm thiết bị. Được biết, nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ chủ yếu bán điện về VN, một phần sẽ cung cấp cho thị trường Lào.

* PGS.TS Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM): Để có vay có trả

Việc Chính phủ chuẩn bị vay thêm từ nước ngoài để cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay lại càng cho thấy sự cần thiết phải thay đổi triệt để cơ chế giám sát vốn nhà nước. Việc giám sát phải được thực hiện thường xuyên chứ không phải định kỳ sáu tháng một lần như ý kiến của Bộ Tài chính.

Cần phải bắt buộc các DNNN sử dụng vốn vay nước ngoài thường xuyên công khai thông tin trên các trang thông tin điện tử giống như công ty đại chúng. Theo qui định, với các công ty cổ phần, chỉ có số cổ đông lên đến 100 người là đã phải thực hiện các yêu cầu nghiêm ngặt về công bố thông tin ra công chúng. Trong khi DNNN, một công ty “siêu đại chúng” với số “cổ đông” là 84 triệu dân thì cho đến giờ vẫn chưa có qui định công bố thông tin cho các cổ đông công chúng giám sát. Các thông tin này phải được xác nhận của Kiểm toán nhà nước và cả các công ty kiểm toán độc lập.

* Bà Phạm Chi Lan (chuyên viên kinh tế cao cấp): Còn nhiều ưu tiên hơn các doanh nghiệp nhà nước

Tôi cho rằng chúng ta cần xem lại cơ chế huy động và phân phối vốn cho các DNNN. Nguồn vốn của VN còn hạn hẹp thì đầu tư cho nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết. Ngoài ra, bài toán nông nghiệp cũng cần được ưu tiên cao vì nông nghiệp đang đụng chạm đến thân phận của hơn 50 triệu người dân. Nền kinh tế VN cần phát triển dựa trên những nền tảng vững chắc hơn thay vì đầu tư vào những DN cụ thể để đi tìm sự tăng trưởng trong ngắn hạn.

 NHƯ HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên